Lãnh đạo xã Gia An và nhà tổ chức đêm nhạc tặng tiền ủng hộ trực tiếp trong đêm diễn |
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) được nhiều người biết đến bởi những ca từ của ông đi vào lòng người một thời in sâu vào ký ức. Ngày ông về với đất mẹ, hàng trăm người dân lao động từ những chị em buôn bán, người lái taxi, anh đạp xích lô, người già đến ngay cả người tàn tật đến tiễn ông về miền miên viễn. Sỡ dĩ họ gọi ông là nhạc sĩ tài hoa vì Trịnh Công Sơn xuất thân từ một ông thầy giáo không qua trường lớp âm nhạc nào nhưng để lại hậu thế một gia tài đồ sộ với gần 600 bản nhạc đi vào tâm thức từ những tầng lớp lao động đến người có học.
Nội dung trong những bài hát của ông đều mang nội hàm tự sự về tình yêu, nhân sinh và hiện tình đất nước. Nhạc cụ đi theo người hát chỉ cần một cây guitar thùng là đủ, người thể hiện chỉ bằng giọng mộc, chân chất cũng có thể truyền tải những lời tự sự của ông. Chính vì đơn giản thế, nên ở những vùng sâu, vùng xa, người dân chân đất cũng tổ chức được những đêm ca hát nhạc Trịnh được người xem ủng hộ. Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận - nơi giáp giới Lâm Đồng, các anh chị em nghệ sĩ nghiệp dư hai tỉnh, người có tấm lòng ái mộ nhạc Trịnh thỉnh thoảng gặp nhau ca hát.
Tháng 4/2025, nhân kỷ niệm ngày mất của ông, được sự tài trợ của siêu thị Lam Thúy Dung, các nghệ sĩ nghiệp dư tổ chức đêm nhạc Trịnh tại xã Gia An. Bà Dung có chồng là ông Đinh Hùng Dũng, là Trung tá quân đội đang tại ngũ, một nghệ nhân saxophone chuyên chơi nhạc Trịnh và yêu thích tổ chức đạo diễn các sự kiện ca nhạc. Khi được hỏi về động cơ tài trợ và tổ chức sự kiện đêm nhạc, bà Lam Thúy Dung cho biết: “Gia đình cháu là dân đi kinh tế mới vào Tánh Linh năm 1976, ngày ấy, đời sống bà con cực kỳ khó khăn, sau này nhờ buôn bán, cuộc sống dễ thở hơn. Trong nghề này, hàng ngày gặp gỡ khách hàng, nhiều người rất cơ cực, chắt chiu mua từng món hàng với đôi mắt lo âu buồn buồn. Có em vừa mua hàng vừa hát nhạc Trịnh, dần dần lời ca đi vào tâm thức, cháu bắt đầu yêu nhạc ông ấy từ những chi tiết nhỏ nhặt này. Đến khi có chồng, anh Dũng cũng rất yêu thích âm nhạc, cả hai cùng dòng chảy tâm thức, nói như bây giờ người ta gọi là "song kiếm hợp bích" chú ạ! Nhớ mấy năm trước, có một chú em khoảng 30 tuổi vào mua một con gà ướp lạnh rồi ôm mặt khóc, cháu hỏi thăm, em ấy trả lời trong nước mắt: “Ngày xưa nghèo khổ, ba em thỉnh thoảng chép miệng thèm miếng thịt gà nhưng không đủ tiền mua, giờ nhà em ở mặt phố có đồng vô đồng ra thì ba em đã mất, nhân ngày giỗ ông, em mua con gà ướp lạnh mang về cúng. Nhìn con gà nhớ một thời xa vắng, nhớ tiếng chép miệng thèm thuồng của ba, nên xúc động thôi”. Như chú biết đấy, hiện nay vẫn còn không ít người có ốm đau ngặt ngoèo, người già neo đơn rất cần các nhà hảo tâm giúp đỡ. Thấy những cảnh đời bi thương muốn giúp nhưng khả năng tài chính của gia đình có hạn. Chính vì thế, vợ chồng cháu tổ chức và tài trợ đêm ca nhạc như thế này vừa để anh em nghệ sĩ thiện nguyện ở vùng quê gặp nhau, vừa quyên góp của ít lòng nhiều từ các nhà doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như ông bà Nguyễn Long nhà nghèo vừa mổ tim, bà Bùi Thị Loan đơn thân nuôi con tật nguyền, bà Lê Thị Bảy 83 tuổi, người già neo đơn... được xã Gia An đề xuất”. Ông Đinh Hùng Dũng, người tổ chức sự kiện, cho biết thêm: “Đêm nhạc Trịnh tháng 4 có 15 tiết mục, được chính quyền xã cho phép tổ chức, mọi chi phí Siêu thị Lam Thúy Dung tài trợ. Riêng tiền quyên góp tại đêm nhạc do nhóm thư ký ghi tên từng tấm lòng vàng, sau đó biếu tặng trực tiếp cho các hộ khó khăn dưới sự giám sát của bà con và chính quyền địa phương, chúng cháu nhà tổ chức và tài trợ không đụng tới. Vợ chồng cháu đều xuất thân từ gia đình nghèo nên rất cảm thông cho những cảnh đời khó khăn. Đêm nhạc Trịnh hôm nay, siêu thị Lam Thúy Dung đã mời các nhà hảo tâm là các nhà doanh nghiệp địa phương đến thưởng thức, mời 2 MC là Trần Thị Thanh Thắng, Nguyễn Phú Quang là giáo viên cấp 3 của huyện, những người làm MC chuyên nghiệp của huyện và các ca sĩ yêu nhạc Trịnh có thương hiệu ở 2 tỉnh giáp ranh. Gia đình cháu đã tổ chức được vài lần vào lúc nông nhàn sau tết, những lần trước đó, chúng cháu tổ chức ưu tiên ủng hộ các học sinh nghèo hiếu học và tham gia tài trợ cho vài trường học như: phần thưởng, bàn ghế, quạt điện... nơi chưa được trang bị hoàn tất. Bản thân cháu, bố mất sớm, anh em cháu đã trải một thời thơ ấu không có bố với cuộc sống bần hàn cô độc, không có dòng tộc ruột rà ở Tánh Linh nên thấm thía nỗi đau của người xa xứ”. Nghệ nhân saxophone Đinh Hùng Dũng quay mặt nhìn về núi Cà Tòn nhớ một thời xa vắng.
Nhạc Trịnh là một trong những nghệ thuật thành công đỉnh cao vắt ngang 2 thế kỷ đối với các tầng lớp trong và ngoài nước. Bài hát Diễm xưa được ca sĩ Khánh Ly biểu diễn tại Nhật bằng 2 thứ tiếng Việt - Nhật, được chính người Nhật xem trân trọng vỗ tay không ngớt. Nhạc Trịnh đi vào tâm thức không những ở thành phố mà còn len lõi đến tận vùng quê nơi có bờ ruộng, gốc tre, vười điều, cao su, thanh long hoặc sầu riêng, măng cụt, cà phê ở miệt vườn 2 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng...
Nguồn: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/dem-nhac-ket-noi-vong-tay-nhan-ai-0e15cf5/
Bình luận (0)