Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp sẵn sàng các phương án ứng phó với điều chỉnh giá điện

Mức tăng giá điện lần này đã được nhiều doanh nghiệp dự báo và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó tác động.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp13/05/2025

Chú thích ảnh
Hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Từ ngày 10/5, mỗi kWh điện có giá hơn 2.204 đồng theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,8%. Mức tăng này tương tự hồi tháng 10/2024. Mức tăng giá lần này đã được nhiều doanh nghiệp dự báo và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó tác động.

Theo đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam (TKV), việc tăng giá điện là quy luật tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng; đồng thời, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính cho ngành điện hoạt động bền vững. Việc tăng giá sẽ giúp mọi người dân sử dụng điện có trách nhiệm hơn. Khi giá điện tăng, các cơ sở sản xuất ít nhiều sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí, tối ưu các dây chuyền hơn để vận hành tiết kiệm; đồng thời cũng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang các dạng năng lượng tái tạo tự dùng như điện mặt trời mái nhà.

Ngành than là ngành tiêu thụ khá lớn về điện cho sản xuất khai thác than khi sản xuất ngày một xuống sâu và sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến. Mặc dù phải chịu tác động của nhiều chi phí đầu vào khác, nhưng tăng giá điện được xem là không tránh khỏi. Điều này nằm trong dự tính và doanh nghiệp cũng đã tính đến việc tăng giá điện. Dù đã tự chủ một phần lượng điện sản xuất, nhưng lượng tiêu thụ điện mua ngoài của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ tính toán để cơ cấu lại sản xuất, tối ưu hơn để tiết giảm chi phí. Đồng thời, thực hiện đẩy mạnh hơn tiết giảm chi phí, sử dụng điện hiệu quả hơn.

Phản ánh thực trạng, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, đến thời điểm này chưa thấy ý kiến đưa lên từ các doanh nghiệp thành viên. Tuy nhiên, liên quan tới tăng giá điện thì hầu hết các đơn vị luôn xây dựng phương án ứng phó, tự điều chỉnh sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, đang là giai đoạn phục hồi của số đông doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; được hiểu là doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn sau những biến cố trải qua do thị trường, do áp lực cạnh tranh hay những tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế địa chính trị... Vì lẽ đó, việc tăng giá điện cần có lộ trình phù hợp hoặc chọn thời điểm sao cho tránh rơi vào giai đoạn cao điểm sử dụng điện như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, tăng giá điện ở mức 4,8% chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, nhưng không gây tác động quá lớn. Giá điện đang chiếm khoảng 20 - 30% trong cơ cấu giá thành phẩm. “Khi giá điện tăng, chi phí tác động cũng chỉ chưa đến khoảng 5% và điều này là có thể chấp nhận. Nhưng không thể chủ quan, bản thân các doanh nghiệp cũng phải thay đổi quy trình sản xuất, nỗ lực hơn để nâng cao công nghệ sản xuất, từ đó mới có thể tiết kiệm điện năng”, ông Kết cho biết.

 

Ở góc độ nghiên cứu, PGS, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích: Việc điều chỉnh giá điện là cần thiết. Doanh nghiệp và người dân cần triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện. Ngành điện lực thực hiện các biện pháp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, như giảm chi phí thường xuyên, chi phí sửa chữa, vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy điện có chi phí thấp, huy động tối đa nguồn điện giá rẻ.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện các biện pháp kiểm soát giá chặt chẽ, tránh hiện tượng "té nước theo mưa" trong việc tăng giá điện. Đặc biệt, việc thông tin truyền thông phải đảm bảo thông tin một cách hiệu quả, rõ ràng về các chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo và hộ chính sách.

“Mọi điều chỉnh giá điện, dù là nhỏ, đều cần đặt trong tổng thể cân bằng giữa mục tiêu thị trường, khả năng chi trả của người dân -doanh nghiệp và yêu cầu chuyển dịch năng lượng”. Do đó, cần một chiến lược năng lượng công bằng, minh bạch và hiệu quả, song song với việc công khai cấu trúc giá điện và chi phí đầu vào theo từng loại hình (thủy điện, than, khí, năng lượng tái tạo...) để tạo điều kiện giám sát xã hội.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh lộ trình thị trường điện cạnh tranh, nhất là thị trường bán buôn và tiến tới bán lẻ, nhằm tăng tính minh bạch và giảm độc quyền; phát triển hạ tầng truyền tải – lưu trữ và ưu tiên đầu tư điện tái tạo nội địa, nhất là điện gió ngoài khơi, thủy điện nhỏ và điện mặt trời áp mái kết hợp lưu trữ, Chuyên gia Ngô Trí Long khuyến nghị.

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/doanh-nghiep-san-sang-cac-phuong-an-ung-pho-voi-dieu-chinh-gia-dien/20250512114614133


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm