Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Định vị giá trị gạo Điện Biên: [Bài 1] 'Hạt ngọc' trên cánh đồng bom mìn

Cánh đồng Mường Thanh từ huyền thoại người khổng lồ san đất, đến chiến trường Điện Biên rực lửa, nơi hạt gạo vươn lên từ bom đạn và lịch sử hào hùng.

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam01/04/2025

LTS: Điện Biên có đủ điều kiện để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia: vùng nguyên liệu quý, khí hậu đặc hữu, hạt gạo đặc sản với hương vị riêng biệt. Nhưng giữa thị trường cạnh tranh và yêu cầu chất lượng ngày càng cao, gạo Điện Biên vẫn đang loay hoay khẳng định vị thế. Vấn đề không chỉ ở đồng ruộng, mà nằm ở liên kết chuỗi giá trị, bảo hộ thương hiệu và cơ chế thực thi chính sách.

Chính vì vậy, điều cần nhất lúc này không chỉ là sự kiên trì của người trồng lúa, mà là sự vào cuộc mạnh mẽ, có hệ thống, từ cơ chế chính sách đến tổ chức thực thi để bảo vệ thương hiệu trước tình trạng “mượn danh - pha trộn - hạ giá”.

“Xứ trời” trong huyền thoại

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Trên những ruộng lúa Séng Cù, Bắc Thơm số 7, Hương Việt, Hana, Đài Thơm 8, vai gẫy, nếp nương, nếp cẩm, tẻ đỏ… ở cánh đồng Mường Thanh, mùi hương lúa mới phảng phất trong không gian, tôi đứng lặng, nghe lòng mình hòa cùng hơi thở của đất, của nước, của những con người đã đổ máu để đất này mãi mãi xanh tươi.

Người Thái có câu: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Trong đó, Nhất Thanh chính là cánh đồng Mường Thanh, vựa lúa lớn nhất Tây Bắc, nơi đất đai màu mỡ, sông suối dồi dào, quanh năm bội thu. Đối với người dân nơi đây, cánh đồng này không chỉ là nguồn sống, mà còn là một phần của những truyền thuyết xa xưa.

Ông Lò Văn Bun ở đội 6, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Tú Thành.

Ông Lò Văn Bun ở đội 6, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Tú Thành.

Người già trong bản kể rằng, thuở khai thiên lập địa, có một người khổng lồ tên Ải Lậc Cậc đã đi khắp vùng Tây Bắc, dùng đôi tay vạm vỡ “xẻ núi, mở sông”, tạo nên những thung lũng phì nhiêu. Cánh đồng Mường Thanh chính là vết cày cuối cùng của ông, nơi đất trời giao hòa, nơi “hạt mầm sinh sôi từ lòng đất mẹ”.

Tôi gặp ông Lò Văn Bun ở đội 6, xã Thanh Xương, một người nông dân Thái đã gắn bó cả đời với những mùa lúa Điện Biên. Ông cúi xuống vốc một nắm đất bùn, lòng bàn tay chai sạn nắm chặt hạt phù sa màu mỡ, giọng trầm ngâm:

“Mường Thanh là ‘Xứ trời’, đất không phụ lòng người. Đất này gieo lúa là trổ bông, cày cấy là cho mùa. Nhưng hạt gạo hôm nay có được đâu chỉ nhờ đất, mà còn nhờ bao nhiêu mồ hôi, xương máu…”.

Câu nói của ông làm tôi bất giác nhớ đến câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Những hạt gạo Điện Biên không chỉ kết tinh từ phù sa dòng Nậm Rốm, mà còn thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của những con người kiên cường.

"Lòng chảo" Mường Thanh trong mưa bom lửa đạn

Nhưng Mường Thanh không chỉ có màu xanh của lúa, mà còn từng “đỏ lửa” trong mưa bom, bão đạn. Ngày 20/11/1953, khi những bông lúa vẫn còn dập dờn trong nắng, bầu trời bỗng chốc bị xé toang bởi tiếng động cơ gầm rú. Quân Pháp nhảy dù tái chiếm Điện Biên, biến nơi đây thành một pháo đài kiên cố, một "cái bẫy thép" mà chúng tin không ai có thể xuyên thủng.

Suốt 56 ngày đêm, nơi đây trở thành “tấm khiên” hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn. Những ruộng lúa xanh non bị cày nát dưới làn đạn, mặt đất rực cháy như một cơn giận dữ của chiến tranh. Nhưng dưới những giao thông hào, những chiến sĩ vẫn kiên cường, từng tấc đất là một bước tiến, từng khóm lúa đổ rạp là một người lính ngã xuống.

Chiều 7/5/1954, lá cờ 'Quyết chiến - Quyết thắng' của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Ngày 7/5/1954, từ chính cánh đồng này, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm De Castries. Tiếng hò reo vang vọng khắp thung lũng, nhưng giữa niềm vui vỡ òa, bao người đã mãi mãi nằm lại nơi đây, máu của họ đã nhuộm đỏ những gốc lúa còn xanh…

Mường Thanh hôm nay

Sau chiến tranh, những cánh đồng bị bom cày nát đã hồi sinh. Khi chưa có công trình đại thủy nông Nậm Rốm, khu vực lòng chảo Điện Biên chỉ có thể canh tác khoảng 200-300 ha lúa 1 vụ. Lương thực không đủ phục vụ nhân dân, phải trông chờ hoàn toàn vào trợ cấp của Trung ương.

Đến năm 1969, công trình đại thủy nông Nậm Rốm được hoàn thành. Việc đưa vào khai thác công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển sản xuất, phát triển thủy sản, thâm canh tăng vụ từ 1 vụ lên 2 vụ lúa và trồng cây vụ đông.

Nhờ đó năng suất lúa tăng từ 20 tạ/ha lên trên 60 tạ/ha; diện tích tưới tiêu khu vực vùng lòng chảo Điện Biên được mở rộng từ 2.000 ha lên đến gần 6.000 ha. Những kênh dẫn nước uốn lượn như “dòng sữa mẹ” nuôi dưỡng từng thửa ruộng.

Ngôi nhà sàn của cụ Lò Văn Hặc ở Đội 11, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Ảnh: Tú Thành.

Ngôi nhà sàn của cụ Lò Văn Hặc ở Đội 11, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Ảnh: Tú Thành.

Trở lại chuyện cánh đồng Mường Thanh. Đây là nơi đồng bào dân tộc Thái coi là “kho lúa” khổng lồ giữa trời Tây Bắc. Không chỉ nổi tiếng về diện tích mênh mông, cánh đồng còn mang đến cho đồng bào nơi đây những hạt gạo thơm ngon đặc biệt. Gạo được trồng ở cánh đồng Mường Thanh có hạt nhỏ, dài, hương thơm đặc trưng, khi nấu chín cơm trắng, dẻo ngọt và có vị đậm đà.

Theo bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên, vùng đất này đang nắm giữ nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng đặc sản gắn liền với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác bản địa. Trong đó, cây lúa tiếp tục khẳng định vai trò là cây trồng chủ lực, “xương sống” của nền nông nghiệp tỉnh.

Năm 2024, tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh cho thu hoạch ước khoảng 54.200 ha, sản lượng ước đạt 209.000 tấn. Trung bình mỗi năm, Điện Biên cung ứng ra thị trường khoảng 60.000 tấn gạo, tương đương 30% tổng sản lượng sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, đảm bảo an ninh lương thực cho toàn vùng.

Chiều muộn, tôi đứng giữa cánh đồng Mường Thanh, hít hà hương lúa mới, cảm nhận từng làn gió mang hơi thở của đất, của nước, của lịch sử.

Chợt nghĩ, Mường Thanh hôm nay có khác gì một chiến sĩ Điện Biên năm xưa, mạnh mẽ, kiên cường, dù trải qua bao đau thương vẫn không gục ngã.

Và nếu có ai hỏi rằng đất Điện Biên đã nuôi lớn điều gì, tôi sẽ trả lời: “Mường Thanh không chỉ trồng lúa, mà còn trồng lên những ký ức, những giấc mơ và cả một lịch sử hào hùng”.

Hạt gạo Điện Biên, không chỉ là thứ thực phẩm nuôi sống con người, mà còn là chứng nhân lịch sử, mang trong mình cả những ký ức đau thương và hào hùng của một thời bom rơi, đạn xé.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/dinh-vi-gia-tri-gao-dien-bien-bai-1-hat-ngoc-tren-canh-dong-bom-min-d743894.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm