Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Để khởi nghiệp thành công, cần chủ động thích ứng với thị trường

Đó là chia sẻ của chị Dư Ngọc Huyền Trang, 46 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất xanh Onbe Craft (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh những sản phẩm như túi xách, nón… được làm từ cỏ bàng.

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam25/05/2025

Quyết định "bỏ phố về quê"

Giữa cái nắng oi ả của một ngày đầu tháng 5, trong khu nhà xưởng nằm trên địa bàn xã Đức Hòa Hạ, chị Dư Ngọc Huyền Trang tất tả sắp xếp lại những chiếc túi trên chiếc kệ gỗ. 

"Sau nhiều năm khởi nghiệp, điều khiến tôi hạnh phúc nhất chính là việc bản thân đã góp phần biến những cọng cỏ bàng - loại cây thường mọc ở vùng đất ngập nước phèn chua, nhiễm mặn - thành sản phẩm hữu ích, mang thương hiệu Việt, đến với người tiêu dùng thế giới", chị Trang mở đầu câu chuyện.

Cơ duyên khởi nghiệp với cây cỏ bàng của chị Trang cũng khá thú vị. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Trang làm việc cho một công ty chuyên về các sản phẩm thủ công, có văn phòng đại diện tại TPHCM. 

Sau 9 năm gắn bó với công việc này, chị rẽ hướng với lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào việc phân phối các thiết bị công nghệ. Đến năm 2019, cảm thấy không còn hứng thú với công việc đang làm, chị quyết định "bỏ phố về quê", với suy nghĩ ban đầu là dành thời gian nghỉ ngơi sau nhiều năm tập trung cho công việc.

Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn ở quê nhà, niềm đam mê với những sản phẩm thủ công lại trỗi dậy khi chị nhận thấy nguồn tài nguyên bản địa là cây cỏ bàng hết sức dồi dào. 

"Địa bàn huyện Đức Hòa, nhất là xã Mỹ Hạnh Bắc, trồng rất nhiều cỏ bàng. Lúc này tôi đi tìm hiểu, liên hệ với các bạn học cũ, sau đó quyết định làm ống hút từ cỏ bàng", chị Trang nhớ lại. 

Để khởi nghiệp thành công, cần chủ động thích ứng với thị trường- Ảnh 1.

Cây cỏ bàng được trồng nhiều ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Những sản phẩm ống hút đầu tiên được chị bán cho người quen, các cơ sở kinh doanh nước giải khát trên địa bàn. Nhận thấy tiềm năng của mặt hàng này, chị Trang dự định sẽ tìm cách đưa sản phẩm xuất ngoại thì dịch Covid-19 xảy ra, khiến kế hoạch dang dở.

Khi dịch Covid-19 được khống chế, chị Trang liền bắt tay với thực hiện kế hoạch mới của bản thân - đó chính là tìm hiểu, sản xuất các sản phẩm như túi xách, nón, dép, balô… từ cỏ bàng. Nguyên liệu là những tấm cỏ bàng được dệt sẵn của địa phương hoặc thu mua từ một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang…

Chị Trang lên mẫu thiết kế và thuê nhân công để làm ra những sản phẩm từ cỏ bàng với đủ kiểu dáng, kích cỡ. "Để có thiết kế phù hợp, đa dạng thì mình phải học hỏi rất nhiều, tham khảo thêm các sản phẩm đã có trên thị trường và tìm hiểu nhu cầu thực tế của khách hàng. Những sản phẩm đầu tiên được bán ở trong nước, sau đó mới được xuất khẩu", chị Trang cho hay.

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Từ những thành công bước đầu, năm 2024, chị Dư Ngọc Huyền Trang đầu tư xây dựng nhà xưởng và thành lập "Hợp tác xã sản xuất xanh Onbe Craft", đảm nhận vai trò Giám đốc. Lúc cao điểm, hợp tác xã nhận khá nhiều đơn hàng, trong đó có những đơn hàng lớn, tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động. 

Để khởi nghiệp thành công, cần chủ động thích ứng với thị trường- Ảnh 2.

Sản phẩm túi xách được làm từ cỏ bàng

Để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, chị cũng thường xuyên tham gia các hội chợ, đặc biệt là hội chợ quốc tế. Bên cạnh đó, chị còn chú trọng quảng bá sản phẩm trên website, mạng xã hội. "Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quảng bá sản phẩm qua mạng, tôi đầu tư các thiết bị để chụp hình, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức khác nhau. 

Tôi từng kết nối với một số đơn vị để hỗ trợ mở gian hàng trên nền tảng xã hội như TikTok nhưng được chia sẻ là sản phẩm không thích hợp, khó bán khi người sử dụng mạng xã hội này chủ yếu là giới trẻ nên đang tạm ngưng", chị Trang chia sẻ.

Trong năm 2024, chị Dư Ngọc Huyền Trang đã tích cực tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp, trong đó có cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyên đổi xanh" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức và đạt giải Khuyến khích với dự án "Túi cỏ bàng thời trang bền vững và thân thiện với môi trường". 

Theo chị Trang, khi tham gia cuộc thi, chị cùng với chủ dự án khác được tập huấn, chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích về khởi nghiệp; cách vận hành, quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp. Với dự án của mình, chị được các chuyên gia góp ý cần phải tiếp tục đa dạng mẫu mã; màu sắc sản phẩm phải trung tính hơn để dễ dàng tiếp cận với nhiều người tiêu dùng. 

"Các chuyên gia có tư vấn, góp ý là sản phẩm không nên quá màu mè, lòe loẹt. Góp ý xác đáng này đã được tôi tiếp thu, điều chỉnh ngay", chị Trang nhấn mạnh.

Theo chị Dư Ngọc Huyền Trang, có một thực tế là hiện nay đầu ra của sản phẩm gặp không ít khó khăn do nhiều người thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, chi phí nhân công và vận chuyển tăng khiến cho giá thành sản phẩm tăng theo, khó cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế. 

Để khởi nghiệp thành công, cần chủ động thích ứng với thị trường- Ảnh 3.

Chị Dư Ngọc Huyền Trang bên sản phẩm túi xách được làm từ lục bình

Tuy nhiên, chị vẫn tin rằng sản phẩm của hợp tác xã sẽ "sống được" bởi vẫn có những khách hàng yêu thích, ủng hộ dòng sản phẩm thân thiện với môi trường. 

"Các sản phẩm của hợp tác xã hiện nay có giá dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng/sản phẩm. Tôi vui vì vẫn có khách mua. Tôi nhớ khi tham gia hội chợ trên địa bàn tỉnh, có một chị đã sẵn sàng bỏ tiền để mua một lúc 10 chiếc túi vì chị rất thích các sản phẩm handmade. Bên cạnh đó, những người thích sự hoài cổ cũng lựa chọn sản phẩm của hợp tác xã", chị Trang hào hứng nói.

Chia sẻ thêm về dự định trong tương lai, chị Trang cho hay, bên cạnh những sản phẩm đã có, chị sẽ tập trung vào một số sản phẩm chủ đạo để định vị thương hiệu rõ nét hơn. Bên cạnh đó, chị mong muốn có thêm người đồng hành để giúp cho việc sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển; tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

"Tôi nghĩ, nếu có thêm người đồng hành, mỗi người phụ trách một công việc thì sẽ chuyên sâu và hiệu quả hơn. Bên cạnh sản phẩm từ cỏ bàng, tôi cũng làm thêm sản phẩm từ lục bình, hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng", Giám đốc Hợp tác xã sản xuất xanh Onbe Craft bày tỏ.

Một số kinh nghiệm khởi nghiệp của chị Dư Ngọc Huyền Trang:

- Để khởi nghiệp thành công thì niềm đam mê rất quan trọng. Bên cạnh đó, phải đặt mục tiêu, khao khát thực hiện được mục tiêu.

- Bên cạnh học hỏi lý thuyết thì phải thực hành liên tục và học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn.

- Luôn sẵn sàng đối phó với những khó khăn gặp phải, chủ động thích ứng với sự thay đổi rất nhanh của thị trường.

- Biết cách quản lý, việc mở rộng sản xuất phải thực sự phù hợp, nếu không tính toán kỹ thì có thể dẫn đến gia tăng chi phí mà không đem lại hiệu quả như mong muốn.

- Cần có sự hỗ trợ, chia sẻ từ gia đình, người thân để bản thân có thể toàn tâm, toàn ý cho việc khởi nghiệp.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/de-khoi-nghiep-thanh-cong-can-chu-dong-thich-ung-voi-thi-truong-20250518172841603.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm