Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những đóng góp của đồng chí Hoàng Quốc Việt với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng

TCCS - Trong lịch sử cách mạng của dân tộc ta, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) là mốc son đánh dấu sự trưởng thành của Đảng. Trong Đại hội, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những đóng góp quan trọng vào các quyết sách, chủ trương lớn của Đảng, góp phần củng cố sức mạnh toàn diện, tạo nền tảng vững chắc cho phong trào cách mạng thời kỳ kháng chiến, kiến quốc.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản27/05/2025

Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên khai sinh là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28-5-1905, tại làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xã, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Là một trong những người có công đóng góp sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo của Đảng và giai cấp công nhân, người chiến sĩ cộng sản kiên cường suốt đời đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân(1). Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, được giao nhiều trọng trách quan trọng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nêu gương sáng về đạo đức và lý tưởng cách mạng, sự trung thành với nhân dân, đất nước. Đồng chí có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp xây dựng Đảng, đấu tranh giành chính quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt đối với quá trình xây dựng và triển khai thực hiện đường lối Đại hội lần thứ II của Đảng về phát triển lực lượng cách mạng, đổi mới công tác mặt trận, công đoàn. Những đổi mới này có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy mạnh xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2-1951_Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Hoàng Quốc Việt với việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện đường lối Đại hội II của Đảng về Mặt trận dân tộc thống nhất và công tác mặt trận 

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là sau thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam có thêm nhiều thuận lợi, được sự hỗ trợ lớn từ các nước xã hội chủ nghĩa. Ở trong nước, chính quyền cách mạng được thiết lập tại nhiều vùng, với nhiệm vụ cấp thiết đưa ra đường lối, củng cố tổ chức để lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, đề ra đường lối kháng chiến, kiến quốc để tiếp tục đấu tranh giành độc lập.

Đại hội II của Đảng có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cách mạng nước ta. Đại hội đã đưa ra những quyết định then chốt nhằm củng cố các tổ chức đảng và định hướng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trình bày tại Đại hội báo cáo về “Củng cố khối đại đoàn kết để chiến thắng”. Bản báo cáo đã tổng kết những vấn đề cốt lõi về xây dựng, tổ chức và hoạt động của Mặt trận dân tộc thống nhất, khẳng định quan điểm của Đảng xem mặt trận “là một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến và kiến quốc, là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một áo giáp vững bền của Đảng”(2); đồng thời xác định, Mặt trận dân tộc thống nhất là mặt trận rất rộng rãi và mỗi ngày một mở rộng, bao gồm đủ các đảng phái, các tổ chức tiên tiến của mọi tầng lớp nhân dân, các đoàn thể đã tự nguyện công nhận sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của đảng cộng sản(3).

Đồng chí Hoàng Quốc Việt nhận định: về mặt chính trị, Đảng lãnh đạo Mặt trận dân tộc thống nhất; về mặt tổ chức, Đảng cũng chỉ là một bộ phận trong mặt trận. Do đó, khi mọi chủ trương của Đảng được đề ra, được toàn thể mặt trận tán thành thì Đảng và mặt trận đều phải thi hành mọi chủ trương đó. Đồng chí cho rằng, việc Đảng sinh hoạt và đứng trong mặt trận không những không làm cho mặt trận lu mờ mà còn đề cao vai trò chính trị của mặt trận, làm cho khối đoàn kết toàn dân tộc lớn mạnh, vững bền. Cách làm như vậy của mặt trận không làm mất uy tín của Đảng, mà làm cho vai trò lãnh đạo của Đảng được đề cao, giúp cho giai cấp tiên phong luôn đi sát với quần chúng(4). Mặt khác, báo cáo còn nhấn mạnh: “Trong khi liên minh với các đảng phái khác, không bao giờ Đảng hòa vào trong khối liên minh ấy, xóa nhòa cả tổ chức của mình... Kinh nghiệm các nước đã cho ta thấy rằng ở đâu đảng cộng sản yếu thì ở đó khó gây dựng mặt trận thống nhất; còn ở nước nào có đảng cộng sản mạnh thì thực hiện được sự liên minh giai cấp chống đế quốc thắng lợi”(5).

Báo cáo của đồng chí Hoàng Quốc Việt trình bày hệ thống, toàn diện thực trạng, nguyên nhân, chủ trương và biện pháp tăng cường củng cố, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; nghiêm khắc phê phán những quan điểm, nhận thức sai lầm, mơ hồ về chính sách, công tác tổ chức mặt trận(6). Báo cáo khẳng định: Vấn đề mặt trận, vấn đề tìm bạn đồng minh cho giai cấp công nhân là một vấn đề chiến lược cách mạng của Đảng; Mặt trận là vấn đề thời sự, công tác mặt trận phải được đặt thành vấn đề cấp thiết(7).

Báo cáo đã trình bày những những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, từ đó đề ra kế hoạch cụ thể chấn chỉnh tổ chức và công tác mặt trận trong giai đoạn quyết định của cách mạng. Đây là cơ sở để vận động các lực lượng yêu nước và tiến bộ đoàn kết chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tại Đại hội II, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là Ủy viên Bộ Chính trị. Đồng chí được phân công phụ trách công tác dân vận, là Trưởng Ban Mặt trận của Đảng, kiêm phụ trách các tiểu ban Công vận và Thanh vận, Ủy viên Ban Tổ chức, Ủy viên Ban Lào, Miên.

Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội II của Đảng về công tác mặt trận, từ ngày 3 đến 7-3-1951, Đại hội toàn quốc hợp nhất Việt Minh - Hội Liên Việt đã được tổ chức, nhằm thống nhất hai tổ chức Mặt trận Việt Minh - Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt). Mặt trận Liên Việt ra đời nhằm tạo ra một mặt trận rộng lớn hơn, quy tụ các tầng lớp nhân dân yêu nước, các đảng phái, tôn giáo và dân tộc, tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, “trông thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa, kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai “trường xuân bất lão”. Vì vậy cho nên lòng tôi sung sướng vô cùng”(8).

Sau Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương ký ngày 20-7-1954, ngày 25-10-1954, đồng chí Hoàng Quốc Việt dự họp Bộ Chính trị tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc họp bàn về những nhiệm vụ của Đảng trong tình hình mới, phân công công tác cho các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Là người phụ trách công tác dân vận, mặt trận và công đoàn, đồng chí Hoàng Quốc Việt được giao chỉ đạo triển khai chuẩn bị Đại hội Mặt trận Liên Việt. Theo đó, từ ngày 7 đến ngày 11-1-1955, Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc đã họp tại Hà Nội, do đồng chí Hoàng Quốc Việt chủ trì. Hội nghị tổng kết công tác mặt trận qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, nêu ra những nguyên tắc lớn trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận dân tộc thống nhất. Hội nghị khẳng định, cần có một hình thức tổ chức mới của Mặt trận dân tộc thống nhất cho phù hợp với nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới.

Sau một thời gian chuẩn bị, từ ngày 5 đến ngày 10-9-1955, Đại hội Mặt trận Liên Việt họp tại Thủ đô Hà Nội, nhất trí thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kế tục sứ mệnh lịch sử của Mặt trận Liên Việt trong giai đoạn mới. Đại hội thông qua Cương lĩnh 10 điểm và Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam Hoàng Quốc Việt với các nữ Anh hùng tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV (năm 1966)_Ảnh: TTXVN

Sự ra đời của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một sự kiện chính trị quan trọng, là thắng lợi to lớn của Đảng và nhân dân cả nước với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt trận trở thành ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của Mặt trận cũng gắn liền với vai trò và những hoạt động, cống hiến của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách các công tác dân vận và mặt trận của Đảng(9).

