Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”(1). Tiếp nối tư tưởng đó, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn(2). Điều này cho thấy văn hóa không chỉ là di sản tinh thần mà còn là cốt lõi cho sự phát triển và trường tồn của đất nước, là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, định vị Việt Nam trên bản đồ thế giới. Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh quốc gia, cần phát huy tối đa giá trị văn hóa và con người Việt Nam, biến văn hóa thành động lực thúc đẩy cho sự phát triển bền vững. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI(3).
Trên thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc quảng bá văn hóa ra thế giới, góp phần nâng cao nhận diện thương hiệu quốc gia. Trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, như tổ chức các sự kiện quốc tế, sản xuất sản phẩm văn hóa, bảo tồn và phát huy di sản, giao lưu văn hóa - nghệ thuật. Những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam ngày càng được lan tỏa, giúp nâng cao sự nhận biết về đất nước, thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Mặc dù vậy, Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức và các hạn chế trong công tác khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa trên con đường định vị thương hiệu quốc gia.
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng thương hiệu quốc gia qua ngoại giao văn hóa
Hình ảnh thương hiệu quốc gia là bức tranh tổng hòa phản ánh bản sắc, vị thế và khát vọng của một đất nước. Đây không chỉ là cách các nước xuất hiện trước cộng đồng quốc tế, mà còn là công cụ chiến lược giúp định vị quốc gia trên bản đồ thế giới. Một thương hiệu quốc gia được xây dựng bài bản, dựa trên những giá trị độc đáo và khác biệt, không chỉ tạo ấn tượng mạnh mẽ với công chúng nước ngoài mà còn gia tăng lợi thế cạnh tranh kinh tế, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Do đó, thương hiệu quốc gia phải được xác định rõ ràng, phản ánh những giá trị tinh thần cao đẹp cùng truyền thống của dân tộc, đồng thời thực hiện vai trò gắn kết cộng đồng, tạo động lực để xã hội cùng hướng đến mục tiêu phát triển chung(4). Một đất nước chưa xây dựng được hình ảnh thương hiệu quốc gia đậm nét thường gặp nhiều thách thức trong hoạt động đối ngoại, làm suy giảm hiệu quả hợp tác quốc tế. Ngược lại, việc xây dựng và triển khai chiến lược thương hiệu quốc gia một cách bài bản sẽ giúp gia tăng ảnh hưởng, thúc đẩy hội nhập và phát triển bền vững. Để đạt được điều này, mỗi quốc gia cần có một chính sách tổng thể, đồng bộ, bảo đảm tính nhất quán trong việc truyền tải thông tin và hình ảnh quốc gia đến cộng đồng quốc tế. Các chiến lược này cần được thực hiện có hệ thống, liên tục và nhấn mạnh vào các thông điệp cốt lõi nhằm củng cố nhận diện thương hiệu quốc gia trên quy mô toàn cầu(5).
Về bản chất, thương hiệu quốc gia chính là sự kết tinh của sứ mệnh và chiến lược phát triển đất nước, bao gồm cả phương diện văn hóa. Theo mô hình Nation Brands Index của Simon Anholt - người sáng lập khái niệm “thương hiệu quốc gia” - hình ảnh của một quốc gia trong mắt cộng đồng quốc tế chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó văn hóa đóng vai trò là một trụ cột quan trọng(6). Văn hóa là yếu tố phản ánh rõ nét nhất bản sắc dân tộc, giúp phân biệt một quốc gia này với quốc gia khác, đồng thời tạo ra sức hút lâu dài.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định việc định hình thương hiệu quốc gia thông qua ngoại giao văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu: “Nâng cao hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam, giới thiệu rộng rãi hình ảnh quốc gia Việt Nam trên toàn thế giới, văn hóa Việt Nam có những đóng góp mới được ghi nhận trong đời sống văn hóa quốc tế”(7). Trên cơ sở đó, các chiến lược và chương trình hành động đã được triển khai nhằm biến văn hóa thành một công cụ mềm giúp nâng cao vị thế đất nước, đồng thời xây dựng hình ảnh một Việt Nam khác biệt, hấp dẫn. Trong đó, Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 đặt mục tiêu sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao để củng cố quan hệ quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc và phát triển kinh tế, xã hội. Một trong số đó là hoạt động xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia thông qua các giá trị văn hóa của dân tộc, như di sản, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, âm nhạc, thời trang…, nhằm tạo dựng một hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, có bản sắc độc đáo và cởi mở trong hội nhập(8).
Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, việc quảng bá bản sắc văn hóa thông qua các hoạt động đối ngoại đã tạo tiền đề cho việc khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, ngoại giao không chỉ đóng vai trò huy động sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, mà còn là một mặt trận đấu tranh quan trọng nhằm khẳng định chủ quyền dân tộc. Minh chứng điển hình là việc sử dụng trang phục áo dài truyền thống như một phương tiện truyền tải thông điệp về bản sắc quốc gia. Hình ảnh nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình - Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris - trong tà áo dài truyền thống đã trở thành biểu tượng của một Việt Nam kiên cường, độc lập và tự chủ(9). Sự xuất hiện của đồng chí Nguyễn Thị Bình trong những cuộc đàm phán quan trọng không chỉ gây ấn tượng bởi lập luận sắc bén mà còn bởi hình ảnh đậm chất Việt Nam mà bà đại diện. Tà áo dài nền nã, giản dị nhưng không kém phần trang nghiêm giúp bà thể hiện sự bình tĩnh, bản lĩnh và tinh thần bất khuất của một dân tộc đang đấu tranh vì tự do. Điều này giúp củng cố vị thế của Việt Nam trên bàn đàm phán, đồng thời tạo sự kết nối mạnh mẽ với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao sự đồng thuận và ủng hộ từ các quốc gia khác. Bên cạnh Hội nghị Paris, hình ảnh nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình với áo dài còn xuất hiện tại các sự kiện quốc tế quan trọng, như Đại hội Thanh niên Sinh viên quốc tế tại Phần Lan (năm 1962), hay Đại hội Phụ nữ thế giới tại Moscow (năm 1963), góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam có bản sắc văn hóa riêng, nổi bật giữa bối cảnh chính trị quốc tế đầy biến động.
Từ những tiền đề này, đến nay, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều hoạt động quảng bá thương hiệu quốc gia có lồng ghép yếu tố văn hóa vào các hoạt động đối ngoại, các chương trình nghị sự quốc tế, tạo điều kiện để hình ảnh đất nước được quảng bá rộng rãi. Minh chứng rõ nét cho điều này là việc sắp xếp lịch trình tham quan các di sản văn hóa quan trọng, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm… cho chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 10-2022 của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres(10). Những hoạt động này giúp nâng cao nhận thức của quốc tế về giá trị văn hóa và lịch sử của Việt Nam, đồng thời tạo dấu ấn trong quan hệ đối ngoại.
Bên cạnh đó, việc quảng bá văn hóa cũng được chú trọng song song với các mục tiêu chính trị và kinh tế trong các chuyến công du quốc tế của các lãnh đạo Việt Nam. Trong Tuần lễ cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (năm 2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết hợp quảng bá văn hóa đất nước thông qua việc tổ chức chương trình nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại ba thành phố lớn của Hoa Kỳ. Tương tự, trong chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Chính phủ (năm 2024), các chương trình giao lưu văn hóa cũng đã góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia(11). Có thể thấy, bên cạnh các thỏa thuận ngoại giao, hình ảnh Việt Nam với nền văn hóa giàu bản sắc đã được giới thiệu rộng rãi. Những hoạt động này giúp định hình Việt Nam như một quốc gia có nền văn hóa phong phú, tạo “sức mạnh mềm” để tăng cường quan hệ quốc tế. Điều này góp phần nâng cao uy tín quốc gia, đồng thời tạo thiện cảm với các đối tác quốc tế, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua các sự kiện văn hóa quốc tế cũng được đẩy mạnh. Việc Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2014 và 2019 đã góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn nỗ lực hành động vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ xã hội trên thế giới. Những hoạt động thường niên được tổ chức ở nhiều quốc gia, như: “Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội”, “Lễ hội ẩm thực văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc”, Liên hoan ẩm thực quốc tế, Lễ hội ném còn ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, Ngày “Văn hóa các dân tộc Việt Nam” hay “Những ngày Mát-xcơ-va tại Hà Nội - 2019”,“Lễ hội văn hóa Việt Nam - Đức - Oktoberfest Việt Nam 2019”,... ngoài việc quảng bá văn hóa còn giúp gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nhiều nước cũng dần định hình và đi vào hoạt động, trở thành kênh giới thiệu và giao lưu văn hóa hữu hiệu.
Việt Nam còn tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn văn hóa toàn cầu, qua đó tạo điều kiện để các giá trị văn hóa dân tộc được thế giới công nhận. Hiện nay, Việt Nam có 34 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận(12), bao gồm di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu, phản ánh sự đa dạng và chiều sâu văn hóa của quốc gia. Sự hiện diện của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế như UNESCO cũng là một minh chứng rõ nét cho việc sử dụng văn hóa để nâng cao thương hiệu quốc gia. Việc UNESCO công nhận các di sản không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam mà còn nâng cao sức hút của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định vị thế của một quốc gia có nền văn hóa lâu đời và đáng tự hào.
Thông qua ngoại giao văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với những giá trị văn hóa riêng, đặc sắc dần trở nên gần gũi hơn với cộng đồng quốc tế. Qua đó, bạn bè quốc tế có thể hiểu rõ, hiểu đúng về Việt Nam, tin tưởng vào đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam, đánh giá đúng những tiềm năng, lợi thế và sự đóng góp của Việt Nam vào tiến trình phát triển chung của khu vực, thế giới.
Giải pháp xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia của Việt Nam qua ngoại giao văn hóa trong thời gian tới
Trong bối cảnh hội nhập, để tiếp tục khai thác và phát huy giá trị văn hóa một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, cần nhìn nhận rõ những tiềm năng và cơ hội mà ngoại giao văn hóa mang lại, đồng thời xác định những thách thức cần vượt qua để tối ưu vai trò của ngoại giao văn hóa trong chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia.
Về tiềm năng, một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam chính là nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc và lâu đời với 54 dân tộc anh em, tạo nên sự đặc trưng về phong tục, tập quán, lễ hội, nghệ thuật và ẩm thực. Không chỉ vậy, hệ thống di sản văn hóa vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận cũng là một lợi thế quan trọng giúp nước ta xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa. Ngoài ra, các ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc, thời trang, thủ công mỹ nghệ,... từng bước phát triển, nếu được sử dụng hiệu quả thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa sẽ góp phần đáng kể trong việc nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia. Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ và truyền thông số cũng mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua ngoại giao văn hóa. Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, YouTube, Tiktok, Instagram,... các nội dung về văn hóa Việt Nam đến với đông đảo với công chúng quốc tế một cách nhanh chóng. Nhờ đó, hình ảnh một Việt Nam với nền văn hóa đặc trưng, đa dạng không chỉ được giới thiệu thông qua các phương tiện truyền thông truyền thống mà còn có thể lan tỏa mạnh mẽ trên không gian số, tiếp cận đa dạng nhóm đối tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế và tiềm năng, việc xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia thông qua ngoại giao văn hóa cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi bật là sự mai một của các di sản văn hóa và việc khai thác chưa hiệu quả tiềm năng văn hóa trong chiến lược thương hiệu quốc gia. Tác động của toàn cầu hóa, đô thị hóa và sự thay đổi trong lối sống của giới trẻ khiến nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, phong tục truyền thống và nghề thủ công có nguy cơ biến mất. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể như quan họ Bắc Ninh, ca trù, hát xoan tuy được UNESCO công nhận nhưng vẫn đối diện với nguy cơ mai một do thiếu nguồn nhân lực kế thừa(13). Đáng chú ý, nguồn lực đầu tư cho bảo tồn di sản vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế trong việc duy trì, phục dựng và phát huy giá trị di sản. Dù Nhà nước ta đã có chính sách đầu tư qua nhiều giai đoạn, song mức kinh phí dành cho công tác bảo tồn vẫn chưa tương xứng với quy mô và nhu cầu gìn giữ hệ thống di sản trên cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2001 - 2005: 533 di tích, được đầu tư kinh phí 518,35 tỷ đồng; giai đoạn 2006 - 2010: 1.218 di tích, kinh phí 1.510,47 tỷ đồng; giai đoạn 2011 - 2015: 1.302 di tích, kinh phí 1.436,844 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020: 471 di tích, kinh phí 245 tỷ đồng. Dẫn đến tình trạng một số di sản được quan tâm đầu tư mạnh, trong khi nhiều di sản khác chưa được khai thác hiệu quả(14).
Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, nhưng Việt Nam vẫn chưa tận dụng triệt để để biến văn hóa thành một lợi thế cạnh tranh trong quảng bá thương hiệu quốc gia. Các sản phẩm văn hóa như ẩm thực, thời trang, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh… tuy đã hiện diện trên thị trường quốc tế nhưng chưa có chiến lược phát triển bài bản để tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ như cách một số quốc gia khác đã làm, chẳng hạn Hàn Quốc với làn sóng Hallyu hay Nhật Bản với văn hóa anime, manga. Các chương trình quảng bá văn hóa quốc gia ra thế giới vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm và chưa đạt đến quy mô đủ lớn để tạo dấu ấn sâu sắc. Ngoài ra, việc thiếu kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa với du lịch, thương mại và ngoại giao khiến Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của “sức mạnh mềm” văn hóa để nâng cao hình ảnh quốc gia(15).
Nhằm phát huy tiềm năng và khắc phục những thách thức mà hình ảnh thương hiệu quốc gia qua ngoại văn hóa đang đối mặt, cần có những biện pháp kịp thời và phù hợp. Theo đó, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần xây dựng một chiến lược tổng thể, chuyên biệt về thương hiệu quốc gia dựa trên ngoại giao văn hóa. Trên thế giới, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,… đã sớm triển khai các chiến lược truyền thông để quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia một cách bài bản và quy mô, đồng thời liên tục cập nhật, điều chỉnh chính sách để phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước. Việt Nam cũng cần định hướng xây dựng một chiến lược tổng thể, trong đó lồng ghép văn hóa vào các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, công nghiệp sáng tạo và ngoại giao. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa sức mạnh văn hóa trong quảng bá thương hiệu quốc gia, mà còn tạo ra sự cộng hưởng giữa các lĩnh vực, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước. Một chiến lược rõ ràng, có trọng tâm là nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả truyền thông quốc tế, định vị hình ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới một cách chuyên nghiệp và bền vững.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong xây dựng thương hiệu quốc gia để tăng cường hiệu quả quảng bá. Trong kỷ nguyên số, công nghệ hiện đại đóng vai trò quan trọng nhằm lan tỏa hình ảnh quốc gia ra thế giới một cách nhanh chóng. Việt Nam cần tận dụng nền tảng các phương tiện truyền thông xã hội và nội dung số để quảng bá giá trị văn hóa đến công chúng toàn cầu. Đồng thời, ứng dụng công nghệ “lắng nghe dư luận” (Social Listening) để theo dõi xu hướng, phân tích phản hồi của khán giả quốc tế nhằm thúc đẩy các nội dung truyền thông theo hướng hấp dẫn và phù hợp hơn. Bên cạnh đó, việc xây dựng các câu chuyện truyền thông sáng tạo về đất nước, con người, di sản và nghệ thuật Việt Nam, kết hợp với thông điệp thương hiệu ngắn gọn, súc tích sẽ giúp nâng cao sức ảnh hưởng của thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, cần phát triển các sản phẩm truyền thông số sáng tạo, như video ngắn, phim tài liệu, đồ họa tương tác, để truyền tải bản sắc văn hóa Việt Nam một cách sinh động, dễ tiếp cận và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trên môi trường số song song với việc quảng bá thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa.
Thứ ba, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành một lĩnh vực chủ chốt, đóng góp vào việc xây dựng và khẳng định thương hiệu quốc gia. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra những mục tiêu cụ thể, trong đó, nhấn mạnh việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải gắn liền với chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia, nhằm nâng cao giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế(16). Để làm được điều đó, cần tập trung phát triển các sản phẩm văn hóa có bản sắc riêng biệt, sáng tạo và chất lượng, đồng thời ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào quá trình sản xuất và phân phối. Việc tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế sẽ góp phần khẳng định thương hiệu quốc gia và nâng cao uy tín Việt Nam. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các chính sách pháp lý, bao gồm các ưu đãi về thuế và hỗ trợ đầu tư, để tạo hành lang thuận lợi cho sự phát triển của ngành.
Thứ tư, việc đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngoại giao văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng để chiến lược ngoại giao văn hóa có thể phát huy hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Để đạt được điều này, cần xây dựng một đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao và đủ năng lực thực hiện các chiến lược văn hóa quốc gia. Các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý văn hóa, ngoại giao quốc tế và chiến lược văn hóa cần được triển khai tại các cơ sở đào tạo, học viện và trung tâm nghiên cứu. Những chương trình này cần được thiết kế theo hình thức đào tạo liên tục, giúp đội ngũ nhân lực ngoại giao văn hóa luôn được cập nhật với các xu hướng và kiến thức mới, đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa văn hóa. Ngoài ra, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức và cá nhân trong cộng đồng vào các hoạt động ngoại giao văn hóa quốc tế, thông qua xây dựng các cơ chế hỗ trợ để tạo điều kiện cho các cá nhân và tổ chức tham gia vào các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, giúp họ phát huy tài năng sáng tạo và nâng cao năng lực ngoại giao văn hóa, từ đó góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và xây dựng thương hiệu quốc gia bền vững.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, văn hóa không chỉ là bản sắc dân tộc mà còn là một công cụ chiến lược để định vị thương hiệu quốc gia. Việt Nam, với nền văn hóa phong phú, lâu đời và giàu giá trị truyền thống, sở hữu tiềm năng to lớn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa. Những thành tựu trong ngoại giao văn hóa đã góp phần nâng cao nhận diện thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thế giới, tạo dựng một hình ảnh quốc gia hấp dẫn, đáng tin cậy và giàu bản sắc. Trong tương lai, nếu tận dụng tốt sức mạnh văn hóa và có chiến lược quảng bá bài bản, Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế là một điểm đến hấp dẫn về văn hóa, mà còn xây dựng được một thương hiệu quốc gia vững mạnh, tạo ra sự khác biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Một thương hiệu quốc gia được định hình bởi văn hóa không chỉ là yếu tố then chốt để nâng cao uy tín, thúc đẩy quan hệ quốc tế, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững, giúp Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ thế giới./.
--------------------
(1) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 72
(2) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 29
(3) Xem: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Báo điện tử Chính phủ, ngày 1-2-2021, https://baochinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-102288263.htm
(4) S. Bintang & R. Basri: Conceptualisation of nation brand image, International Journal of Management Studies (IJMS), 2013, Vol.20 (2), tr. 165 - 183
(5) Oksana Biletska: Culture as a nation branding tool within the international interaction system, Culture and Arts in the Modern World, 22, 22 - 33
(6) S. Anholt: Anholt Nation Brand Index: How Does the World See America, 2005
(7) Xem: Quyết định số 40/QĐ-TTg, ngày 7-1-2016, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2016/01/40-.signed.pdf
(8) Xem: Quyết định số 210/QĐ-TTg, ngày 8-2-2015, của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=178857
(9) Trầm Hương: Ấn tượng áo dài: Những tà áo dài trên mặt trận ngoại giao, Báo Thanh niên, ngày 6-3-2017, https://thanhnien.vn/an-tuong-ao-dai-nhung-ta-ao-dai-tren-mat-tran-ngoai-giao-185643565.htm
(10) TTXVN: Tổng thư ký Liên hợp quốc thăm các địa danh văn hóa, lịch sử biểu tượng của Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân, ngày 22-10-2022, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tong-thu-ky-lien-hop-quoc-tham-cac-dia-danh-van-hoa-lich-su-bieu-tuong-cua-ha-noi-708892
(11) Thế Công, Xuân Trường: Bà Nguyễn Phương Hòa: Ngoại giao văn hóa góp phần đưa các hợp tác song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 11-2-2024, https://bvhttdl.gov.vn/ba-nguyen-phuong-hoa-ngoai-giao-van-hoa-gop-phan-dua-cac-hop-tac-song-phuong-di-vao-chieu-sau-hieu-qua-thuc-chat-20240202200307325.htm
(12) Hoàng Đạo Cương: Dấu ấn Di sản văn hóa năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025, Cổng thông tin điện tử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 26-12-2024, https://bvhttdl.gov.vn/dau-an-di-san-van-hoa-nam-2024-nhiem-vu-giai-phap-nam-2025-20241226140127504.htm#:~:text=Vi%E1%BB%87t%20Nam%20hi%E1%BB%87n%20c%C3%B3%20h%C6%A1n,danh%20v%C3%A0%2010%20di%20s%E1%BA%A3n
(13) Hà Phương: Nguy cơ thất truyền Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Báo điện tử Kinh tế & Đô thị, ngày 17-2-2023, https://kinhtedothi.vn/nguy-co-that-truyen-di-san-van-hoa-phi-vat-the-dai-dien-cua-nhan-loai.html
(14) Hoàng Đạo Cương: Phát triển kinh tế di sản ở Việt Nam: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 6-12-2024, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/dan-so-vung-bien-ao/-/2018/1028402/view_content
(15) Lê Thị Thu Hằng: “Ngoại giao công chúng trong triển khai một nền ngoại giao Việt Nam toàn diện”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 25-9-2019, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/-oi-ngoai2/-/2018/812605/ngoai-giao-cong-chung-trong-trien-khai-mot-nen-ngoai-giao-viet-nam-toan-dien.aspx
(16) Xem: Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8-9-2016, của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=186367
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/1088802/dinh-vi-thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam-qua-ngoai-giao-van-hoa.aspx
Bình luận (0)