Đa dạng giải pháp
Sau 6 năm triển khai, Chương trình OCOP tại Bình Dương đã tiếp cận với nhiều người dân, doanh nghiệp. Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) cùng với sự thành công của các chủ thể OCOP đi trước đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia chương trình. Hiện nay, người dân đã cơ bản hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP và tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương trong tỉnh đã thấy được tiềm năng, thế mạnh của mình và có những giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất.
Đến nay, toàn tỉnh có 219 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 10 sản phẩm OCOP 4 sao và 209 sản phẩm OCOP 3 sao. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP có thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể OCOP.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết trên cơ sở những kết quả đã đạt được các năm qua, Bình Dương tiếp tục chỉ đạo và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025 linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Theo đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với việc phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương; thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, cùng với việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Chương trình OCOP, các cấp, các ngành liên quan tăng cường tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý cho chủ thể sản xuất và cán bộ quản lý thực hiện Chương trình OCOP các cấp; tổ chức các hoạt động XTTM và quảng bá sản phẩm; đồng thời hỗ trợ tư vấn phát triển sản phẩm và tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP; thực hiện chương trình XTTM tầm quốc tế. Đặc biệt, các ngành chức năng chú trọng hỗ trợ củng cố và nâng cấp các sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao; hỗ trợ quản lý nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, quản lý nhãn hiệu sản phẩm, làm cho người dân và các chủ thể thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và nhãn mác, bao bì đóng gói đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mở rộng
thị trường tiêu thụ
Năm 2025, Bình Dương tiếp tục quan tâm đầu tư Chương trình OCOP theo hướng lựa chọn, phát triển nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh, mang lại lợi ích trên nhiều mặt. Ngành nông nghiệp tỉnh tập trung phối hợp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh XTTM, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng.
Ông Phạm Văn Bông cho biết để công tác XTTM, truyền thông rộng rãi sản phẩm OCOP, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Sở Công thương, các cơ quan chức năng, đơn vị cùng doanh nghiệp tổ chức các chương trình hội chợ, hội nghị, triển lãm về các chuyên ngành, như hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa tỉnh Bình Dương với các tỉnh, thành; Hội chợ vùng Đông Nam bộ... giúp doanh nghiệp không chỉ kết nối trong tỉnh mà còn tạo ra mạng lưới liên kết tìm kiếm đầu ra ở các tỉnh, thành khác trên cả nước. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp hỗ trợ đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, tìm kiếm đầu ra, mở rộng thị trường, quảng bá bằng nhiều hình thức.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang rà soát, hoàn thiện các nội dung đề án thành lập Phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương. Sau khi được thành lập, phòng trưng bày không chỉ là điểm đến tham quan, tìm hiểu hàng hóa, trải nghiệm trực tiếp quy trình sản xuất, giúp đối tác, khách hàng có sự lựa chọn và hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ, tính ưu Việt của sản phẩm dễ dàng hơn mà còn giúp các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP chia sẻ và nhận được phản hồi trực tiếp, nhanh nhất từ đối tác, từ đó nâng cao chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh và thúc đẩy thương hiệu sản phẩm phát triển...
Để thuận tiện cho việc quảng bá, kết nối sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Môi trường chú trọng xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ số, các trang mạng, sàn thương mại điện tử uy tín cho các sản phẩm OCOP của tỉnh; cùng với đó là hoàn thiện nâng cấp sàn thương mại điện tử riêng tại website: www.binhduongtrade. vn... Với sự thúc đẩy của công nghệ số sẽ là tiền đề gắn kết thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn với các khách hàng, đối tác quốc tế. |
THOẠI PHƯƠNG
Nguồn: https://baobinhduong.vn/day-manh-xuc-tien-thuong-mai-huong-den-xuat-khau-san-pham-ocop-a344599.html
Bình luận (0)