Có thể nói, sau Đại hội II của Đảng, trước diễn biến mới của tình hình cách mạng, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Mặt trận dân tộc thống nhất đã có thêm nhiều cơ sở vững chắc và rộng khắp, làm nòng cốt trong các cuộc vận động, phong trào quần chúng xây dựng và kiện toàn hệ thống chính quyền nhân dân trong cả nước cũng như các phong trào thi đua yêu nước...(10). Đồng chí không chỉ tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng, trực tiếp tham gia xây dựng chủ trương, chính sách lớn về Mặt trận dân tộc thống nhất và công tác mặt trận, mà còn là người chỉ đạo thực hiện những chủ trương, chính sách đó với tinh thần trách nhiệm cao, đầy nhiệt huyết của một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm. Chính sách mặt trận đúng đắn của Đảng và kinh nghiệm thực tiễn của đồng chí Hoàng Quốc Việt đã góp phần tích cực vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy cao độ truyền thống yêu nước của nhân dân ta, tạo ra sức mạnh đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi chỉ trong thời gian ngắn sau Đại hội II của Đảng.

Cống hiến, đóng góp của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với cách mạng giải phóng dân tộc được xếp vào hàng lãnh tụ cách mạng, nổi bật là hoạt động dân vận và mặt trận, đã được Đảng và nhân dân ghi nhận. Trong Thông tư số 26I/TW, ngày 18-5-1951 và Thông tư số 115I/TW, ngày 14-9-1954 của Trung ương Đảng, quy định việc treo cờ và ảnh các lãnh tụ cách mạng, trong số đó có ảnh đồng chí Hoàng Quốc Việt(11).

Đồng chí Hoàng Quốc Việt với phong trào công nhân và công tác công đoàn theo đường lối Đại hội II của Đảng

Tại Đại hội II, Đảng xác định tổ chức công đoàn có vai trò quan trọng trong việc tổ chức, giáo dục, động viên công nhân và các lực lượng lao động tham gia vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Công đoàn được xem là một tổ chức quan trọng giúp tập hợp sức mạnh của giai cấp công nhân, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng và phát triển kinh tế. Đại hội nhấn mạnh: Cần phát triển tổ chức công đoàn phù hợp với tình hình mới, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động và thúc đẩy sản xuất. Trong Báo cáo “Củng cố khối đại đoàn kết để chiến thắng”, đồng chí Hoàng Quốc Việt nhận định: Công đoàn là một tổ chức chính, một lực lượng cơ sở của Mặt trận dân tộc thống nhất và phải đề cao vai trò của công đoàn trong mặt trận(12).

Sau Đại hội II, Đảng ra hoạt động công khai, lãnh đạo quân và dân bước vào thời kỳ tổng phản công. Với tư cách là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Hoàng Quốc Việt thường xuyên xuống các nhà máy, xí nghiệp kiểm tra, đôn đốc cán bộ công đoàn tích cực tham gia quản lý xí nghiệp, trực tiếp động viên công nhân đẩy mạnh thi đua sản xuất, làm nhiều sản phẩm phục vụ kháng chiến. Đồng chí viết thư gửi anh chị em lao động vùng bị tạm chiếm, kêu gọi đoàn kết chặt chẽ, không phân biệt Bắc - Nam, tôn giáo, nghề nghiệp, thống nhất hành động trong từng công sở, đồn điền, hầm mỏ, đứng lên chống bắt lính, áp bức, hạ lương, cúp lương, giãn thợ, đuổi thợ, chống đế quốc Mỹ can thiệp vào Đông Dương, kéo dài chiến tranh. Đồng chí đã có nhiều chuyến thăm và kiểm tra các nơi sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài phục vụ chiến đấu, từ đó phát hiện ra nhiều vấn đề để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở tăng cường cảnh giác và kỷ luật trong sản xuất và tổ chức công tác(13).

Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (20-7-1954), đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có bài phát biểu quan trọng: “Tổng Liên đoàn lao động phải là lực lượng chính trị lớn mạnh trong cuộc đấu tranh ái quốc của toàn dân”. Bài phát biểu đã khẳng định vai trò, vị trí của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta. Thay mặt Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí kêu gọi: “Là một lực lượng chính trị lớn mạnh trong cuộc đấu tranh ái quốc của toàn dân để giành hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ, Tổng Liên đoàn coi trọng công tác sau lưng địch. Phải nhân lúc địch hoang mang mà đoàn kết các tầng lớp lao động rộng rãi, đứng lên chống địch bắt lính, chống áp bức bóc lột, ủng hộ đại biểu ta ở Hội nghị Giơnevơ và Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh”(14).

Từ sau Đại hội II của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hoàng Quốc Việt, đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn miền Bắc đã đóng vai trò to lớn trong việc tiếp quản các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, nhất là bảo vệ các cơ sở sản xuất, các nhà máy, xí nghiệp cũng như trấn áp bọn phản động phá hoại. Đây là cơ sở, tiền đề cho công cuộc khôi phục phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo của đất nước. Công đoàn các cấp đã tích cực vận động công nhân, viên chức trong các nhà máy, xí nghiệp tham gia công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, cải tiến quản lý xí nghiệp, làm cho giai cấp công nhân trưởng thành về tư tưởng chính trị và rèn luyện bản lĩnh cách mạng, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và tầm hiểu biết về vai trò trách nhiệm làm chủ của mình.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã dồn nhiều công sức, trí tuệ, gắn bó với phong trào công nhân và công tác công đoàn, động viên công nhân, người lao động hăng hái tham gia kháng chiến, kiến quốc, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội II của Đảng đề ra. Đồng chí được suy tôn là “người anh cả công đoàn”(15).

Đồng chí Hoàng Quốc Việt với nhiệm vụ đoàn kết quốc tế và công tác đối ngoại phục vụ kháng chiến, kiến quốc theo đường lối Đại hội II của Đảng

Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng đã xác định: “Kháng chiến Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cuộc đấu tranh vĩ đại của nhân dân toàn thế giới chống bọn đế quốc gây chiến và bảo vệ hòa bình cho nhân loại. Mặc dầu khó khăn trở ngại còn nhiều, dân tộc Việt Nam quyết làm trọn nghĩa vụ quốc tế của mình”(16). Riêng đối với cách mạng của ba nước Đông Dương, Báo cáo “Củng cố khối đoàn kết để chiến thắng” do đồng chí Hoàng Quốc Việt trình bày tại Đại hội đã đề ra chủ trương: Thành lập khối liên minh kháng chiến của ba dân tộc, xây dựng Mặt trận thống nhất Việt - Miên - Lào. Đây là một trong những quyết sách quan trọng của Đại hội nhằm tập hợp lực lượng kháng chiến, chống lại âm mưu chia rẽ của kẻ thù và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác toàn diện giữa ba nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, góp sức vào công cuộc bảo vệ nền dân chủ và hòa bình thế giới.

Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức dâng hương trước Tượng đài đồng chí Hoàng Quốc Việt_Ảnh: kiemsat.vn

Ngày 11-3-1951, Mặt trận thống nhất Việt - Miên - Lào được thành lập, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “chia để trị” của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, tăng cường sức mạnh đoàn kết giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Ủy ban Liên minh Nhân dân Việt - Miên - Lào được thành lập với sự tham gia của các lãnh đạo tiêu biểu như Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Minh Giám (Việt Nam); Xuphanuvông, Nuhắc Phunxavẳn (Lào); Sơn Ngọc Minh, Tuxamut (Campuchia). Đây là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố sự đoàn kết giữa ba dân tộc Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Trong đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố Mặt trận thống nhất Việt - Miên - Lào. Với tư cách là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, đồng chí tham gia vào các cuộc đàm phán và trao đổi với các nhà lãnh đạo cách mạng Lào và Campuchia, góp phần xây dựng chiến lược cách mạng chung, thúc đẩy tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa ba nước, đặt cơ sở vững chắc cho sự liên minh, đoàn kết chiến đấu lâu dài, toàn diện giữa ba dân tộc trong những giai đoạn tiếp theo.  

Bên cạnh đó, thực hiện tinh thần đoàn kết quốc tế theo đường lối Đại hội II của Đảng, với vai trò Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có nhiều hoạt động đối ngoại tích cực, góp phần quan trọng trong việc vận động sự hỗ trợ về vũ khí, tài chính và đào tạo cán bộ từ các nước bạn, giúp Việt Nam củng cố lực lượng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngay sau Đại hội II của Đảng, từ tháng 7 đến 12-1951, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đi thăm hai nước Trung Quốc và Triều Tiên, nhằm cổ vũ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của bạn, củng cố và thắt chặt quan hệ giữa ba nước, trao đổi, học tập lẫn nhau, góp phần đẩy mạnh cao trào chống chủ nghĩa đế quốc ở châu Á. Chuyến đi này do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu đã thắt chặt thêm tình hữu nghị, sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa ba nước có chung mục tiêu, lý tưởng, chung một chiến hào Việt Nam - Trung Quốc - Triều Tiên. Chuyến thăm thực sự trở thành chuyến trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ mà các bạn dành cho ta(17).

Đồng chí Hoàng Quốc Việt tham gia nhiều hội nghị quốc tế, đặc biệt là các hội nghị của Liên hiệp Công đoàn thế giới, tranh thủ sự ủng hộ của phong trào công nhân quốc tế đối với cuộc đấu tranh của Việt Nam. Tháng 11-1951, đồng chí Hoàng Quốc Việt tham dự Đại hội Liên hiệp Công đoàn thế giới tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Từ diễn đàn Đại hội, đồng chí đã có bài phát biểu lên án những hành động can thiệp ngày càng gia tăng của đế quốc Mỹ vào Việt Nam. Bài phát biểu đã làm cho bạn bè quốc tế ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, lên án hành động xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 

Những đóng góp của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong công tác đối ngoại đã giúp nâng cao vị thế của Việt Nam, tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong lịch sử cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đại hội II của Đảng là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Đảng về mọi mặt. Đại hội đã tổng kết một bước quan trọng về lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, là sự tiếp tục bổ sung và phát triển Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng, chuẩn bị mọi điều kiện để đưa cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn, đặt cơ sở cho việc hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, kiến thiết nước nhà. Trong đó, những đóng góp của đồng chí Hoàng Quốc Việt tại Đại hội II của Đảng đã giúp củng cố sức mạnh của Đảng và tạo nền vững chắc cho phong trào cách mạng trong thời kỳ kháng chiến, kiến quốc./.

-------------------------------

(1) Xem: Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Lễ truy điệu đồng chí Hoàng Quốc Việt, Báo Nhân Dân, ngày 31-12-1992.
(2), (3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 12, tr. 186.
(4), (5), (6), (7) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 204, 211, 187, 215
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 47.
(9) Xem: Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Hoàng Quốc Việt - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 247 - 253.
(10) PGS, TS Trần Minh Trưởng: “Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Tấm gương người cộng sản kiên trung, mẫu mực”, in trong kỷ yếu Hội thảo khoa học kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt và 60 năm ngày thành lập Ngành Kiểm sát nhân dân, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 57 - 65.
(11) Xem: Chương trình sưu tầm viết tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Hoàng Quốc Việt - Tiểu sử, Sđd, tr. 226.
(12) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 202
(13), (14) Xem: Chương trình sưu tầm viết tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Hoàng Quốc Việt - Tiểu sử, Sđd, tr. 244, 245
(15) Xem: TS Đinh Ngọc Quý: “Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”, in trong kỷ yếu Hội thảo khoa học kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt và 60 năm ngày thành lập Ngành Kiểm sát nhân dân, Sđd, tr. 70
(16) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 153
(17) Xem: Chương trình sưu tầm viết tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Hoàng Quốc Việt - Tiểu sử, Sđd, tr. 232 - 237.

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/1088302/nhung-dong-gop-cua-dong-chi-hoang-quoc-viet-voi-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-ii-cua-dang.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm