Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ðiểm đến tháng Tư

Việt NamViệt Nam31/03/2025


Báo Cà Mau Nằm trong Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2025”, trong tháng Tư tới đây sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hoá như: Lễ Tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Ðường Hồ Chí Minh trên biển. Các hoạt động nhằm khơi dậy truyền thống quê hương, đất nước, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cà Mau với du khách.

Theo kế hoạch, từ ngày 1-3/4 sẽ diễn ra chương trình Lễ Tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển), bao gồm phần lễ trang nghiêm và phần hội sôi nổi. Phần hội hứa hẹn không gian mua sắm và trải nghiệm phong phú với các hoạt động trưng bày sản phẩm OCOP, giới thiệu những sản phẩm tiềm năng đặc trưng của địa phương; hội thi làm bánh truyền thống, trang trí mâm bánh dâng lên Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân; cùng không khí thể thao sôi động với các môn thi: bóng chuyền hơi nữ, kéo co, nhảy bao bố tiếp sức, sút bóng cầu môn và đá gà ép. Ðây là cơ hội để người dân và du khách cùng nhau giao lưu, rèn luyện sức khoẻ và hoà mình vào không khí lễ hội tưng bừng.

Lễ Tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân được tổ chức thường niên nhằm giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ mai sau.                                              Ảnh: QUỐC RIN

Lễ Tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân được tổ chức thường niên nhằm giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ mai sau. Ảnh: QUỐC RIN

Ðiểm nhấn quan trọng là phần lễ Tri ân Quốc Tổ diễn ra lúc 8 giờ ngày 3/4 (6/3 âm lịch), với nghi thức truyền thống, trang nghiêm, sẽ là dịp để cộng đồng cùng nhau thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân, đồng thời giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" cho các thế hệ mai sau.

Ông Tiết Minh Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết, công tác chuẩn bị cho Lễ Tri ân Quốc Tổ được triển khai khẩn trương và chu đáo. Các hạng mục trang trí, khánh tiết, vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan đang được hoàn tất để tạo nên không gian lễ hội sạch, đẹp và ấn tượng. Ðặc biệt, công tác đảm bảo an toàn giao thông, phân luồng giao thông trong ngày diễn ra lễ, cùng với việc đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau lễ được chú trọng. Bên cạnh đó, lực lượng y tế được bố trí trực xuyên suốt, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho đại biểu, người dân và du khách tham dự. Công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá quy định cũng được tăng cường nhằm mang đến môi trường lễ hội an toàn và văn minh.

Lễ Tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân được tổ chức thường niên không chỉ là sự kiện văn hoá mà còn là cơ hội để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện Ngọc Hiển nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung. Ðây là dịp để giới thiệu những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống độc đáo của người dân nơi đây, thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 7/4 (tức 10/3 âm lịch), tại Ðền thờ Vua Hùng, xã Tân Phú, huyện Thới Bình. Theo đó, vào ngày 6/4, nơi đây sẽ diễn ra phần hội rộn ràng, vui tươi với các trò chơi dân gian (bơi xuồng ba lá, kéo co, nhảy bao bố, đập bong bóng) và chương trình văn nghệ.

Từ năm 2021, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Cà Mau chính thức được đưa vào Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến”. (Ảnh: Ðền thờ Vua Hùng ở xã Tân Phú, huyện Thới Bình được đầu tư khang trang, tôn nghiêm).

Từ năm 2021, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Cà Mau chính thức được đưa vào Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến”. (Ảnh: Ðền thờ Vua Hùng ở xã Tân Phú, huyện Thới Bình được đầu tư khang trang, tôn nghiêm).

Ðền thờ Vua Hùng tại Cà Mau đã hiện diện từ gần 200 năm trước. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương luôn được các thế hệ cư dân nơi đây trân trọng, duy trì tổ chức trang nghiêm, thành kính. Năm 2011, Ðền thờ Vua Hùng Cà Mau đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh. Từ năm 2021, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Cà Mau chính thức được đưa vào Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến”.

Một sự kiện trọng đại sẽ diễn ra tại Di tích Bến Vàm Lũng (Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) vào ngày 24/4, là Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Ðường Hồ Chí Minh trên biển (Bến Vàm Lũng - tỉnh Cà Mau). Chương trình buổi lễ sẽ diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa như ngoại khoá dành cho đoàn viên, học sinh tại Khu Di tích Bến Vàm Lũng, tạo cơ hội để thế hệ trẻ tìm hiểu và tự hào về truyền thống lịch sử. Bên cạnh đó, sẽ có nghi thức dâng hương và thả hoa trang trọng để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; hoạt động tặng quà tri ân các gia đình có công với cách mạng.

Bến Vàm Lũng - Cà Mau, 1 trong 4 bến chính tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lập nên kỳ tích Ðường Hồ Chí Minh trên biển.

Bến Vàm Lũng - Cà Mau, 1 trong 4 bến chính tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lập nên kỳ tích Ðường Hồ Chí Minh trên biển.

Ðiểm nhấn của buổi lễ là Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Ðường Hồ Chí Minh trên biển (Bến Vàm Lũng - tỉnh Cà Mau), dự kiến diễn ra từ 19 giờ đến 20 giờ 30 phút. Ðây là sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc son lịch sử, ghi nhận những giá trị to lớn của Di tích Bến Vàm Lũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là vai trò của tuyến Ðường Hồ Chí Minh trên biển. Chương trình sẽ khép lại bằng màn bắn pháo hoa rực rỡ, tạo không khí lễ hội tưng bừng và đầy tự hào.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh, năm 2025 là năm mang nhiều ý nghĩa về chính trị và xã hội, đồng thời khơi gợi những cảm xúc sâu sắc về sự đổi thay bước ngoặt của quê hương, đất nước. Theo đó, các sự kiện trong khuôn khổ “Cà Mau - Ðiểm đến 2025” cần được đầu tư nâng tầm quy mô, nâng cao chất lượng và có điểm nhấn ấn tượng. Yêu cầu đặt ra là các hoạt động phải được tổ chức trang trọng, mang ý nghĩa thiết thực, đảm bảo an toàn và tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong lòng Nhân dân.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc. Thông qua các hoạt động của lễ hội, tỉnh Cà Mau cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác trong lĩnh vực thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

 

Mộng Thường

 



Nguồn: https://baocamau.vn/diem-den-thang-tu-a38048.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm