Lễ tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
ẢNH: hcmue
Hiện nay, việc mở ngành đào tạo thạc sĩ được áp dụng theo quy định tại Thông tư 16/2024 của Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung thông tư 02/2022 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
5 tiến sĩ ngành phù hợp, trong đó 1 phó giáo sư
Theo đó, ngoài những điều kiện chung về mở ngành, cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ phải đáp ứng các điều kiện cụ thể khác.
Thứ nhất là có ít nhất 5 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu. Riêng các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật, phải có ít nhất 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu.
Trong đó, có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy ĐH tối thiểu từ 3 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
Bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo, trong đó có giảng viên cơ hữu với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy đối với từng môn học, học phần trong chương trình đào tạo. Bảo đảm về số lượng và tiêu chuẩn của người hướng dẫn luận văn theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành của Bộ GD-ĐT.
Điều kiện về đào tạo, nghiên cứu khoa học
Bên cạnh đội ngũ, một điểm mới trong điều kiện mở ngành thạc sĩ so với trước đây là cơ sở đào tạo cần có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo. Để đạt điều kiện này, cơ sở đào tạo đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Ngành đào tạo trình độ thạc sĩ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ ĐH.
- Trong 5 năm gần nhất, số giảng viên quy định đã có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trên 50% số học phần trong chương trình đào tạo. Đồng thời đã công bố ít nhất 20 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.
Ngành giáo dục đặc biệt được đào tạo thạc sĩ ở đâu?
Trong danh mục mã ngành đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ của Bộ GD-ĐT, giáo dục đặc biệt là ngành thuộc nhóm ngành khoa học giáo dục thuộc lĩnh vực đào tạo khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên. Đây là một trong số các ngành chưa được đào tạo rộng rãi ở các trường ĐH hiện nay trình độ sau ĐH.
Hiện, ngành giáo dục đặc biệt đang được đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bắt đầu đào tạo cử nhân sư phạm giáo dục đặc biệt từ năm 2018 đến nay và chưa đào tạo sau ĐH với ngành này.
Tiến sĩ Huỳnh Trung Phong, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và phát triển khởi nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết nhiều năm nay trường đã có kế hoạch triển khai mở ngành đào tạo sau ĐH với chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Dự kiến, trong khoảng 2 năm tới trường có thể tuyển sinh chương trình thạc sĩ chuyên ngành này.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dieu-kien-nao-truong-dh-duoc-mo-nganh-dao-tao-thac-si-theo-quy-dinh-moi-nhat-185250415145303353.htm
Bình luận (0)