Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề nghị không nên thu hẹp thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND

Sáng 14-5, tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường Diên Hồng về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Hiến pháp năm 2013); dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng14/05/2025

kim-thuy-1279-2984.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng). Ảnh: QUANG PHÚC

Đã có hàng triệu ý kiến nhân dân góp ý

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, chiều 7-5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về các nội dung này gửi ĐB. Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng đã phối hợp với Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 6-5.

“Đến nay, đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân. Qua tổng hợp sơ bộ cho thấy, về cơ bản tuyệt đại đa số các ý kiến đồng tình và bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết phạm vi và nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Các ý kiến phát biểu tại tổ chủ yếu góp ý và cách thể hiện câu từ, cách diễn đạt trong dự thảo nghị quyết”, ông Nguyễn Khắc Định tổng kết.

LĐ dự 14a.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu dự phiên họp, sáng 14-5. Ảnh: QUANG PHÚC

“Dân bị oan sai sẽ nhờ cậy ai chất vấn”?

Góp ý về việc thu hẹp quyền chất vấn của ĐB HĐND, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm không đồng tình.

Giải thích của ban soạn thảo về lý do để bỏ quyền chất vấn của ĐB HĐND đối với chánh án tòa án nhân dân (TAND), viện trưởng viện kiểm sát nhân dân (VKSND), theo ĐB Kim Thúy, là không thuyết phục.

Bà Kim Thúy cho rằng, trong quá trình đổi mới cơ cấu sắp tới, bên cạnh TAND, VKSND khu vực, vẫn còn TAND, VKSND cấp tỉnh thì rất khó thuyết phục ĐB HĐND cấp tỉnh và cử tri của họ vì sao họ không còn được quyền chất vấn người đứng đầu 2 cơ quan này như Hiến pháp 2013 quy định. Còn TAND, VKSND khu vực tuy không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, nhưng những cơ quan đó vẫn khởi tố, truy tố, xét xử công dân của những đơn vị hành chính cụ thể mà ĐB HĐND là đại diện.

“Không lẽ TAND, VKSND khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của ĐB HĐND? Nếu vậy thì dân bị oan sai sẽ nhờ cậy ai chất vấn để bảo vệ quyền lợi của họ? Và nếu vậy thì trước khi thông qua mô hình TAND, VKSND khu vực, đề nghị Quốc hội xem xét kỹ về việc tổ chức thực hiện giám sát đối với các cơ quan này”, ĐB nêu vấn đề.

"Thậm chí, nếu chưa nói đến trường hợp oan sai, mà chỉ nói đến những trường hợp bản án, quyết định của TAND tuyên không rõ, gây khó khăn cho việc thi hành án, nếu ĐB HĐND chỉ có quyền kiến nghị thì kiến nghị ấy có hiệu lực pháp lý như ý kiến chất vấn công khai trước kỳ họp HĐND không?", ĐB trăn trở.

ĐB Kim Thúy đề nghị Quốc hội giữ lại quy định về thẩm quyền chất vấn của ĐB HĐND đối với chánh án TAND, viện trưởng VKSND trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Trên cơ sở đó, luật chuyên ngành quy định cụ thể, phù hợp với mô hình tổ chức mới. ĐB nhận định: “Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nội dung này hiện chưa phát sinh vướng mắc”, bà Kim Thúy nói.

NGHĨA.jpg
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn). Ảnh: QUANG PHÚC

Đây cũng là quan điểm của ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn). Đồng quan điểm với ĐB Kim Thúy, ĐB Phạm Trọng Nghĩa lập luận: “Chất vấn là một công cụ giám sát quan trọng nhằm đảm bảo các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giải trình trước đại biểu dân cử và nhân dân. Nếu cho rằng việc chất vấn của ĐB HĐND đối với chánh án và viện trưởng làm ảnh hưởng đến tính độc lập của tư pháp thì sẽ rất khó lý giải quyền chất vấn của ĐB Quốc hội đối với Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao”.

Mặt khác, theo ĐB Phạm Trọng Nghĩa, chất vấn của ĐB HĐND không nhằm can thiệp vào nội dung xét xử hay truy tố của vụ án cụ thể, mà tập trung vào trách nhiệm quản lý, việc tổ chức thi hành và tuân thủ pháp luật của chánh án và viện trưởng. Việc duy trì quyền chất vấn là cần thiết để đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp.

Cùng với đó, theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức VKSND trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này thì mô hình tổ chức của TAND và viện KSND có 3 cấp: tối cao, cấp tỉnh và khu vực. Như vậy, việc trao quyền giám sát, nhất là quyền chất vấn cho ĐB HĐND cấp tỉnh đối với chánh án và viện trưởng cấp tỉnh là phù hợp và khả thi.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/de-nghi-khong-nen-thu-hep-tham-quyen-chat-van-cua-dai-bieu-hdnd-post795141.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm