Mức giảm trừ gia cảnh đề xuất còn thấp
Anh Đỗ Đức Tuân- cán bộ Phòng Kinh tế, hạ tầng, đô thị tại một phường ở Hà Nội cho biết, gia đình anh có 2 viên chức Nhà nước và đang có 2 con phụ thuộc.
“Với mức thu nhập của gia đình tôi hiện nay khoảng 30 triệu đồng, nhưng chi phí tại Hà Nội khá đắt đỏ. Để cuộc sống tốt hơn, vợ tôi phải nhận thêm làm kế toán cho vài doanh nghiệp địa phương nên có thêm thu nhập khoảng 8 triệu/tháng. Như vậy, tổng thu nhập của gia đình khoảng 38 triệu đồng, đảm bảo sinh hoạt cho 4 người”, anh Tuân nói.
Theo anh Tuân, thuế thu nhập cá nhân của người nộp thuế hiện nay được giảm trừ là 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc là 4,4 triệu. Với mức thu nhập của gia đình là 38 triệu, trừ 30,8 triệu đồng của 2 lao động chính và 2 người phục thuộc, vợ chồng anh Tuân vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho số tiền 7,2 triệu đồng theo quy định. Vì thế, việc Bộ Tài chính đã đưa ra hai phương án thuế thu nhập cá nhân mới có lợi cho người nộp thuế và tiệm cận hơn với thực tế.

Những bất cập trong cách tính thuế thu nhập cá nhân được cho đã và đang tạo gánh nặng cho người nộp thuế. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp).
Theo đó, phương án 1 (truyền thống) là nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 11 triệu lên khoảng 13,3 triệu đồng, tương ứng với mức tăng 20% theo CPI và người phụ thuộc bằng 40%.
Phương án 2 (mới), Bộ Tài chính nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 15,5 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người. Mức nộp với người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng lên 6,2 triệu đồng/tháng.
“Trong 2 phương án do Bộ Tài chính đề xuất, phương án 2 - tăng mức giảm trừ cho người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng (186 triệu đồng/năm); mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 6,2 triệu đồng/tháng được cho là hợp lý hơn. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh như vậy vẫn chưa giải quyết những bất cập, khó khăn hiện nay, nhất là khu vực đô thị như Hà Nội, TP.HCM khi giá cả các mặt hàng đều tăng cao.
Vì vậy cần có mức giảm trừ gia cảnh cao hơn. Tôi cho rằng, nếu giảm trừ gia cảnh được đưa lên mức 17-18 triệu đồng/tháng thì sẽ phù hợp hơn cho người nộp thuế hiện nay”, anh Tuân nói.
Đồng tình với quan điểm trên, chị Phạm Thị Nhâm, Kế toán trưởng của một doanh nghiệp tại xã Triều Khúc, Hà Nội cho biết, thu nhập của chị hiện ở mức 25 triệu đồng/tháng, còn chồng chị làm kỹ sư một công ty xây dựng và mức thu nhập cũng ở mức 25 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, gia đình chị phải nuôi 3 người phụ thuộc, trong đó có 2 con và mẹ chồng hơn 60 tuổi nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho số tiền hơn 15 triệu đồng. Vì vậy việc Bộ Tài chính có đề xuất điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh là một bước tiến hợp lý. Tuy nhiên mức này vẫn chưa phản ánh đầy đủ áp lực chi tiêu thực tế của người dân, nhất là với người dân khu vực đô thị.
“Mức giảm trừ hiện hành đã lỗi thời. Chi phí thực tế về giáo dục, y tế, nhà ở, năng lượng…ở đô thị đều tăng mạnh hơn CPI. Mức 13,3 - 15,5 triệu đồng/tháng chưa theo kịp tốc độ tăng này. Tôi đề xuất có thể nâng lên mức ban đầu là 18 triệu đồng/tháng. Khi được giảm tiền thuế, người dân sẽ tăng chi tiêu mua sắm”, chị Nhâm nói.
Nên phân vùng và triển khai ngay năm 2025
Theo chị Nhâm, Bộ Tài chính nên nghiên cứu cơ chế phân vùng - ví dụ mức giảm trừ ở TP.HCM, Hà Nội cao hơn các tỉnh - như cách quy định lương tối thiểu vùng hiện nay. Đồng thời cần nới lỏng điều kiện chứng minh người phụ thuộc và bổ sung cơ chế khấu trừ cho những khoản chi mang tính xã hội cao như học phí phổ thông, chi phí y tế ngoài bảo hiểm y tế.
“Nếu tăng lên mức 18 triệu đồng, với mức thu nhập trong khoảng 50 triệu đồng/tháng của cả hai vợ chồng tôi như hiện nay, người phụ thuộc là 2 con và mẹ già thì tôi được giảm trừ gia cảnh 36 triệu đồng/tháng cộng thêm 6,2 triệu đồng/người phụ thuộc, tổng số tiền được giảm trừ là 54,6 triệu đồng thì gia đình tôi sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nếu người nộp thuế được tăng mức phải nộp lên 18 triệu đồng, người lao động như chúng tôi có thể nghĩ đến chuyện có thêm tích lũy để ổn định cuộc sống lâu dài”, chị Nhâm nói.
Cho ý kiến về nội dung này, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn lại đề xuất phải công khai cơ sở để đưa ra đề xuất về mức giảm trừ gia cảnh.
“Trước đây chúng ta đề xuất từ 4 triệu, lên 9 triệu rồi 11 triệu đều trên cơ sở căn cứ khoa học và thực tiễn từ việc điều tra thu nhập dân cư, điều tra chi tiêu…và cũng dựa trên căn cứ thực tế cùng điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Hiện, chúng ta phải tính cụ thể để cho ra mức giảm trừ gia cảnh phù hợp. Nếu CPI tăng 20% thì chúng ta tăng mức giảm trừ gia cảnh 20%, nếu CPI tăng 25% thì ta tính mức giảm trừ gia cảnh tăng tương ứng”, ông Phụng nêu ý kiến.
Theo Bộ Tài chính, dự kiến Bộ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo về thuế thu nhập cá nhân vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2025 và sẽ áp dụng vào kỳ tính thuế năm 2026.
TS. Nguyễn Ngọc Tú - nguyên Vụ trưởng Tổng cục Thuế, hiện là giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, nên áp mức mới ngay.
“Tôi đề nghị áp dụng ngay trong năm 2025 vì Nghị quyết ban hành trong tháng 10 thì có thể áp dụng ngay chứ không như Luật.
Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân năm 2025 mới chỉ là tạm nộp, còn quyết toán thuế thu nhập là sang quý I/2026. Vì vậy còn rất nhiều thời gian để chúng ta có thể áp dụng cách tính thuế thu nhập cá nhân mới cho năm 2025.
Việc áp dụng sớm sẽ kịp thời động viên, tạo động lực thúc đẩy người nộp thuế, tạo niềm tin vào việc sửa luật thuế thu nhập cá nhân”, ông Tú kiến nghị.
Nguồn: https://vtcnews.vn/de-xuat-thue-giam-tru-gia-canh-moi-nguoi-dan-va-chuyen-gia-noi-gi-ar956423.html
Bình luận (0)