Di sản là gốc rễ của sáng tạo đương đại
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật hội họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, khẳng định, không thể có nghệ thuật Việt đương đại nếu thiếu nền tảng truyền thống. Theo ông, di sản là điểm khởi đầu và cũng là nguồn chất liệu bất tận, tạo nên bản sắc riêng biệt cho mỗi tác phẩm nghệ thuật.

Những kỹ thuật, hình họa, cảm quan thẩm mỹ mà các thế hệ tiền bối để lại, không phải là “di tích”, mà là “bệ phóng” cho tư duy sáng tạo hiện đại. Một tác phẩm dù mang hình thức hiện đại đến đâu cũng cần được neo vào bản sắc. Với ông, sự thấu cảm với quá khứ từ những họa sĩ Đông Dương đến nghệ nhân dân gian, chính là nền tảng đạo đức và nghề nghiệp cho nghệ sĩ hôm nay. Sáng tạo không thể là hành động tách rời khỏi lịch sử, mà là tiếp nối với ý thức và lòng biết ơn. “Nghệ thuật chỉ thực sự chạm đến trái tim khi nó thấm đượm hồn cốt văn hóa”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa, việc khai thác truyền thống nếu chỉ dừng lại ở sao chép, mô phỏng hình thức sẽ khiến nghệ thuật trở nên cứng nhắc, mất sức sống. Di sản không phải là “tượng đài” bất biến mà là thực thể sống cần được hiểu, cảm và làm mới bằng góc nhìn riêng. Chỉ có như vậy, nghệ sĩ mới thực sự thổi hồn được cho tác phẩm, biến giá trị truyền thống thành sức mạnh nội tại của nghệ thuật đương đại. Ông bày tỏ niềm tin rằng dòng chảy nghệ thuật hiện đại hoàn toàn có thể làm mới di sản nếu được dẫn dắt bằng bản lĩnh sáng tạo và nhận thức đúng đắn.
Cùng chung nhận định, bà Dương Thu Hằng, Giám đốc Hanoi Studio Gallery, cho rằng, sự quan tâm của thị trường đối với dòng tranh Đông Dương những năm gần đây là tín hiệu tích cực, cho thấy giá trị truyền thống không chỉ tạo sức hút mạnh mẽ, còn góp phần định vị thương hiệu mỹ thuật Đông Dương. Tuy nhiên, nhiều người làm nghệ thuật cũng lo lắng, nếu chỉ chạy theo thị hiếu ngắn hạn, nghệ sĩ sẽ dễ sa vào lối mòn, đánh mất chiều sâu tư duy và tính độc lập trong sáng tạo.
Không thể là sự hời hợt trong sáng tạo
Tại tọa đàm, họa sĩ Ngô Văn Sắc khẳng định, di sản không chỉ là kho báu để khai thác, mà là “chất liệu sống”, gắn liền với ký ức, văn hóa và cảm xúc của mỗi nghệ sĩ. Từ phong tục, kỹ thuật thủ công đến thẩm mỹ dân gian, tất cả đều là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng sáng tạo. Ông cũng nhấn mạnh, di sản không phải là báu vật bất động mà cần được kế thừa và sáng tạo qua trải nghiệm sống và cảm xúc cá nhân.
Với ông, di sản hiện diện trong mọi khía cạnh đời sống như kiến trúc, thủ công, ẩm thực, và mối quan hệ con người với thiên nhiên. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, sự kết nối với truyền thống chỉ có giá trị khi xuất phát từ cảm xúc chân thật. Nếu không, di sản dễ trở thành “vỏ bọc mỹ thuật”, che lấp sự hời hợt trong tư duy sáng tạo. Nghệ sĩ cần phân biệt giữa hình thức và tinh thần, giữa việc “dựa vào di sản” và “bám víu vào khuôn mẫu”.
Họa sĩ Ngô Văn Sắc cũng nhấn mạnh sự khác biệt trong nghệ thuật đến từ lao động nghiêm túc và cá tính riêng của mỗi nghệ sĩ. Dù sử dụng chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa hay tranh dân gian, giá trị của tác phẩm không nằm ở chất liệu mà ở cách nghệ sĩ đặt tâm hồn vào đó. Khi đó, di sản không chỉ là câu chuyện quá khứ mà trở thành phần sống trong hiện tại, giàu sức gợi cảm và khả năng biểu đạt. Ông cũng chia sẻ về những thách thức trong việc tìm ra sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, coi đó là hành trình thử nghiệm và điều chỉnh không ngừng. “Sáng tạo không ai có thể dạy, nhưng mỗi nghệ sĩ có thể học từ chính cảm xúc thật của mình để tạo ra nghệ thuật có chiều sâu,” ông khẳng định.
Tại tọa đàm, bà Dương Thu Hằng đã nhắc lại lời của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: “Đi đến tận cùng truyền thống sẽ gặp đương đại”. Đây là một thông điệp quan trọng về sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời là định hướng cho nghệ thuật Việt Nam trong quá trình hội nhập. Nghệ sĩ ngày nay, khi biết trân trọng di sản, dũng cảm đổi mới và sáng tạo từ bản sắc riêng, sẽ đưa nghệ thuật Việt Nam phát triển mạnh mẽ, không qua sự bắt chước, mà bằng một tiếng nói độc lập và tự tin.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/di-san-nen-tang-cua-nghe-thuat-duong-dai-post794214.html
Bình luận (0)