Từ ngày 16 đến ngày 25-11-2004, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới các nước Brazil, Chile, Argentina và dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 12 tại Chile.
Hồi đó, tôi đang làm nhiệm vụ là Đại sứ Việt Nam tại Brazil. Khi biết thông tin về chuyến thăm của Chủ tịch nước, cán bộ Đại sứ quán rất phấn khởi vì lúc đó đoàn Việt Nam sang thăm Brazil rất ít, gần chục năm mới có đoàn cấp cao thứ hai. Nhưng lần này khác các lần trước, đó là Việt Nam đã mở Đại sứ quán.
Do vậy, Đại sứ quán xác định sẽ phải phục vụ thật tốt cho đoàn. Riêng tôi thì vừa phấn khởi vừa lo, vì sau hai năm ở Brazil, tôi nhận thấy quan hệ giữa hai nước có rất nhiều tiềm năng, nhất là về kinh tế thương mại nhưng chưa được khai thác. Tôi muốn nhân dịp này sẽ báo cáo Chủ tịch nước và đoàn về tiềm năng quan hệ giữa hai nước. Điều lo cũng có, bởi đây là lần đầu tiên Đại sứ quán đón một đoàn do nguyên thủ dẫn đầu, mà lực lượng cán bộ Đại sứ quán lại ít, không có người nói tiếng Bồ Đào Nha - ngôn ngữ đa số người Brazil, trong đó có cả các chính trị gia, đều nói. Ở thủ đô Brasilia, lúc đó Đại sứ quán cũng không có quan hệ với doanh nghiệp nào và cũng không có người Việt nào sinh sống.
Trước chuyến thăm, Đại sứ quán đã đón đoàn tiền trạm do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Văn Bàng sang làm việc về chương trình và những nội dung chuyến thăm. Anh Bàng đã có kinh nghiệm khi làm Đại sứ tại Mỹ, đã phục vụ chuyến thăm của Chủ tịch nước khi ông dự Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc và một số hoạt động ngoại giao của Chủ tịch nước, nên chia sẻ với tôi những câu chuyện bếp núc và cả chuyện phục vụ phu nhân Chủ tịch nước nếu bà tham gia đoàn. Anh Bàng cho biết, Chủ tịch nước rất hiền nhưng lại rất nghiêm về các thủ tục ngoại giao.
Thời gian không có nhiều để chuẩn bị. Có mấy điều lo phải giải quyết. Thứ nhất, đoàn đến Sao Paulo vào ngày 16-11-2004, nhưng ngày 17-11 thì Chính phủ Brazil chính thức đón đoàn ở Brasilia. Sao Paulo là thành phố trung tâm kinh tế lớn nhất Brazil và cả khu vực Nam Mỹ. Tại đây, đoàn sẽ có 4 hoạt động quan trọng: Chủ tịch nước gặp Thống đốc bang, dự Diễn đàn kinh doanh giữa hai nước, thăm Công ty sản xuất máy bay Embraer và gặp gỡ Việt kiều.
Tôi đến Sao Paulo trước một ngày so với đoàn để tiếp xúc với bà con Việt kiều, mời bà con (ở toàn Brazil khi đó chỉ chưa đến 200 người) đến dự diễn đàn doanh nghiệp hai nước và cử đại diện đến chào Chủ tịch nước. Tôi đã nhờ một người thành thạo tiếng Bồ Đào Nha làm phiên dịch tại diễn đàn, gặp một vị giáo sư người Việt khi đó rất nổi tiếng về kinh tế nông nghiệp và đang giảng dạy tại Đại học Sao Paulo, đề nghị ông mời đại diện các doanh nghiệp đến dự diễn đàn. Nhờ đó, các hoạt động ở Sao Paulo được thực hiện thuận lợi.
Xong việc, chiều muộn ngày 16-11-2004, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thủ đô Brasilia. Sáng 17-11, Chính phủ Brazil tổ chức đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại dinh Tổng thống.
Sau lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Lula da Silva đã gặp riêng và tiến hành hội đàm. Sau hội đàm chính thức, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Brazil Lula da Silva cùng chứng kiến lễ trao đổi hai văn kiện quan trọng gồm: trao đổi thư giữa hai Bộ Ngoại giao về thỏa thuận miễn thị thực đối với người mang hộ chiếu ngoại giao, trao đổi thư về việc dành cho nhau Quy chế tối huệ quốc trong thương mại - quy chế này chính thức có hiệu lực 30 ngày kể từ khi hai bên tiến hành trao đổi thư và hết hiệu lực khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhân dịp này, hai bên cũng đạt thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Cũng trong ngày 17-11, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có các cuộc tiếp kiến riêng với Chủ tịch Thượng viện Brazil Jose Sarney, Chủ tịch Hạ viện Joao Paulo Cunha và Chánh án Tòa án tối cao Brazil.
Có thể nói, chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước đến Brazil của Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào năm 2004 đã tạo một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Sau chuyến thăm này, rất nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã diễn ra. Quan hệ Việt Nam - Brazil từ sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ngày càng phát triển, từ Đối tác toàn diện trở thành Đối tác chiến lược.
Đặc biệt, nổi bật nhất là sự phát triển rất nhanh chóng về quan hệ kinh tế - thương mại hai nước. Nếu như năm 2002, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Brazil chỉ khiêm tốn với hơn 50 triệu USD, năm 2004 là 75 triệu USD thì tới năm 2024 đã đạt 8 tỷ USD. Năm nay, hai nước đang phấn đấu đưa tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD như cam kết, và mục tiêu sẽ là 15 tỷ USD vào năm 2030.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dau-an-cua-chu-tich-nuoc-tran-duc-luong-trong-quan-he-viet-nam-brazil-post796662.html
Bình luận (0)