“Nhớ mãi khôn nguôi” - câu hát đẹp như thơ, thấm đẫm cảm xúc và tình người, từ lâu đã neo đậu trong tâm trí bao thế hệ yêu dân ca Quan họ. Câu hát ấy, cùng với hàng chục sáng tác và hiệu đính giá trị khác chính là những “hạt giống” mà cố nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi âm thầm gieo vào mảnh đất Quan họ để nảy nở thành một khu vườn âm nhạc truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Và giữa dòng chảy của thời đại hôm nay, câu Quan họ “Nhớ mãi khôn nguôi” như một tiếng vọng ngân dài từ người thầy năm xưa nhắc nhớ chúng ta về giá trị của sự bền bỉ, khiêm nhường và cống hiến âm thầm vì văn hóa nước nhà. Sinh năm 1912 tại làng Quan họ gốc Ngang Nội (xã Hiên Vân, huyện Tiên Du), nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi vốn là kép chèo tài danh nhưng tình yêu sâu sắc với Quan họ dẫn ông đến một hành trình dài học hỏi, khám phá và phụng sự. Trong khi nhiều nghệ nhân cùng thời không biết chữ, thì ông lại thông thạo chữ Hán, Nôm và Quốc ngữ, am hiểu cả chèo, tuồng, chầu văn... tạo thành một nền tảng học thuật và thực hành độc đáo để tiếp cận Quan họ không chỉ như một thể loại dân ca, mà như một hệ giá trị văn hóa nghệ thuật trọn vẹn, gắn với nếp nghĩ, lối sống và tâm hồn người Kinh Bắc. Không dừng ở việc học hát, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi dành cả đời mình để sưu tầm, khảo cứu, hiệu đính, sáng tác và truyền dạy Quan họ một cách bài bản. Ông là người đầu tiên phát hiện nhiều bài Quan họ cổ chưa có vế đối và sau đó sáng tác bổ sung hơn 30 bài đối. Những bài như “Cạn chén trăng thề” đối với “Đêm qua nhớ bạn”, hay “Dệt cửi đêm xuân” đối với “Giăng thanh gió mát”… trở thành những mẫu mực cho thực hành Quan họ truyền thống. Đặc biệt, những sáng tác cả phần lời và giai điệu như “Nhớ mãi khôn nguôi”, “Con sông vị thủy”, “Ăn ở trong rừng” không chỉ mang đậm hồn cốt Quan họ mà còn thể hiện tư duy nghệ thuật hiện đại, được công chúng đón nhận như những câu hát cổ.
Di sản lớn nhất mà nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi để lại chính là tư tưởng văn hóa-một tinh thần “hiểu để gìn giữ, say để trao truyền”.
Tối 17-4 vừa qua, tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trang trọng tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Những bài Dân ca Quan họ Bắc Ninh của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi”. Cuốn sách tập hợp gần 40 bài Quan họ lời đối do ông sáng tác, hiện đang được nghệ nhân và cộng đồng Quan họ gìn giữ, nâng niu. Đây không chỉ là sự tri ân với một người thầy, mà còn khẳng định di sản ông để lại chính là cốt lõi tinh thần của văn hóa Quan họ, là một phần không thể thiếu trong bản sắc dân tộc Việt Nam. 85 năm cuộc đời, 50 năm tuổi Đảng, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi sống một cuộc đời cống hiến thầm lặng, không màng danh lợi, chưa từng nhận một danh hiệu hay phần thưởng cao quý nào, nhưng lớp lớp học trò của ông-những liền anh, liền chị đưa Quan họ vang xa khắp trong và ngoài nước chính là di sản vô giá mà ông đã “gieo” vào cánh đồng di sản Quan họ. Là người thầy đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ -tiền thân của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày nay, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi giữ vai trò đặc biệt trong việc đặt nền móng chuyên nghiệp hóa Quan họ. Bằng cả tâm huyết, kiến thức và kinh nghiệm sống, cụ đã truyền dạy cho các nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ từ cách lấy hơi, nhả chữ, buông câu đến thần thái biểu diễn. Những học trò tiêu biểu của cụ như: NSND Thúy Cải, các NSƯT Quý Tráng, Vũ Tự Lẫm, Lệ Ngải, Khánh Hạ, Minh Phức, Xuân Mùi… chính là minh chứng sống động cho sức sống lâu bền của di sản mà ông để lại. Song, di sản lớn nhất mà nghệ nhân để lại không nằm ở số lượng sáng tác các bài Quan họ, hay tên tuổi của các học trò tài năng, mà là một tư tưởng văn hóa, một tinh thần “hiểu để gìn giữ, say để trao truyền”. Cuộc đời ông hội tụ đầy đủ phẩm chất của một “nghệ nhân - trí thức dân gian” hiếm có, vừa hiểu sâu truyền thống vừa biết làm mới tinh hoa, vừa giữ gìn bản sắc vừa khơi mở con đường phát triển bền vững cho Quan họ trong đời sống đương đại. Hơn tất cả, di sản mà cố nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi để lại chính là tư cách một người nghệ sĩ của nhân dân, một nhà nghiên cứu dân gian, một người thầy mẫu mực và một đảng viên suốt đời tận tụy với lý tưởng văn hóa cách mạng. Trong sự tĩnh lặng của một tâm hồn nghệ sĩ, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi đã hun đúc một triết lý sống- sống để gìn giữ bản sắc, sống để lan tỏa yêu thương qua từng câu dân ca. Có lẽ, đó cũng là lý do vì sao, sau hơn hai thập kỷ ông đi xa, những người ở lại vẫn thấy ông “còn” và sẽ còn mãi như ngọn lửa âm thầm nhưng không bao giờ tắt trong lòng những người yêu Quan họ. Nhớ về cha, NSƯT Lệ Ngải, con gái ruột và cũng là một trong số học trò thuộc lứa đầu tiên được cụ Sôi truyền dạy từng xúc động bày tỏ: “Cho đến lúc cuối đời, bố tôi vẫn đắm đuối với Quan họ. Ông vẫn bảo anh chị em chúng tôi rằng, các con cố gắng mà gìn giữ những câu hát của cha ông. Quý lắm đấy. Mặc dù lúc đó, Quan họ chưa được quan tâm nhiều như bây giờ, thế mà bố tôi vẫn bảo, rồi đây cả thế giới sẽ phải biết đến vì Quan họ hay lắm, độc đáo lắm. Khắc ghi lời dạy của bố, tôi luôn ý thức bảo tồn, giữ gìn, lan tỏa văn hóa Quan họ”. Đúng như lời tiên tri của cụ Sôi, Dân ca Quan họ Bắc Ninh hôm nay được thế giới ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong thành tựu ấy, có sự cống hiến lặng thầm mà lớn lao của người thầy đầu tiên, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi - một “ông trùm Quan họ mẫu mực” với tri thức uyên thâm và tấm lòng son sắt dành trọn cho dân ca quê nhà, trở thành người lưu giữ linh hồn của những câu hát trăm năm...
Nguồn:https://baobacninh.vn/di-san-cua-nguoi-thay-au-tien-gieo-mam-quan-ho-96683.html
Bình luận (0)