Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành xử lý các trường hợp quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật tại Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo quy định về việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tài chính để xử lý các trường hợp quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật tại Việt Nam, cần thiết lập hệ thống trao đổi dữ liệu và hợp tác kỹ thuật giữa các cơ quan quản lý và các nền tảng xuyên biên giới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch14/05/2025

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, dự thảo luật lần này đã có những sửa đổi, bổ sung nhằm cập nhật thực tiễn quảng cáo trên môi trường số, đặc biệt là bổ sung khái niệm dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng.

Tuy nhiên, theo đại biểu, một số quy định trong dự thảo còn chưa rõ hoặc chưa đủ tính khả thi để có thể điều chỉnh hiệu quả hoạt động quảng cáo xuyên biên giới và trên nền tảng số, một lĩnh vực đặc biệt phức tạp và thay đổi nhanh chóng.

Cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành xử lý các trường hợp quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật tại Việt Nam - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Góp ý cụ thể về khái niệm hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tại khoản 14 Điều 1, đại biểu cho rằng khái niệm này mới chỉ dừng lại ở việc mô tả sử dụng hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng chưa làm rõ các yếu tố nhận diện như có cần đăng ký kinh doanh tại Việt Nam hay không, có áp dụng dưới nền tảng có văn phòng đại diện tại Việt Nam hay không, phạm vi xác định người dùng tại Việt Nam là theo địa chỉ IP, số điện thoại hay dữ liệu cá nhân?

Do đó, đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí xác định dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam trên cơ sở thực tiễn kỹ thuật, bao gồm về phạm vi tiếp nhận người tiêu dùng tại Việt Nam, về dấu hiệu quảng cáo có yếu tố kinh doanh hướng tới thị trường Việt Nam, về căn cứ dữ liệu phân tích hành vi người dùng, về sự hiện diện, thương mại thực tế tại Việt Nam.

Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Tại khoản 3 Điều 15a đưa ra yêu cầu "người có ảnh hưởng khi chuyển tải quảng cáo phải xác minh độ tin cậy của người quảng cáo không được giới thiệu khi chưa sử dụng sản phẩm". Đại biểu cho rằng đây là quy định có tính tiến bộ nhưng nếu thiếu hướng dẫn cụ thể dễ gây khó khăn cho việc thực hiện và xử lý vi phạm.

Do đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung quy định định nghĩa rõ ràng hơn về người có ảnh hưởng trong môi trường số theo tiêu chí lượng tương tác, mức độ tác động đến công chúng. Cần có quy trình hướng dẫn minh bạch hóa nội dung tài trợ theo thông lệ quốc tế, quy định rõ trách nhiệm liên đới giữa người có ảnh hưởng trên nền tảng số, người quảng cáo trong trường hợp xảy ra quảng cáo sai sự thật.

  • Tạo khung pháp lý vững chắc để quản lý thị trường quảng cáo

    Tạo khung pháp lý vững chắc để quản lý thị trường quảng cáo

Thứ ba, về trách nhiệm của người cung cấp nền tảng số và dịch vụ quảng cáo trên mạng. Đại biểu nhận thấy khoản 5 Điều 23 quy định trách nhiệm khá chi tiết cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng, như lưu trữ dữ liệu, xác minh danh tính người quảng cáo, kiểm soát nội dung vi phạm. Tuy nhiên, nhiều nghĩa vụ yêu cầu rất cao, trong khi phần lớn nền tảng xuyên biên giới như Google, Meta v.v... chưa có trụ sở pháp lý tại Việt Nam hoặc chưa thực hiện đầy đủ về nghĩa vụ thuế.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định bắt buộc nền tảng xuyên biên giới phải có đại diện pháp lý tại Việt Nam, tương tự trong quy định Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định rõ cơ chế cưỡng chế hoặc hậu kiểm nếu như chủ thể không tuân thủ, ví dụ chặn quảng cáo vi phạm, ngừng hợp tác quảng cáo. Đề nghị Chính phủ quy định rõ các chuẩn mực kỹ thuật cho giải pháp kỹ thuật kiểm soát quảng cáo để bảo đảm tính khả thi và khả năng giám sát.

Thứ tư, về quyền kiểm soát và phản hồi người dùng. Tại điểm b khoản 2 Điều 23 dự thảo luật quy định "quảng cáo phải có tính năng cho phép người dùng tắt quảng cáo, từ chối quảng cáo không phù hợp", nhưng chưa làm rõ cơ chế phản hồi, ai xử lý, trong bao lâu, xử lý như thế nào. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định yêu cầu nền tảng số phải xây dựng cổng tiếp nhận phản ánh quảng cáo vi phạm bằng tiếng Việt, có cơ chế xử lý minh bạch, quy định thời gian xử lý tối đa, ví dụ trong vòng 72 giờ và trách nhiệm thông báo kết quả xử lý cho người phản ánh.

Thứ năm, về cơ chế hợp tác quản lý quảng cáo xuyên biên giới. Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy dự thảo luật chưa có quy định cơ chế phối hợp quốc tế trong kiểm soát quảng cáo vi phạm xuyên biên giới. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tài chính để xử lý các trường hợp quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật tại Việt Nam, cần thiết lập hệ thống trao đổi dữ liệu và hợp tác kỹ thuật giữa các cơ quan quản lý và các nền tảng xuyên biên giới.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/can-xay-dung-co-che-phoi-hop-lien-nganh-xu-ly-cac-truong-hop-quang-cao-xuyen-bien-gioi-vi-pham-phap-luat-tai-viet-nam-20250513090204858.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm