Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 cả nước
Giai đoạn 2021 - 2024, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cao là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thái Nguyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo báo cáo, Tỉnh ủy đã ban hành 5 chương trình hành động; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 15 Nghị quyết; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 10 Quyết định, 11 Kế hoạch và nhiều văn bản liên quan khác về giáo dục, đào tạo, con người Thái Nguyên. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Thái Nguyên cũng là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước (sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Đại học Thái Nguyên là đại học vùng, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề vùng Trung du và miền núi phía Bắc; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng.

Đại học Thái Nguyên đã chỉ đạo các trường đại học thành viên nghiên cứu mở các ngành công nghiệp bán dẫn, Vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin, AI & Big Data… phục vụ nhu cầu xã hội; tăng cường số lượng, chất lượng cán bộ cho một số ngành mới, những ngành mũi nhọn của vùng. Đồng thời, tuyển chọn, đào tạo cán bộ trẻ để từng bước xây dựng và hình thành đội ngũ theo hướng có những tập thể khoa học mạnh, tạo nên mũi nhọn trong đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng.
Chính sách thu hút chưa hấp dẫn
Mặc dù tỉnh và các đơn vị như Đại học Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách nhưng công tác thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay chưa thu được nhiều kết quả, cả số lượng lẫn chất lượng.

Nguyên nhân được chỉ ra là chế độ chính sách đãi ngộ của Thái Nguyên nhìn chung chưa cao và chưa hấp dẫn so với các tỉnh, thành phố khác và khu vực tư nhân. Việc đãi ngộ chủ yếu dừng ở trợ cấp lương theo ngạch bậc, phụ cấp và trợ cấp ban đầu, chưa có lộ trình phát triển nghề nghiệp cho đối tượng được thu hút. Tỉnh cũng chưa có các chính sách về nhà ở, hỗ trợ phương tiện đi lại hay những chính sách ưu tiên cho thân nhân người được thu hút như các thành phố lớn, doanh nghiệp tư nhân và đặc biệt từ doanh nghiệp nước ngoài đang đóng trên địa bàn tỉnh.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh mặc dù được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tuy nhiên sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất, đến nay nhiều thiết bị đã lạc hậu, chưa theo kịp nhu cầu đào tạo của thị trường lao động, nhất là các nghề chất lượng cao và công nghệ mới. Việc xã hội hóa nguồn lực tài chính để đầu tư đổi mới trang thiết bị phục vụ đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu đào tạo nhân lực tay nghề cao…

Từ thực tiễn địa phương, ngoài các giải pháp của tỉnh, Thái Nguyên kiến nghị Chính phủ sớm ban hành khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ, làm cơ sở để các tỉnh, thành phố thống nhất quy định chế độ trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện để trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh. Trong đó tập trung bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức khi chuyển giao phát minh, sáng kiến và khuyến khích đội ngũ trí thức tích cực cống hiến.
Xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp…
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thích ứng với thay đổi cơ cấu lao động
Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Quốc hội thành những văn bản cụ thể để chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đoàn giám sát khẳng định, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên thời gian qua có đóng góp đặc biệt quan trọng của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việc lựa chọn Thái Nguyên là đơn vị trực tiếp giám sát như là một trong những hình mẫu của trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội để xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các thành viên Đoàn giám sát ấn tượng với một số chính sách của Thái Nguyên, nhất là chính sách hỗ trợ người học tiếng Anh, qua đó nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, giáo viên và người lao động. Quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực; tỷ lệ lao động qua đào tạo từng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra…
Nêu ra một số thách thức trong phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Thái Nguyên quan tâm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục nghề nghiệp để cung cấp lao động tại chỗ cho các doanh nghiệp, phục vụ học tập suốt đời, thích ứng với thay đổi cơ cấu lao động. Trong bối cảnh công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh chóng, tỉnh cần nghiên cứu, phân tích rõ điểm mạnh, điểm yếu, khó khăn, thách thức để có giải pháp đào tạo nhân lực phù hợp…
Theo Báo cáo, hiện nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Thái Nguyên là 685.347 người, trong đó số lao động có việc làm là 682.357 người (dữ liệu phần mềm cập nhật đến ngày 9.1.2025). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã khoảng 200.000 người (chiếm 33,5% tổng số lao động có việc làm).
Số lượng lao động qua đào tạo tăng qua các năm, nhưng chủ yếu là lao động được đào tạo ngắn hạn. Lao động làm việc trong các khu công nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có trình độ trung cấp. Lao động phổ thông tập trung làm việc tại các doanh nghiệp là công ty vệ tinh của Tập đoàn Samsung.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/doan-giam-sat-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-lam-viec-voi-ubnd-tinh-thai-nguyen-post408895.html
Bình luận (0)