Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn tiếp tục ở mức cao trong suốt thời gian qua, tập trung tại một số TCTD yếu kém đã được NHNN nhận diện và đặt vào kiểm soát đặc biệt.
Vấn đề này đang là áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích.
Theo Thống đốc NHNN, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành NHNN nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho NHNN trong việc quyết định cho vay đặc biệt.
Các lãnh đạo Quốc hội điều hành phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Dự thảo sẽ sửa đổi 3 Điều Luật các Tổ chức tín dụng.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 193 Luật các Tổ chức tín dụng: Điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN theo hướng "Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là 0%/năm".
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu
Bổ sung Điều 198a vào sau Điều 198 Luật các Tổ chức tín dụng. Theo đó, Điều 198a quy định về quyền thu giữ TSBĐ của TCTD và tổ chức mua bán, xử lý nợ trong trường hợp xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu.
Về sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản đảm bảo, ông Lê Quang Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho biết: Đa số ý kiến tán thành chủ trương phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt.
Một số ý kiến cho rằng các trường hợp này gián tiếp sử dụng nguồn lực của Nhà nước, có rủi ro không thu hồi được khoản cho vay, cần phải có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan liên quan, vì vậy, quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay là cần thiết và hợp lý.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị đánh giá tác động của quy định áp dụng lãi suất 0%/năm cho tất cả các khoản vay đặc biệt của NHNN, cần giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt và có các biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế tổn thất có thể xảy ra.
Đề nghị rà soát toàn bộ các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 liên quan đến thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt, tránh phát sinh vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Về quy định chuyển tiếp (Điều 2 dự thảo Luật), ông Lê Quang Mạnh cho biết: Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị rà soát, xác định đầy đủ, toàn diện các trường hợp cần chuyển tiếp, tránh tạo khoảng trống pháp lý hoặc xung đột pháp luật. Có ý kiến đề nghị đánh giá quy định chuyển tiếp đối với TCTD có khoản vay đặc biệt đã được NHNN quyết định trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, theo đó "trường hợp khoản vay đặc biệt có lãi suất thì áp dụng lãi suất 0%/năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành".
Đồng thời cần làm rõ sự cần thiết, tác động cụ thể, nguồn lực thực hiện khi điều chỉnh mức lãi suất về 0% trong tương quan với thực trạng và phương án cơ cấu lại TCTD.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-giao-ngan-hang-nha-nuoc-quyet-dinh-cho-vay-dac-biet-lai-suat-0-khong-tai-san-bao-dam-20250424091030214.htm
Bình luận (0)