Bảo đảm quyền, lợi ích của người dân
Trước thực tế và xu thế tất yếu phát triển của đất nước, của địa phương, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", đồng thời ban hành Quyết định 444 về việc giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030.
Trong đó đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1 triệu căn. Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, Chính phủ yêu cầu đến năm 2030 phải hoàn thành 28.300 căn hộ.
Xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và cả hệ thống chính trị, thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ ta; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để cụ thể hoá chủ trương này, những năm qua, Vĩnh Phúc đã xây dựng nhiều chính sách đặc thù có tính đột phá với việc xác định rõ trách nhiệm của tỉnh, của địa phương, của cộng đồng để “cơ hội” an cư lạc nghiệp đến nhiều hơn với người dân.
Có thể kể đến như: Quyết định số 159 của HĐND tỉnh về hỗ trợ dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 14 của UBND tỉnh về tiêu chí ưu tiên lựa chọn đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 179 về kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1247 về ban hành hành kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025…
Bên cạnh những cơ chế, chính sách, quy định quản lý và phát triển nhà ở xã hội, Vĩnh Phúc cũng thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch; đề ra chủ trương, giải pháp tổ chức thực hiện các dự án nhà ở xã hội để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh triển khai trên 30 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 24.295 căn, tương đương trên 2,5 triệu m2 sàn xây dựng. Theo kế hoạch năm 2025, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ khởi công 6 dự án/công trình nhà ở xã hội. Tính đến ngày 23/4, đã có 3 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh được khởi công xây dựng, với gần 6.000 căn hộ. Đây là những tín hiệu tích cực để Vĩnh Phúc hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 có hơn 28.000 căn nhà ở xã hội cho người lao động.
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn
Thực tế cho thấy, dù nhận được nhiều ưu đãi về chính sách phát triển và cả nguồn vốn, tuy nhiên, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội không thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư; chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội hiện nay chưa tạo được sự khác biệt lớn giữa nhà ở xã hội với đất nền thương mại nên khó thu hút các nhà đầu tư tự nguyện bỏ vốn đầu tư nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở xã hội có sự điểu chỉnh, thay đổi trong khoảng thời gian ngắn; tốc độ tăng trưởng kinh tế, số công nhân lao động không ngừng gia tăng, khiến việc đảm bảo an sinh xã hội, trong đó việc đáp ứng nhu cầu nhà ở luôn bị áp lực rất lớn; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn khó khăn do nhiều hộ gia đình đòi chi phí hỗ trợ cao, không nhận tiền đền bù… cũng là những rào cản rất lớn làm chậm tiến độ các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Khắc phục những khó khăn trên, Vĩnh Phúc đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư các dự án tập trung rà soát, đánh giá thực trạng từng dự án để tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ các dự án; tăng cường thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định, kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ để bàn giao cho chủ đầu tư khác. Kết quả, có gần 10 dự án nhà ở xã hội đã được giao đất, cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện để khởi công trong năm 2025.
Khẳng định Vĩnh Phúc đã có thay đổi mạnh mẽ về tư duy, cách làm phát triển nhà ở xã hội; theo đó, phải ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại, chứ không phải không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, phát biểu tại lễ khởi công xây dựng công trình nhà ở xã hội dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên trong tháng 3, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung cao hơn nữa để chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực mới, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân nhằm sớm hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn - Đó là những gì Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện để sớm hoàn thành mục tiêu về nhà ở xã hội - một mục tiêu nhân văn, thể hiện tính ưu việt của chế độ. Đó không đơn thuần là những chính sách an sinh xã hội mà còn là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, công bằng và tiến bộ trong từng bước và toàn bộ quá trình phát triển quê hương, đất nước.
Thiệu Vũ
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127152/Dap-ung-nhu-cau-nha-o-xa-hoi-cho-nguoi-lao-dong
Bình luận (0)