Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

TCCS - Chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sớm hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử của đất nước trên con đường thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản26/05/2025


Phát huy vai trò quan trọng của hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng, góp phần tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

Trải qua 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã lập nên nhiều kỳ tích lịch sử trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (giai đoạn 1930 - 1975),  bước vào thời kỳ thống nhất, hòa bình, đổi mới (giai đoạn 1975 - 2025). Hiện nay, đất nước ta đã hội đủ điều kiện để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên của phát triển bứt phá, tăng tốc để xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn thịnh, hạnh phúc.

Những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong thời gian qua khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sự đoàn kết thống nhất, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đây cũng là minh chứng thể hiện sự đúng đắn của Đảng trong hoạch định đường lối đối ngoại. Trong đó, hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng với tinh thần tiên phong, tích cực và chủ động đã góp phần quan trọng giữ vững nền quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Trong những năm qua, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, xác định định hướng, chủ trương lớn về hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng(1). Các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng luôn chủ động, tích cực nghiên cứu, đánh giá tình hình, xác định đúng đối tác, đối tượng và mục tiêu, phương châm hợp tác để kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước về những quyết sách quan trọng. Qua đó, giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề chiến lược liên quan đến tình hình quân sự, quốc phòng, biên giới lãnh thổ và quan hệ hợp tác quốc phòng với các quốc gia, bảo đảm không để bị động, bất ngờ.

Hợp tác quốc phòng song phương được triển khai đồng bộ, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, củng cố lòng tin chính trị, duy trì quan hệ hữu nghị với các quốc gia, giải quyết hiệu quả vấn đề biên giới, lãnh thổ; bảo vệ và duy trì an ninh, an toàn trên các tuyến biên giới của Tổ quốc. Đến nay, Việt Nam đã mở rộng và thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 quốc gia, bao gồm cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả cường quốc trên thế giới. Nhiều văn bản quan trọng về hợp tác quốc phòng được ký kết, triển khai hiệu quả, như tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng, bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương, nghị định thư, chương trình và kế hoạch hợp tác dài hạn 3 năm, 5 năm,... Các văn kiện trên đã thực sự làm sâu sắc thêm quan hệ quốc phòng, củng cố niềm tin chính trị và nâng cao hiệu quả hợp tác với tất cả đối tác trong các lĩnh vực. Các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia(2); giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia; cuộc gặp thường niên giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia và diễn tập chung Quân đội 3 nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia về cứu hộ, cứu nạn, quân y,... góp phần tăng cường quan hệ quốc phòng theo hướng gắn bó, đoàn kết, hữu nghị và sự tin cậy với các nước láng giềng, bảo đảm vững chắc vành đai an ninh trực tiếp của đất nước.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Thượng tướng Đổng Quân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc tham dự chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 9_Nguồn: vietnamnet.vn

Cùng với đó, hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược với các quốc gia, tổ chức quốc tế, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề lợi ích cốt lõi của quốc gia. Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ động tham gia diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Đối thoại Shangri-La, Hội nghị An ninh Quốc tế Mát-xcơ-va, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh,...); chủ trì thành công nhiều hoạt động hợp tác thiết thực, tích cực cử lực lượng tham gia hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN; chủ động, linh hoạt vận động hợp tác và thúc đẩy triển khai cam kết với đối tác trong hỗ trợ khắc phục hậu quả, đồng thời phối hợp tìm kiếm quân nhân mất thông tin, mất tích trong chiến tranh. Kể từ năm 2014, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử trên 1.100 lượt quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các phái bộ của Liên hợp quốc, bao gồm cả hình thức cá nhân, đơn vị và tại trụ sở Liên hợp quốc. Năm 2023, Bộ Quốc phòng cử lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ; năm 2025, các lực lượng cứu nạn do động đất tại Mi-an-ma thể hiện sự chủ động, trách nhiệm cao và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ Liên hợp quốc, nhân dân Mi-an-ma và cộng đồng quốc tế.

Hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ củng cố tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội tinh nhuệ, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thông qua chương trình hợp tác đào tạo, huấn luyện với quân đội nước ngoài và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi, trải nghiệm và cọ xát trong môi trường quốc tế, từ đó tích lũy kinh nghiệm, nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của đất nước và quân đội trong mắt bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, thông qua hợp tác về mua sắm, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tham gia triển lãm quốc phòng quốc tế, chúng ta có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, thúc đẩy hợp tác chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại; tăng cường khả năng tự sản xuất vũ khí, trang bị công nghệ cao, nâng cao tiềm lực quốc phòng. Đặc biệt, trong các năm 2022 và 2024, Bộ Quốc phòng đã tổ chức rất thành công hai kỳ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam, thu hút sự tham gia đông đảo lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân đội các nước và hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp quốc phòng lớn trong và ngoài nước tham quan, trưng bày tại triển lãm, từ đó tạo dựng niềm tin cho nhân dân về khả năng, tiềm lực quốc phòng của đất nước.

Nâng tầm hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới

Thế giới hiện nay đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn chưa từng có với nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định, nhưng “hoà bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan”(3). Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm, phân cực trong quan hệ quốc tế bộc lộ rõ hơn, kéo theo vấn đề lôi kéo, tập hợp lực lượng. Xu hướng đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn giữa các quốc gia tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần tôn trọng hòa bình, luật pháp và trật tự quốc tế. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, như tội phạm xuyên quốc gia, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng, biến đổi khí hậu,... ngày càng diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ đến từng quốc gia, khu vực và toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải cùng chung tay, góp sức ứng phó.

Trong nước, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(4). Từ một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, bị bao vây, cô lập, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194/200 quốc gia, xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện hơn 30 quốc gia (tính đến ngày 12-3-2025, Việt Nam có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 12 quốc gia(5)) và tham gia tích cực trong hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế... Tuy vậy, đất nước ta phải đối mặt với không ít rào cản, thách thức lớn từ ảnh hưởng chung từ tình hình, diễn biến của cục diện thế giới, khu vực, tình hình Biển Đông, sự duy trì hợp tác và sử dụng nguồn nước sông Mê Công, nhiệm vụ đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống,... Cùng với đó, các thế lực thù địch tăng cường chống phá nước ta với âm mưu, thủ đoạn mới, ngày càng công khai, trực diện hơn. Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, ngày càng cách mạng, chính quytinh nhuệ, từng bước hiện đại, hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng đặt ra yêu cầu mới ngày càng cao. Theo đó, để nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng nói riêng. Đây vừa là giải pháp quan trọng có tính quyết định, vừa là yêu cầu trong lãnh đạo, quản lý nhiệm vụ kết hợp giữa ngoại giao với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn nhiệm vụ tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh và đối ngoại, bám sát tinh thần định hướng của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương tại phiên họp lần thứ 12 của Quân ủy Trung ương. Triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ hợp tác theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Xác định độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn liền với đoàn kết, hợp tác quốc tế là vấn đề quan trọng hàng đầu trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Gắn hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng với chiến lược tổng thể của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, chủ động hóa giải, xử lý từ sớm, từ xa nguy cơ xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng lòng tin, tận dụng hiệu quả biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mặt khác, cần kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”(6) trong quan hệ quốc tế.

Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan với người dân địa phương_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thứ hai, trên nền tảng truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của ngoại giao Việt Nam, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng cần đạt được các mục tiêu cơ bản sau: 1- Là kênh để vừa hợp tác, vừa đấu tranh, góp phần ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, giảm thiểu thách thức an ninh phi truyền thống, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; 2- Tăng cường mở rộng quan hệ quốc phòng - an ninh với các quốc gia, tổ chức và định chế quốc tế, bảo đảm các quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; gia tăng mức độ gắn kết lợi ích chiến lược, nâng cao vị thế của đất nước và Quân đội, khai thác hiệu quả nguồn lực bên ngoài để củng cố thế và lực của nền quốc phòng toàn dân; 3- Kiến tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình hội nhập toàn diện của đất nước trên các lĩnh vực khác; duy trì môi trường quốc tế ổn định và thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tích cực đóng góp vào bảo vệ hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

