Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Thời điểm Mỹ kích hoạt thuế đối ứng đang tới gần, song Việt Nam cũng đã sớm có những chính sách đối ngoại cụ thể.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, chính sách thương mại của Mỹ tiếp tục đi theo hướng bảo hộ mạnh mẽ với trọng tâm là sử dụng thuế quan. Từ tháng 2/2025, Washington chính thức áp thuế bổ sung 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời nâng mức thuế với thép và nhôm lên đến 25%. Không dừng lại ở đó, một kế hoạch áp dụng thuế nền 10% cho toàn bộ hàng hóa nhập khẩu cũng đang được xem xét.
Dự kiến ngày 02/04 tới, ông Trump sẽ công bố mức thuế mới theo cách tiếp cận “có đi có lại”. Danh sách các quốc gia có thể bị áp thuế theo kế hoạch mới của ông Trump bao gồm các nền kinh tế lớn trong nhóm G-20, cũng như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Điều này cho thấy Mỹ đang đặc biệt nhắm đến những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với họ, mà Việt Nam là một trong những trường hợp điển hình với mức thặng dư thương mại hơn 105 tỷ USD vào năm 2024 (theo số liệu của Tổng cục Hải quan).
Để giảm thiểu các tác động có thể có từ chính sách bảo hộ của Mỹ, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp chủ động để thu hút, giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, để dần cân bằng thương mại với Mỹ, thúc đẩy tiêu dùng trong nước…
Đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam giữ chân các nhà đầu tư hiện tại bằng các lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực như cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với hệ thống cảng biển, đường cao tốc, sân bay kết nối đồng bộ; lợi thế về lao động và chuỗi cung ứng nội địa; với mức lương chỉ bằng khoảng 45% Trung Quốc, công nhân Việt Nam được đánh giá là khéo léo, học nhanh và năng suất cao; chính sách ưu đãi thu hút FDI mạnh mẽ như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong 15 năm hoặc 5% trong 37 năm cho các dự án đặc biệt…
Bên cạnh đó, Việt Nam còn tích cực thu hút các dòng vốn mới. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón tiếp hai phái đoàn doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ, trong đó có sự góp mặt của các tập đoàn hàng đầu như Apple, Boeing, Intel, Amazon, Coca-Cola…
Ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam. Bên cạnh Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục có các cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, châu Âu và Trung Quốc…
Một biện pháp quan trọng để cân bằng các cân thương mại với các đối tác chiến lược của Việt Nam đó là giảm thuế nhập khẩu. Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa 26/2023/NĐ-CP NĐ-CP ngày 31/5/2023 để điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng để đảm bảo đối xử công bằng giữa các Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Cụ thể, một số mã ô tô giảm từ 64% và 45% về cùng một mức thuế suất là 32%; ethanol từ 10% xuống 5%; bổ sung mặt hàng Ethane với thuế suất 0%; đùi gà đông lạnh từ 20% xuống 15%; một số mặt hàng thực phẩm cũng được đề xuất giảm gồm hạt dẻ cười từ 15% xuống 5%, hạnh nhân từ 10% xuống 5%, quả táo tươi từ 8% xuống 5%, quả anh đào ngọt (Cherry) từ 10% xuống 5%; nho khô từ 12% xuống 5%; mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ từ các mức thuế suất 20% và 25% xuống cùng một mức thuế suất là 5%.
Đáng chú ý, mặt hàng khí tự nhiên dạng hóa lỏng (LNG), nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy điện khí LNG, từ 5% xuống 2%. Như vậy, với mức thuế nhập khẩu MFN được dự kiến điều chỉnh, nhiều mặt hàng từ thị trường, như Mỹ sẽ hưởng lợi. Hiện Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện - mức cao nhất trong hệ thống quan hệ ngoại giao với 12 quốc gia, gồm Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Malaysia, Indonesia và Singapore. Trừ Mỹ, 11 nước trong số này đã nằm trong các Hiệp định thương mại song, đa phương và Việt Nam là thành viên nên được hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm thuế theo dự thảo Nghị định này sẽ làm giảm khoảng 1.400 tỷ VND/năm, tuy nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN với một số mặt hàng là cần thiết, đảm bảo đối xử công bằng giữa các Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam, góp phần cải thiện cán cân thương mại với các đối tác thương mại chính, khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hàng nhập khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa…
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 24 - 28/3
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 24 - 28/3, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng trong 3 phiên đầu tuần và giảm vào 2 phiên cuối tuần. Chốt ngày 28/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.843 VND/USD, tăng 30 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Giá mua USD được niêm yết ở mức 23.651 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; trong khi giá bán USD được niêm yết mức 26.035 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần.
Tỷ giá đo-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 24 - 28/3 biến động tăng ở hầu hết các phiên. Kết thúc phiên 28/3, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.584, giảm 36 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tuần qua cũng theo xu hướng tăng. Chốt phiên 28/03, tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.860 VND/USD và 25.960 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 24 - 28/3, lãi suất VND liên ngân hàng các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống tăng trong 3 phiên đầu tuần rồi quay đầu giảm vào 2 phiên cuối tuần. Chốt ngày 28/3, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch ở mức: qua đêm 3,58% (-0,64 điểm phần trăm); 1 tuần 4,46% (+0,08 điểm phần trăm); 2 tuần 4,56% (+0,06 điểm phần trăm); 1 tháng 4,62% (+0,08 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 28/3, lãi suất USD liên ngân hàng giao dịch tại: qua đêm 4,30% (không thay đổi); 1 tuần 4,36% (-0,02 điểm phần trăm); 2 tuần 4,41% (-0,04 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,46% (-0,03 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần từ 24 - 28/3, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu 275.000 tỷ đồng với 4 kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 35 ngày và 91 ngày, lãi suất đều giữ ở mức 4,0%. Có 53.094,95 tỷ đồng trúng thầu, trong đó, kỳ hạn 7 ngày trúng 34.539,42 tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày trúng 18.555,53 tỷ đồng và không có khối lượng trúng thầu ở 2 kỳ hạn dài 28 ngày và 91 ngày. Có 52.296,39 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Không có khối lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN đã bơm ròng 798,56 tỷ đồng vào thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 81.647,82 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, không còn tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 26/3, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 11.971 tỷ đồng/13.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu đạt 92%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 100 tỷ đồng/ 500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 11.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 250 tỷ đồng/ 500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30 năm huy động được 121 tỷ đồng/ 500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 5 năm là 2,15% (không đổi so với phiên đấu thầu trước), 10 năm là 2,96% (không đổi), 15 năm là 3,05% (+0,05 đpt) và 30 năm là 3,28% (không đổi).
Ngày 2/4, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 14.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 12.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 19.204 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 20.026 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua dao động nhẹ ở các kỳ hạn từ 5 năm đến15 năm. Chốt phiên 28/3, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,08% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 2,09% (không đổi); 3 năm 2,16% (không đổi); 5 năm 2,30% (+0,001 điểm phần trăm); 7 năm 2,67% (+0,03 điểm phần trăm); 10 năm 2,96% (+0,004 điểm phần trăm); 15 năm 3,16% (+0,01 điểm phần trăm); 30 năm 3,41% (không đổi).
Thị trường chứng khoán tuần từ 24 - 28/3, thị trường chứng khoán có xu hướng giảm ở cả 3 sàn. Kết thúc phiên 28/03, VN-Index đứng ở mức 1.317,46 điểm, giảm 4,42 điểm (-0,33%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 7,62 điểm (-3,1%) xuống mức 238,2 điểm; UPCoM-Index lùi 0,7 điểm (-0,7%) về 98,62 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình ở mức khá cao, đạt khoảng trên 19.656 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 2.100 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Tuần qua, Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, Văn phòng Phân tích Kinh tế Mỹ công bố GDP nước này chính thức tăng 2,4% so với quý trước trong quý cuối năm 2024, điều chỉnh lên nhẹ so với mức tăng 2,3% theo báo cáo sơ bộ lần 2, giảm tốc so với mức tăng 3,1% của quý III/2024. Như vậy, GDP Mỹ cả năm 2024 tăng 2,4%, không có sự điều chỉnh nào.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng PCE toàn phần và PCE lõi tại Mỹ lần lượt tăng 0,3% và 0,4% so với tháng trước trong tháng 2 sau khi cùng tăng 0,3% ở tháng trước đó. So với cùng kỳ năm 2024, PCE toàn phần và PCE lõi lần lượt tăng 2,5% và 2,8% so với cùng kỳ.
Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 22/03 ở mức 224 nghìn, giảm nhẹ so với tuần trước đó và cũng là dự báo của các chuyên gia ở 225 nghìn. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất là 224 nghìn, giảm 4,75 nghìn so với bình quân 4 tuần liền trước.
Đối với thị trường bất động sản, doanh số bán nhà mới tại Mỹ đạt 676 nghìn căn trong tháng 2, tăng nhẹ từ 664 nghìn của tháng 1 (điều chỉnh từ 657 nghìn theo sơ bộ), tuy nhiên chưa đạt kỳ vọng ở mức 682 nghìn. Bên cạnh đó, chỉ số doanh số nhà chờ bán tại Mỹ tăng 2,0% so với tháng trước trong tháng 2, sau khi giảm 4,6% ở tháng 1, cao hơn mức tăng 0,9% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2024, số nhà chờ bán giảm nhẹ khoảng 3,6% so với cùng kỳ.
Tiếp theo, S&P Global khảo sát cho biết PMI lĩnh vực sản xuất Mỹ ở mức 49,8 điểm trong tháng 3, giảm xuống từ 52,7 điểm của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức 51,9 điểm theo dự báo. Ngược lại, PMI lĩnh vực dịch vụ tăng lên mức 54,3 điểm trong tháng 3 từ mức 51,0 điểm của tháng 2, vượt qua mức 51,2 điểm theo dự báo.
Cuối cùng, Tổ chức Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức 92,9 điểm trong tháng 3, giảm xuống từ mức 100,1 điểm của tháng trước đó (điều chỉnh tăng so với 98,3 điểm theo số sơ bộ), đồng thời thấp hơn mức 94,2 điểm theo dự báo. Đây là mức niềm tin tiêu dùng thấp nhất mà nước này ghi nhận kể từ sau năm 2020.
Nước Anh cũng đón các thông tin kinh tế đáng chú ý. Theo văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, GDP nước này chính thức tăng 0,1% so với quý trước trong quý IV/2024, không có sự điều chỉnh so với kết quả thống kê sơ bộ. Cán cân vãng lai trong quý IV/2024 thâm hụt 21 tỷ GBP, lớn hơn mức thâm hụt 12,5 tỷ của quý III và đồng thời vượt mức thâm hụt 16,7 tỷ theo dự báo.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần nước này tăng 2,8% so với cùng kỳ trong tháng 2/2025, trái với dự báo tiếp tục đi ngang ở mức 3,0% như thống kê tháng 1. Bên cạnh đó, CPI lõi cũng chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ trong tháng vừa qua, hạ nhiệt so với mức tăng 3,7% của tháng 1 và đồng thời thấp hơn mức tăng 3,6% theo dự báo.
Tiếp theo, doanh số bán lẻ tại Anh tăng 1,0% so với tháng trước trong tháng 2, nối tiếp đà tăng 1,4% của tháng trước đó và trái với dự báo giảm nhẹ 0,3%.
Cuối cùng, S&P Global cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại Anh ở mức 44,6 điểm trong tháng 3, giảm xuống từ 46,9 điểm của tháng 2, trái với dự báo tăng lên 47,3 điểm. Trái lại, PMI lĩnh vực dịch vụ tại nước này tăng lên 53,2 điểm trong tháng này từ 51,0 điểm của tháng trước, vượt mức 51,2 điểm theo kỳ vọng.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-24-283-162043.html
Bình luận (0)