1. Đó là một chiều cuối năm se sắt lạnh. Chúng tôi bắt gặp ông lão ngồi ung dung câu cá bên bờ sông Kiến Giang. Ông tự hào kể, mình là người làng Quảng Cư, dù đã hơn chục năm nay, vùng đất này đã được gọi với cái tên mới: Tổ dân phố Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang. Quảng Cư quê ông nổi tiếng là một vùng đất học-nơi từng nuôi dưỡng bao lớp người hiếu học, cần mẫn, lấy chữ làm nghiệp lớn. Nhưng như ông bảo, điều làm nên sự khác biệt nơi đây là cái chất trí tuệ dân gian đậm đặc trong đời sống thường nhật.
Người Quảng Cư có một phong cách riêng: Họ thích nói trạng, nói trẹp-những kiểu nói đùa, nói quá mà đầy suy ngẫm. Cái duyên ngôn từ ấy như một thứ tài sản vô hình, được truyền từ đời này sang đời khác. Những câu chuyện trạng không chỉ là tiếng cười vui vẻ mà còn là những triết lý sống giản dị nhưng sâu sắc, là cách mà người dân nơi đây thể hiện cái nhìn tích cực với cuộc sống, với mọi thử thách khắc nghiệt. Người Quảng Cư hài hước mà không cợt nhả, sâu sắc mà không lên gân. Họ “nói trẹp” như một nghệ thuật sống-nhẹ nhàng hóa mọi điều nặng nề, châm biếm điều sai mà không làm tổn thương ai và tự trào để yêu thêm chính mình.
|
Cái “chất Quảng Cư” ấy, dẫu tên làng có thay, phường xã có đổi thì vẫn hiện hữu trong từng dáng người, từng giọng nói. Nó nằm trong cái cách người ta dừng lại giữa chiều cuối năm để buông câu thư thái, không vội vã, chẳng bon chen. Là cái cách mà dẫu qua bao mưa nắng, chật vật của trời, của đời, người làng vẫn ngẩng mặt, vươn vai mà sống. Văn hóa làng, rốt cuộc, không phải thứ gắn với địa danh, mà là dòng máu chảy trong cách sống, cư xử và nhìn đời. Như cái cách ông lão câu cá nói với những người khách lạ bằng chất giọng đầy tự hào: Tên gì thì vẫn là người Quảng Cư thôi.
2. Ngày tái lập tỉnh, cha mẹ bồng bế tôi trở về Đồng Hới. Khi ấy, cái tên Quảng Bình hiện ra trên bản đồ như một vết thương cũ vừa liền da, còn nguyên sẹo, còn nguyên nỗi xúc động. Tôi không hiểu gì nhiều, chỉ nhớ là cha mẹ vui lắm. Nhưng cuộc mưu sinh trên đất quê những ngày đầu ấy chưa bao giờ là dễ dàng.
Ngày ấy, những con đường đất đỏ gồ ghề của Cộn-một vùng quê ven thị thành Đồng Hới vẫn còn in dấu chân mẹ tôi-người đàn bà gầy guộc, đội chiếc nón cũ, đạp chiếc xe cà tàng chở tôi đi bán hàng rong. Tôi ngồi sau lưng mẹ, vòng vèo khắp các ngõ ngách của Cộn, chở theo gánh mì xíu, cùng những ước mơ lớn và cả một phần tuổi thơ tôi. Xe đi qua chợ, qua con đường ngập bụi đỏ, qua những bức tường vàng phai nắng, những ngôi nhà mái ngói thâm nâu. Cộn-trong ký ức tôi-không phải một địa danh, mà là tiếng rao của mẹ trong buổi sớm, là đôi dép nhựa xộc xệch của tôi khi chạy trên đường làng lấm bụi, là tiếng ve râm ran giữa cái nắng hanh hao tháng 7. Và Cộn, là cơ man những món ăn dân dã mà ngon đến lạ lùng cùng những con người mang trong mình cái chất lãng đãng, hào hoa hiếm gặp.
Bây giờ, người ta gọi đó là phường Đồng Sơn. Danh xưng Cộn biến mất khỏi các văn bản hành chính, như chưa từng có. Nhưng tôi biết, nó vẫn còn trong lòng người-nhất là những người như mẹ, như tôi, như những ai đã từng sống và lớn lên ở đó. Cái tên ấy như một mạch nước ngầm, lặng lẽ chảy qua từng nếp gấp ký ức, không ồn ào nhưng không thể lãng quên.
Cô giáo tôi sinh ra ở Cộn. Trong câu chuyện cô kể vẫn rưng rưng nỗi xúc động và tự hào khi được là người “xứ Cộn”. Cô bảo, tên làng đổi rồi nhưng quê thì không. Giống như một chồi non mọc trên gốc cũ, tên mới không thể xóa được những tầng đất đã bám chặt từ lâu đời. Cũng như tôi, có những chiều lang thang trên những con đường nhỏ giữa lòng “xứ Cộn”, lòng chợt thảng thốt vì bắt gặp một thanh âm xưa cũ nào đó: Mùi mồ hôi sau lưng mẹ, tiếng xe đạp lạch cạch, hay cả tiếng rao “Ai mì xíu đây!” nghe thân thương đến mức bật khóc. Hóa ra, người ta có thể gọi một cái tên khác nhưng không ai có thể quên được nơi mình đã từng ngẩng đầu ngắm trăng, cúi xuống nghe mùa gặt thơm mùi rơm ướt. Ký ức càng khó nghèo thì càng dễ gì lãng quên.
3. Tôi lớn lên, rời quê, ra phố trọ học. Sài Gòn chật chội và xa lạ. Có những ngày đi bộ giữa phố đông, tôi như bị hút vào dòng người, một mình giữa biển người không thân thuộc. Thế rồi một hôm, giữa ngã tư Hàng Xanh tấp nập xe cộ, chiếc xe máy biển số 73 vụt ngang qua. Một con số thôi mà làm mắt tôi nhòe đi. Không ai biết vì sao một người con gái giữa thành phố lại đứng lặng giữa đèn đỏ. Nhưng tôi biết. Vì trong con số ấy là mẹ, là xứ Cộn, là Quảng Cư, là tất cả những gì tôi gọi là “quê hương”.
Tôi cũng từng bắt gặp giọng quê giữa lòng Sài Gòn-cái giọng nằng nặng, trọ trẹ mà ngày trước tôi từng cố giấu che đi để đừng ai biết mình “quê”. Thế nhưng, trong một buổi chiều mỏi mệt, tôi nghe ai đó gọi điện ở trạm xe buýt: “Tau tới rồi nì, mi ở mô?”. Chỉ vậy thôi mà nước mắt chực trào. Tôi không biết kể từ lúc nào mình đã thấy quê hương trong những điều nhỏ nhặt như thế. Một bát cháo canh có vị tiêu hăng hăng. Một cơn mưa bất chợt. Một đoạn đường sình lầy vắt qua ký ức. Quê hương-chẳng cần ai nhắc, chẳng cần gọi tên, vẫn cứ sống âm ỉ, lặng lẽ trong tim.
Rồi chợt nhận ra, một cái tên quê không chỉ là con chữ. Nó là di sản, là huyết thống, là bản sắc, là “ký ức tập thể”. Có thể không ngăn được dòng chảy thay đổi nhưng ta có quyền nhớ, có trách nhiệm gìn giữ, có lý do để buồn, để tiếc và để nhắc con cháu mình rằng nơi ấy từng có một cái tên, từng là nơi bao người ngẩng đầu, vỗ ngực tự hào: Là quê hương!
Tên có thể đổi. Nhưng quê thì không!
Quê là nơi không cần hộ khẩu, không cần chứng minh, chỉ cần một chỗ trong tim-để dù sống ở đâu, làm gì, đi bao xa, thì khi chạm vào một giọng nói, một món ăn, một biển số… cũng thấy mình như được trở về. Như lời ông lão câu cá bên bờ sông Kiến Giang một chiều cuối năm: Quê hương có thể đổi tên nhưng không ai có thể đổi được cái cách một vùng đất in dấu vào tim người. Đó là những điều không nằm trên bản đồ mà nằm trong ký ức, trong máu thịt, trong cách ta ngoảnh lại, thấy mình nhỏ bé giữa mênh mông yêu thương.
Diệu Hương
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202504/dau-lang-khong-con-ten-cu-2225778/
Bình luận (0)