Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giải bài toán đầu ra - 'Chìa khóa' để OCOP vươn xa

Sau gần 6 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được đánh giá như một luồng gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh một số thành công, các sản phẩm OCOP vẫn đang gặp khó trong khâu tiêu thụ cũng như xây dựng thương hiệu. Các chủ thể OCOP đang rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của ngành chức năng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Báo Long AnBáo Long An15/04/2025


Chưa chiếm lĩnh được thị trường

Mặc dù được đánh giá chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, song sản phẩm bánh in (OCOP 3 sao) của hộ kinh doanh Vạn Long (xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vẫn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, qua đầu mối và khách hàng quen. Bình quân hộ kinh doanh này cung cấp ra thị trường khoảng 10-15 tấn sản phẩm/năm.

Theo chủ hộ kinh doanh Vạn Long - Dương Thị Anh Thơ, “sản phẩm của chúng tôi chất lượng tốt nhưng do không chủ động được thị trường nên chỉ sản xuất theo mùa và khi có đơn hàng”.

Các sản phẩm của hộ kinh doanh Vạn Long (xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ) chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh

Tương tự, sản phẩm khô bò (OCOP 3 sao) của Cơ sở sản xuất khô bò 8 Ben (ấp Hòa Hiệp 2, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa) cũng không chủ động được thị trường, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng và giao cho các mối quen với số lượng không nhiều.

Chủ cơ sở sản xuất khô bò Tám Ben - Hồ Văn Ben cho biết: “Hiện nay, cái khó của cơ sở là vấn đề đầu ra sản phẩm bởi nguồn nguyên liệu, nhân công, trang thiết bị,... đều sẵn có nhưng sức tiêu thụ của sản phẩm khá chậm. Hầu như chỉ có mùa tết cơ sở mới có đơn đặt hàng. Vì vậy, cơ sở rất mong được hỗ trợ kết nối tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định”.

Nhân công, nguyên liệu, thiết bị đã sẵn, Cơ sở sản xuất khô bò 8 Ben (ấp Hòa Hiệp 2, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa) chỉ còn thiếu đơn hàng (Trong ảnh: Công nhân Cơ sở sản xuất khô bò 8 Ben phơi thịt đã tẩm ướp gia vị lên giàn phơi)

Được thành lập từ năm 2022 với mục tiêu đưa các sản phẩm sen của địa phương ra thị trường trong và ngoài tỉnh, tuy nhiên, hiện nay Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn (xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh) vẫn loay hoay trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn - Ngô Thị Mỹ Dung thông tin: “Trước đây, người dân địa phương chủ yếu trồng sen lấy gương và bán cho thương lái ở tỉnh Đồng Tháp nên khá bấp bênh. Vì vậy, chúng tôi đã thành lập HTX để giúp người dân có nơi tiêu thụ sen.

Hiện HTX có 15 thành viên, trồng 30ha sen, có 2 sản phẩm là bột sen và trà tim sen được công nhận OCOP 3 sao. HTX đang nỗ lực quảng bá, kết nối để tìm đầu ra cho sản phẩm sen của địa phương”.

Còn tại HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước), sản phẩm cải xanh (OCOP 4 sao) thường xuyên rơi vào hoàn cảnh khó tiêu thụ. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy chia sẻ: “Hiện HTX có 30ha rau, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 1-2 tấn rau an toàn và 400-500kg rau hữu cơ.

Riêng về sản phẩm OCOP, hiện nay nhiều khách hàng vẫn không biết chứng nhận OCOP là gì và vì sao sản phẩm rau OCOP lại có giá cao hơn các sản phẩm cùng loại, do đó sản phẩm khó tiêu thụ”.

Cái khó của Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) là người tiêu dùng chưa hiểu rõ về chất lượng của sản phẩm OCOP (Trong ảnh: Công nhân Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai sơ chế cải xanh - sản phẩm đạt OCOP 4 sao)

Nhìn chung, việc phát triển sản phẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, phần lớn hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP năng lực sản xuất nhỏ, lẻ, trình độ và kiến thức quản trị hạn chế, khó thích ứng với cơ chế thị trường.

Nhiều chủ thể chưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất, chủ yếu là sản xuất bán thủ công và thủ công. Cùng với đó, chưa quy hoạch xây dựng được vùng nguyên liệu để bảo đảm chủ động phục vụ sản xuất hàng hóa; chưa có tính sáng tạo để có những sản phẩm OCOP mới, nhiều sản phẩm có tính tương đồng cao, bao bì mẫu mã thiếu tính sáng tạo, chưa thu hút được khách hàng. Vì vậy mà nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh khó tham gia vào những thị trường lớn hoặc đã có được thị trường tiêu thụ nhưng vẫn loay hoay chưa khẳng định vị thế, chất lượng và sức cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến nay, toàn tỉnh có 247 sản phẩm OCOP; trong đó có 51 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 196 sản phẩm đạt hạng 3 sao, tập trung vào các nhóm ngành như thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ,...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Đinh Thị Phương Khanh, để xây dựng và phát triển một sản phẩm OCOP, chủ thể cần đáp ứng một số điều kiện như sản xuất xuyên suốt, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và mang đặc trưng vùng, miền. Do vậy, để xây dựng sản phẩm OCOP, các địa phương phải dựa vào điều kiện thực tế, xác định sản phẩm chủ lực và có quy hoạch vùng sản xuất phù hợp.

Cần khơi thông đầu ra

Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Long Châu (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) - Nguyễn Ngọc Phan cho biết, trước đây, thanh long chủ yếu xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc nhưng giá cả thường xuyên biến động. Trước thực trạng đó, anh bắt tay vào sản xuất thanh long sấy dẻo xuất khẩu và đã chào bán tại một số thị trường như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Pháp,... nhận được phản hồi tích cực. Hiện nay, Cty liên kết vùng trồng với HTX Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) và có 2 sản phẩm là thanh long sấy dẻo và đu đủ sấy dẻo đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

“Cty đã và đang nỗ lực cải thiện mẫu, quy trình chế biến sản phẩm để đạt các tiêu chuẩn mà thị trường nhập khẩu đưa ra. Trong quá trình này, Cty rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn của các ngành chức năng trong việc chuẩn hóa quy trình sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm” - ông Nguyễn Ngọc Phan chia sẻ.

Công nhân Công ty TNHH Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Long Châu (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) đóng gói thanh long sấy dẻo

Thông tin từ Sở Công Thương, để hỗ trợ các chủ thể OCOP, Sở phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức, tham gia nhiều hội nghị quảng bá để các sản phẩm OCOP của tỉnh có thêm cơ hội kết nối, giao lưu với đối tác tiềm năng.

Bên cạnh đó, các chủ thể cũng được hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới thiết kế, bao bì, xây dựng nhãn mác hàng hóa,... qua đó, góp phần giúp các chủ thể tìm kiếm được các đơn vị tiêu thụ sản phẩm uy tín tại thị trường trong nước. Hiện nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa ra thị trường thông qua nhiều kênh khác nhau như bán lẻ, trực tuyến, cửa hàng, siêu thị,... mang lại doanh thu khá.

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã lồng ghép, cân nhắc đối với nguồn kinh phí để hỗ trợ các chủ thể đầu tư máy móc, công nghệ, đổi mới mẫu mã bao bì, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng,... nhằm phát triển sản phẩm OCOP có tính cạnh tranh cao.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, cùng với nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng như cung cấp thông tin đầu mối cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản của tỉnh đến Bộ Công Thương; phối hợp tham tán thương mại tại nhiều nước để kết nối tiêu thụ cho hàng hóa nông sản; giới thiệu doanh nghiệp Long An tham gia bình ổn thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong nước;...

Mặt khác, các chủ thể sản xuất OCOP cũng cần chủ động chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực đưa sản phẩm của mình lên các website, sàn thương mại điện tử để quảng bá, kết nối tiêu thụ.

“Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các sở, ngành liên quan triển khai mạnh mẽ Chương trình OCOP, nhất là kết nối tìm đầu ra cho các sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể OCOP” - bà Châu Thị Lệ cho biết thêm./.

Minh Tuệ

Nguồn: https://baolongan.vn/giai-bai-toan-dau-ra-chia-khoa-de-ocop-vuon-xa-a193424.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm