Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dệt những sợi vàng: Tủ sách bằng cả gia tài của gia đình Nguyễn An Ninh

Với người ham tri thức thì sách vở đầy bốn vách là niềm vui to lớn hơn cả bạc vàng. Biết quý, biết trọng, biết giữ gìn sách, lại đáng trọng bội phần nữa.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên27/04/2025

Tủ sách đồ sộ từ nhiều nguồn

Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh có niềm yêu thích đặc biệt với sách vở. Viết về cha mình trong hồi ký Nguyễn An Ninh "tôi chỉ làm cơn gió thổi", bà Nguyễn Thị Minh cung cấp thông tin: "Ba tôi thông minh nghe giảng ở trường đã hiểu, về nhà chỉ đọc thêm sách. Ông nội tôi mua nhiều sách cho số sinh viên xuất dương, cho người đến trọ Chiêu Nam Lầu đọc. Ba tôi mê mẩn với tủ sách của Chiêu Nam Lầu, ngoài ra có bao nhiêu tiền bà cô cho đi lục tìm mua sách đem về". Khi trưởng thành, nhà yêu nước có tủ sách tư tưởng đồ sộ, là nơi bạn bè lui tới đọc, tìm hiểu. Bà Trương Thị Sáu, vợ nhà cách mạng, nhớ về tủ sách của chồng trong hồi ký Cùng anh đi suốt cuộc đời: "Tủ sách anh Ninh có đến mấy ngàn cuốn, rất nhiều sách của Mác, của Lê-nin".

Dệt những sợi vàng: Tủ sách bằng cả gia tài của gia đình Nguyễn An Ninh- Ảnh 1.

Nhà yêu nước Nguyễn An NinhẢNH: TƯ LIỆU

Vẫn lời bà Sáu, tủ sách ấy được bổ sung không ngừng qua nhiều nguồn: "Mấy lần đi Tây, anh Ninh mang về rất nhiều sách, thỉnh thoảng lại nhờ anh em thủy thủ đem về thêm. Anh Ninh có người em rể là cò-mi sở đoan (hải quan), sách nào bị cấm thì cứ để tên dượng ấy để không bị khám xét. Nhờ vậy, anh Ninh có đủ sách của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, từ sách chính trị đến sách chuyên môn về luật, sách triết học, văn học cổ điển…". Trong trí nhớ của Phan Văn Hùm, "nhà ông Ninh nhiều sách lắm. Hai tủ cũng có đến một ngàn rưỡi quyển, đều là sách có giá trị. Phần nhiều là sách về triết lý, văn chương, xã hội, kinh tế hoặc mỹ thuật", hồi ký Ngồi tù Khám Lớn ghi.

Vẫn Phan Văn Hùm thông tin, có lần Nguyễn An Ninh bị bắt, thực dân Pháp tìm chứng cứ từ sách vở trong nhà ông nhưng không thành. Tủ sách này sau còn rơi vào tầm ngắm của phát xít Nhật nữa. Bà Sáu cho hay, sau khi tràn vào Đông Dương "chúng cho người đến thương lượng tôi bán tủ sách của anh Ninh với giá một triệu đồng. Tôi nhất định không chịu bán. Tôi biết sách của anh toàn là sách cách mạng, không riêng anh Ninh mà tất cả anh em hoạt động cách mạng đều cần đến. Tôi hiểu bọn Nhật định mua sách không ngoài mục đích phá hoại cách mạng". Xem trong Kinh tế văn hóa Việt Nam 1930-1980 (Tổng cục Thống kê, 1980), năm 1940 khoản thuế thực dân Pháp thu ở Việt Nam là 87,1 triệu đồng Đông Dương, thì con số một triệu đồng khi đó, là cả một gia tài lớn.

Món ăn tinh thần bổ ích

GS Đặng Thai Mai tâm sự trong Hồi ký thời kỳ thanh thiếu niên, ấn tượng tuổi thơ gia đình là "gian nhà ngoài thì bày la liệt mấy dãy tủ sách to nhỏ: sách đâu mà nhiều thế!". Phòng sách ước chừng vài ba nghìn cuốn ấy, có tên là Tam thai sơn phòng tàng thư gồm sách quý của các thư khố Việt Nam, Trung Quốc, sách cổ điển, tân thư với triết học, văn học, lịch sử Nhật Bản, Âu - Mỹ, sách chép tay. "Tuổi thơ chúng tôi nhìn vào đã cảm thấy sờ sợ", ấy nhưng khi lớn lên, sự đắc dụng mới khai mở khi "tủ sách này trong một thời gian mười mấy năm sau đối với chúng tôi, thật sự là những thức ăn tinh thần vừa thú vị, vừa bổ ích".

Dệt những sợi vàng: Tủ sách bằng cả gia tài của gia đình Nguyễn An Ninh- Ảnh 2.

Tác phẩm Những kẻ khốn nạn (Victor Hugo) Huy Cận đọc thuở học trò

ẢNH: THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, Lê Duẩn khi ở Huế đã mở hiệu sách Thuận Hóa, nhưng không chỉ đơn thuần là chủ hiệu sách thôi đâu. Tố Hữu lúc là học trò, tiếp xúc với Lê Duẩn, được hướng dẫn đọc các sách lý luận, về sau hiểu rằng "anh Lê Duẩn thì không xuất hiện công khai, bề ngoài là một chủ hiệu sách chính trị bình thường, song chúng tôi đều hiểu anh là người lãnh đạo cao nhất của Xứ ủy", hồi ký Nhớ lại một thời chép.

Bộ trưởng Bộ Canh nông Cù Huy Cận, tác giả của tập thơ Lửa thiêng còn nhớ kỷ niệm gắn với sách ở tuổi học trò khi được thầy phát thưởng cho thành tích học tập "năm ấy tôi được phần thưởng nhất lớp, được một chồng sách cao toàn là sách học các lớp trên bằng tiếng Pháp: sách mẹo tiếng Pháp, lịch sử nước Pháp, sách địa lý Đông Dương, sách toán, sách tập đọc Đi vòng quanh nước Pháp, sách Quốc văn giáo khoa thư do Trần Trọng Kim soạn, sách sử ký cũng do Trần Trọng Kim biên soạn, có cả quyển sách Năm đóa hoa của Jean Marquet […] Mùi thơm của giấy, của mực in, của bìa sách để lại ấn tượng sâu sắc trong bọn trẻ chúng tôi", Hồi ký song đôi thông tin.

Phần thưởng sách như thế, mang tính giáo dục cao, gieo niềm yêu thích khám phá tri thức cho học trò. Vẫn trong ký ức Huy Cận còn nhớ tới người thầy Phan Tiên "chú ý khêu gợi lòng ham đọc sách, hứng thú tìm cái hay cái đẹp trong sách cho học sinh". Nhưng ham mê đọc sách của nhà thơ tương lai, là đến từ người cậu trong những năm tháng sống ở Quảng Điền "tôi bắt đầu ham mê đọc sách nhờ cái tủ sách của cậu tôi, cái tủ sách kỳ diệu nó đã mở ra cho tôi thế giới thần kỳ của văn chương đông tây kim cổ". Sách tiếng Việt là những truyện Nôm Thạch Sanh, Phan Trần, Nữ tú tài, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm… sách nước ngoài là Những người khốn khổ, Ba người lính ngự lâm pháo thủ, Thuyết đường diễn nghĩa, Đại học, Trung dung

"Thói quen hay mua sách, hay gom sách, hay tích lũy sách hay của chúng tôi bắt nguồn từ đó. Tủ sách, và chính cậu nữa đã gây cho tôi cái thú ham đọc sách, cái thú tìm hiểu niềm vui thanh khiết trong sự đọc sách, trong sự tiếp xúc với những tâm hồn đông tây kim cổ", Huy Cận bồi hồi nhớ.

Nguồn: https://thanhnien.vn/det-nhung-soi-vang-tu-sach-bang-ca-gia-tai-cua-gia-dinh-nguyen-an-ninh-185250426212710952.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm