Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xóa bỏ “lợi ích nhóm” trong xây dựng chính sách để kinh tế tư nhân phát triển

Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân đã khẳng định quan điểm mạnh mẽ của Bộ Chính trị về việc xóa bỏ mọi rào cản đang kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Hà Nội MớiHà Nội Mới13/05/2025

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong khẳng định: “Lợi ích nhóm” trong xây dựng và thực thi chính sách khiến một số nhóm người được hưởng lợi nhưng nhân dân, doanh nghiệp thì bị phiền hà. Quan điểm xóa bỏ “lợi ích nhóm” được nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TƯ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

- Nghị quyết số 68- NQ/TƯ có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đã ra đời trong bối cảnh, một số mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân chưa đạt như kỳ vọng. Sau gần 40 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã đạt được những kết quả to lớn, tuy nhiên, một số mục tiêu chưa đạt như kỳ vọng, như phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ thể chế "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Vì vậy cần "gỡ điểm nghẽn thể chế” để không lỡ thời cơ phát triển của đất nước, của khu vực kinh tế tư nhân.

pgsts-pham-minh-anh-.jpg
PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Ảnh: Nguyên Anh

Thêm vào đó, chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân nhằm đạt được mục tiêu phát triển của kỷ nguyên mới.

- Nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đề cập việc xóa bỏ các rào cản, tháo gỡ điểm nghẽn cho khu vực kinh tế tư nhân. Ông có thể phân tích rõ hơn về các nhóm rào cản này?

Theo tôi, có 3 nhóm “rào cản” lớn.

Thứ nhất, là rào cản trong tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò kinh tế tư nhân. Thực tế cho thấy, ở đâu đó vẫn xuất hiện những suy nghĩ về việc xem nhẹ, thậm chí có những định kiến về kinh tế tư nhân, cho rằng kinh tế tư nhân thực hiện kinh doanh để mang lại lợi nhuận cho cá nhân, không đóng góp nhiều cho sự phát triển chung của xã hội.

Suy nghĩ này cần được loại bỏ ngay, vì thực tế minh chứng, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước với khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.

Thứ hai, là xóa bỏ rào cản trong tiếp cận đất đai, vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ chế chính sách ưu đãi cho kinh tế tư nhân. Theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, có đến gần 73% doanh nghiệp cho biết họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Rào cản thứ ba cần xóa bỏ liên quan đến thủ tục hành chính, giấy phép con. Mặc dù chúng ta đã có nhiều lần rà soát, xóa bỏ những “giấy phép con” gây cản trở sự gia nhập thị trường, hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên “rào cản” này vẫn còn hiện hữu khiến một số doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí hủy bỏ kế hoạch kinh doanh, gây lãng phí cả về thời gian, nguồn lực và cơ hội kinh doanh.

- Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đã thể hiện sự đột phá về tư duy, cơ chế, chính sách, đồng thời phá vỡ những “rào cản”, khơi thông “điểm nghẽn” thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, ông có nghĩ như vậy?

Đúng vậy. Đầu tiên phải kể đến đột phá tư duy về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như trước đây, Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 3-6-2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế" thì đến Nghị quyết số 68- NQ/TƯ đã có một bước tiến quan trọng khi khẳng định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, doanh nhân là những người "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế".

Thứ hai, là đột phá về cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Thay vì siết chặt, chúng ta nới lỏng “đầu vào” như thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

dntn-2.jpg
Sản xuất máy tự động tại Công ty cổ phần Công nghệ thiết bị Tân Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Quang Thái

Thứ ba là đột phá trong tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn. Để phá vỡ “rào cản” về tiếp cận đất đai, Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đã quy định mỗi một địa phương phải dành ra một quỹ đất tương ứng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, với diện tích khoảng 20ha, hoặc tối thiểu là 5% quỹ đất đã được đầu tư hạ tầng, để dành riêng cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”.

Thứ tư, là đột phá về chính sách thuế, lệ phí, Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đã khẳng định: “Xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026, bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập”.

Cuối cùng là đột phá về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đã khẳng định: Đối với các vụ việc liên quan đến dân sự, hành chính và kinh tế, sẽ ưu tiên sử dụng các biện pháp xử lý về hành chính. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và coi đây là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

- Bộ Chính trị quyết tâm xóa bỏ lợi ích nhóm trong xây dựng và thực thi chính sách. Điều này tác động thế nào đến môi trường đầu tư, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, thưa ông?

Theo tôi, “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thực thi chính sách sẽ gây thiệt hại to lớn cho lợi ích chung của quốc gia. Một số nhóm người được hưởng lợi nhưng nhân dân, doanh nghiệp thì bị phiền hà, tốn kém, gây cản trở sự gia nhập thị trường và mở rộng đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

dntn-3.jpg
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam. Ảnh: Quang Thái

Vì vậy xóa bỏ “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thực thi chính sách có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân. Khi đó, tất cả các cơ chế, chính sách được xây dựng, thực hiện dựa trên tinh thần: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; mọi chính sách được thiết kế ra phải xoay quanh việc phục vụ, kiến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển.

- Với vai trò là Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, ông nhận thấy Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đặt ra yêu cầu gì trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ?

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 68-NQ/TƯ, cần thay đổi tư duy của cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế, chuyển từ “thụ động phục vụ nhân dân” sang “chủ động phục vụ nhân dân” và loại bỏ tư duy “không quản lý được thì cấm” - một tư duy an toàn nhưng kìm hãm sự phát triển.

Thứ hai, cuộc chiến thuế quan nếu được áp dụng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân. Thực tế này đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ nội dung đào tạo, bồi dưỡng để mỗi cán bộ quản lý kinh tế có thể sẵn sàng thích ứng và có những biện pháp hữu hiệu để ứng phó với sự thay đổi.

Cuối cùng, cần đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phải theo hướng bám sát nhu cầu để sau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ được giao và cũng là cơ sở để so sánh với “đầu ra” sau đào tạo, bồi dưỡng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn: https://hanoimoi.vn/xoa-bo-loi-ich-nhom-trong-xay-dung-chinh-sach-de-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-702061.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm