Các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao đối với việc trình Quốc hội xem xét sửa đổi các dự án luật. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Tại Tổ 7 - gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH): Huế, Lạng Sơn và Thái Nguyên, Kiên Giang, các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao đối với việc trình Quốc hội xem xét sửa đổi ba văn bản nêu trên. Việc sửa đổi, bổ sung được nhận định là cần thiết nhằm phục vụ tiến trình cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Các ý kiến trong tổ đều thống nhất với nội dung Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, nhằm thể chế hóa chủ trương về mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng hai cấp. Đây là bước đi nhằm thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII – trong đó xác định việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025. Các đại biểu cũng cho rằng, Điều 110 của Hiến pháp cần được điều chỉnh phù hợp, theo hướng quy định khái quát về mô hình chính quyền hai cấp, không nêu cụ thể tên gọi các đơn vị hành chính ở từng cấp như hiện hành, để đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn quản lý.

Tham gia góp ý về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế cho rằng, dù chủ trương quản lý cán bộ theo vị trí việc làm, gắn với tiêu chuẩn chức danh và chỉ tiêu biên chế đã được Bộ Chính trị xác định từ năm 2015, nhưng quá trình thực hiện trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

Bà Sửu nêu rõ: “Có nơi đủ chỉ tiêu biên chế, nhưng lại chưa bố trí đúng với yêu cầu của vị trí việc làm hay khung năng lực. Ngược lại, có người vào được vị trí việc làm nhưng không đạt tiêu chuẩn chức danh”. Bà cũng chỉ ra thực trạng có nơi bố trí chuyên viên cao cấp ở vị trí công việc thấp hơn; hoặc nhiều đơn vị có số lượng chuyên viên chính vượt quá nhu cầu thực tế.

Từ thực tiễn đó, đại biểu đề xuất cần có quy định cụ thể, đồng bộ giữa ba yếu tố: tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Trong trường hợp thiếu nguồn tuyển, cần có giải pháp đào tạo hoặc bổ sung nguồn lực phù hợp, tránh tình trạng “lấp đầy biên chế nhưng không lấp đầy vị trí việc làm”.

Liên quan đến Điều 5 của dự thảo luật, bà Sửu cho rằng, đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và hoàn toàn đồng tình với việc giao Chính phủ, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương quyết định cụ thể chính sách thu hút, trọng dụng người tài năng.

Tuy nhiên, bà đề nghị cần đưa vào luật khung tiêu chí xác định người có tài năng, nhằm tránh việc áp dụng không thống nhất giữa các địa phương và cơ quan. “Nếu đã có khái niệm "người tài năng", thì tại sao lại thiếu tiêu chí cụ thể để tuyển chọn?”, bà đặt vấn đề.

Bà cũng lưu ý, dự thảo đề cập đến việc xây dựng “cơ chế, chính sách đặc biệt” – một thuật ngữ mới cần được làm rõ, nhất là khi phân biệt với chính sách “đặc thù” đã được áp dụng trước đây. “Cơ chế chính sách dành cho con người, đặc biệt là cán bộ, công chức thì phải rõ ràng, minh bạch để tránh hiểu sai hoặc áp dụng tùy tiện”.

Góp ý cho Điều 18 về việc bầu cử, bổ nhiệm, chỉ định các chức danh cán bộ, bà Nguyễn Thị Sửu đề nghị bổ sung cụm từ “phê chuẩn” vào nhan đề điều luật để bảo đảm tính đầy đủ và thống nhất, vì nội dung “phê chuẩn” đã được đề cập trong các khoản của điều này nhưng lại không xuất hiện ở tiêu đề.

Đối với các quy định về đánh giá, xếp loại và kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (Điều 29 đến 31), đại biểu Nguyễn Thị Sửu đồng tình với hướng sửa đổi, đặc biệt là điểm mới tại Điều 29 quy định đánh giá công chức theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, gắn với bố trí sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật.

Tuy nhiên, bà bày tỏ băn khoăn về thước đo cụ thể. “Mặc dù kết quả, sản phẩm công việc đã được nhấn mạnh, nhưng các yếu tố như đạo đức công vụ, mức độ đáp ứng yêu cầu, sự công khai, công tâm, dân chủ... vẫn chưa có tiêu chí định lượng rõ ràng. Nhất là đối với công chức quản lý, còn phải xem xét thêm yếu tố kết nối với doanh nghiệp, với người dân – vậy thước đo hiệu quả ở đâu?”, bà Sửu phân tích.

Từ đó, bà đề nghị cần ban hành các bộ tiêu chí thống nhất, quy định rõ nấc thang đánh giá, để có thể lượng hóa kết quả một cách khách quan, minh bạch, thay vì đánh giá cảm tính như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH TP. Huế) cho rằng, nhiều cán bộ, công chức hiện nay từng là những người giữ vị trí lãnh đạo, có trình độ chuyên môn tốt, ngoại ngữ khá, giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, để bộ máy hành chính thực sự tinh gọn, hiệu quả, cần có tiêu chí đánh giá rõ ràng hơn trong xử lý cán bộ.

Đối với khoản 3, Điều 58 quy định việc xử lý cán bộ, ông đề nghị cần cụ thể hóa các tiêu chí nhận diện đối tượng này. Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương sẽ góp phần tránh tình trạng bộ máy "phình to" nhưng kém hiệu quả.

Lê Thọ

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/danh-gia-can-bo-can-thuoc-do-minh-bach-153340.html