Theo ông Ngô Hải Đường, hệ thống xe buýt thành phố hiện có 138 tuyến với 2.221 xe buýt tham gia hoạt động. Trong số này có 19 tuyến xe buýt điện (với 160 xe) và 18 tuyến xe buýt sử dụng khí CNG (với 528 xe), chiếm 31% phương tiện sử dụng điện, nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường.
UBND TPHCM cũng đã giao Sở Xây dựng triển khai xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là xây dựng và tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM ban hành Quy định về lộ trình thực hiện chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh để áp dụng kể từ năm 2025. Giai đoạn 2 là xây dựng Đề án và tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM ban hành chính sách giảm khí thải các phương tiện giao thông đường bộ còn lại trên địa bàn thành phố.

Trong đó, tập trung vào xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình chuyển đổi phương tiện từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng xanh.
Đồng thời, có chính sách thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện mới sử dụng điện, năng lượng xanh; đề xuất các giải pháp kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Sở Xây dựng đã hoàn thành chuyên đề giai đoạn 1 Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông và đã báo cáo UBND TPHCM.

Cũng tại họp báo, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết, chương trình chuyển đổi xe xăng sang xe điện sẽ được thực hiện với lộ trình rõ ràng.
Dự kiến, trong tháng 6 sẽ có bản dự thảo chính sách để tham vấn chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý rồi tổng hợp, trình UBND TPHCM vào tháng 7 tới.
Nghiên cứu ban đầu cho thấy, nhóm xe công nghệ, giao hàng 2 bánh là một trong những nguồn phát thải lớn nhất tại TPHCM hiện nay. Cụ thể, trong năm 2023, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM khảo sát hơn 400 tài xế xe công nghệ Grab, Be và Gojek. Kết quả, với quãng đường 100 km/ngày, mỗi tài xế chi trung bình 70.000 - 100.000 đồng/ngày cho tiền xăng. Qua khảo sát các tài xế Xanh SM, khi sử dụng xe điện, với quãng đường 100km/ngày, chi phí sạc chỉ khoảng 20.000 đồng/ngày.
Qua tính toán, khi chuyển đổi, mỗi tài xế sẽ tiết kiệm được từ 40.000 đồng - 60.000 đồng/ngày. Với thời gian làm việc khoảng 25 ngày/tháng, tài xế tiết kiệm được trên 1 triệu đồng/tháng.
“Nếu chính sách đi vào thực tế, chúng tôi hy vọng rằng trong vòng 2 năm, sẽ chuyển đổi được khoảng 80% phương tiện của tài xế công nghệ và giao hàng sử dụng xe 2 bánh và đạt tỷ lệ 100% trong vòng 3-5 năm”, ông Lê Thanh Hải chia sẻ.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dinh-huong-phat-trien-giao-thong-xanh-tai-tphcm-post796392.html
Bình luận (0)