Trong dòng chảy phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, các không gian văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) ở các địa phương… đang âm thầm lưu giữ những câu chuyện đặc sắc về bản sắc và con người nơi đây. Việc gắn kết các không gian này với hoạt động du lịch toàn tỉnh là hướng đi cần thiết để phát huy giá trị văn hóa bền vững.
Gần đây, nhiều địa phương đã xây dựng không gian bảo tồn, nhà trưng bày văn hóa DTTS. Đơn cử, Nhà trưng bày không gian văn hoá Dao Thanh Y (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) đi vào hoạt động từ tháng 8/2024, không chỉ giới thiệu về thêu thổ cẩm, lễ Cấp sắc mà còn là nơi các nghệ nhân trình diễn, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Tại xã Bằng Cả, mô hình khu bảo tồn gắn với cộng đồng người Dao Thanh Y đã thu hút nhiều du khách trải nghiệm lễ cấp sắc, quy trình nấu rượu men lá, kiến trúc nhà truyền thống...
Tại Bình Liêu, ngoài Trung tâm VH-TT huyện còn có các điểm du lịch cộng đồng như Bản Cáu (xã Lục Hồn), làng Sán Chỉ Lục Ngù (xã Húc Động), nơi du khách có thể tham gia lễ hội, khám phá phong tục và ẩm thực đặc sắc. Tiên Yên cũng có Nhà văn hóa dân tộc Tày (xã Phong Dụ), Trung tâm VH-TT dân tộc Sán Chỉ (xã Đại Dực). Trên địa bàn tỉnh, từ sau năm 2020, nhiều địa phương như Vân Đồn, Đầm Hà, Ba Chẽ, Hải Hà... đã đưa vào hoạt động các không gian văn hóa dân tộc quy mô xã, bản. Ngoài 4 làng dân tộc đã được tỉnh phê duyệt, giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh sẽ đầu tư thêm 9 điểm du lịch cộng đồng với tài nguyên, lịch sử và văn hóa đặc sắc.
Theo đánh giá, mỗi không gian trưng bày là một kho tư liệu quý, từ hiện vật, trang phục, nhạc cụ, nghề truyền thống đến phong tục, nghi lễ. Một số nơi đã áp dụng phương thức “sống động hóa” - tái hiện sinh hoạt, lễ hội, giúp du khách không chỉ xem mà còn cảm nhận sâu sắc bản sắc văn hóa địa phương. Đáng chú ý, một số mô hình đã chủ động kết nối với du lịch, phát huy giá trị điểm đến. Ông Đặng Văn Mạnh, Bí thư Đảng uỷ xã Bằng Cả, chia sẻ: “Xã định hướng phát triển du lịch cộng đồng dựa trên bảo tồn văn hóa. Chúng tôi đã mở các lớp học hát, thêu thổ cẩm và tổ chức trải nghiệm nấu rượu, làm bánh, trồng cây thuốc… Nhờ đó, chúng tôi đã đón nhiều đoàn học sinh và khách tàu biển quốc tế”.
Năm 2024, nơi đây đón 1 vạn lượt khách. Riêng quý I/2025 đã có hơn 1 vạn khách, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế. Cùng với đó, tại xã Thượng Yên Công, nhà trưng bày kết nối các mô hình của bà con người Dao đã thu hút khoảng 100 khách mỗi tuần, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Tương tự, một số mô hình ở Tiên Yên, Bình Liêu, nơi có du lịch phát triển mạnh, cũng thu hút khách qua các hoạt động văn hóa lễ hội thường niên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài số ít được phát huy, phần lớn các không gian này vẫn chưa thực sự trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Hầu hết mới chỉ dừng ở trưng bày tĩnh, mang tính tuyên truyền nội bộ, thiếu kết nối với tour tuyến và sản phẩm du lịch cụ thể. Một số nơi sau khi xây dựng đã rơi vào tình trạng "trưng để đó", hoạt động cầm chừng, thiếu nguồn lực duy trì và nội dung trưng bày còn đơn điệu.
Thách thức lớn nhất hiện nay là sự thiếu đồng bộ trong cơ chế vận hành, thiếu đội ngũ chuyên nghiệp và chưa định vị rõ các không gian này trên bản đồ du lịch tỉnh. Công tác truyền thông hạn chế, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, khó giữ chân du khách. Để đánh thức tiềm năng, cần có một chiến lược tổng thể.
Theo các chuyên gia, trước hết cần rà soát, phân loại từng không gian để xác định rõ vai trò: Lưu giữ, phát triển du lịch, hay làm điểm giáo dục văn hóa. Trưởng Khoa Du lịch học (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) Phạm Hồng Long, chuyên gia du lịch, cho rằng: “Việc đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm cần song hành với đào tạo nhân lực tại chỗ, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, coi người dân là chủ thể bảo tồn. Đó là cách làm bền vững và cũng là điều du khách quốc tế rất thích thú”.
Quảng Ninh hiện sở hữu mạng lưới không gian văn hóa dân tộc đa dạng, mỗi nơi là một “kênh dẫn” bản sắc tộc người từ đời sống đến lễ hội, nghề truyền thống. Đây là nguồn tài nguyên đặc biệt giá trị, nếu được tổ chức tốt, hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, bền vững của tỉnh.
Hà Phong
Nguồn
Bình luận (0)