Thứ ba, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng, xây dựng lòng tin, tạo thế cân bằng chiến lược, tránh đối đầu và không để bị lôi kéo vào cạnh tranh chiến lược, tập hợp lực lượng của các cường quốc. Tiếp tục củng cố, tăng cường và chủ động giải quyết quan hệ quốc phòng với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Trong quá trình triển khai, phải kiên định các vấn đề mang tính nguyên tắc, như chủ quyền lãnh thổ, độc lập, tự chủ và lợi ích quốc gia, đồng thời linh hoạt trong cách ứng xử, chủ động trong xác định “đối tác” và “đối tượng” để vừa hợp tác, vừa đấu tranh, gia tăng hợp tác mà không dẫn đến xung đột hay đối đầu, tránh bị cô lập hoặc rơi vào tình thế phải “chọn phe”, “chọn bên”. Chú trọng hiệu quả thực chất trong hợp tác quốc phòng, thường xuyên rà soát và thúc đẩy triển khai thỏa thuận hợp tác với các nước mà Việt Nam đã tham gia, tập trung vào lĩnh vực trọng điểm; duy trì và phát huy cơ chế tham vấn, đối thoại; tăng cường hợp tác đào tạo, hợp tác quân, binh chủng, kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng, an ninh biển, nghiên cứu chiến lược, khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, quân y, gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc... Đẩy mạnh đối ngoại biên giới, nâng cao hiệu quả cơ chế và hình thức giao lưu hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị và phát triển. Chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác kỹ thuật - quân sự, kết hợp thương mại quân sự với chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, qua đó giúp nâng cao khả năng tự sản xuất, ứng dụng quy trình quản lý và sản xuất tiên tiến, từ đó thúc đẩy hiện đại hóa vũ khí, trang bị và nâng cao khả năng tác chiến của Quân đội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.

Tiếp tục thúc đẩy và nâng tầm hợp tác và hội nhập quốc tế đa phương về quốc phòng theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ học hỏi sang dẫn dắt, từ hội nhập toàn diện sang hội nhập sâu rộng, thực chất và chủ động tham gia xây dựng, đề xuất sáng kiến tại các diễn đàn hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế, coi đây là cơ hội để tăng cường hiểu biết, tin cậy, hợp tác giải quyết vấn đề phát sinh và phòng ngừa xung đột, thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực cũng như toàn cầu. Tiếp tục đẩy mạnh tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động, đồng thời kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích khu vực và quốc tế, góp phần bảo đảm sự ủng hộ quốc tế, đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc xử lý thách thức an ninh khu vực và toàn cầu; nâng cao vị thế và uy tín, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam, chính sách quốc phòng và hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” đến cộng đồng quốc tế.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng để bảo đảm cao nhất yêu cầu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở để triển khai hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng chặt chẽ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan, lực lượng có liên quan, phát huy sức mạnh tổng hợp của ngành ngoại giao và của hệ thống chính trị; trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đơn vị trong Quân đội và giữa các cơ quan, đơn vị Quân đội với cơ quan, lực lượng chức năng của ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược, phân tích, đánh giá, nhận định tình hình, nhất là vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, đường lối đối ngoại và sự phát triển của đất nước, tạo sự thống nhất trong đánh giá và xác định chủ trương. Đẩy mạnh triển khai quan hệ đối ngoại; phát huy vai trò, tính đặc thù, phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của mỗi kênh đối ngoại, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, tạo thành sức mạnh tổng hợp; phát huy hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo tình hình và trao đổi học thuật tham vấn quốc phòng.

Thứ năm, tích cực đổi mới cơ cấu, tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng ngang tầm nhiệm vụ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng vừa hồng, vừa chuyên, có bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tâm huyết; có năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ; khả năng thích ứng linh hoạt, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, am hiểu về đối ngoại và hợp tác quốc tế, truyền thống, phong tục, văn hóa, luật pháp các nước sở tại...

Đất nước ta đang tự tin, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để tiếp tục phục vụ đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng phải tích cực, chủ động vươn lên tầm cao mới, tiếp tục khẳng định vai trò là bộ phận quan trọng của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

-----------------------------

(1) Nghị quyết số 34-NQ/TW, ngày 9-1-2023, của Bộ Chính trị, “Về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII”; Kết luận số 53-KL/TW, ngày 28-4-2023, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 24-1-2025, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế trong tình hình mới”; Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW, ngày 26-2-2024, của Quân ủy Trung ương, “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”,...
(2) Năm 2022, Việt Nam tổ chức Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia lần thứ nhất (15-5-2022); năm 2024, Việt Nam tổ chức Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 8 (ngày 11 - 12-4-2024) và Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 2 (22 - 23-10-2024)...
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 105
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 25
(5) Xem: Thông tấn xã Việt Nam: “12 nước có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam”, ngày 12-3-2025, https://www.vietnamplus.vn/12-nuoc-co-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-voi-viet-nam-post1020114.vnp
(6) Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/1087802/hop-tac-va-hoi-nhap-quoc-te-ve-quoc-phong-cua-viet-nam-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm