Lễ hội rước Chúa gái làng Vi - làng Trẹo
Dân đua nhau rước Vua về ăn Tết
Thôn Trẹo, xã Hy Cương và thôn Vi, xã Chu Hóa (cùng ở TP Việt Trì) là nơi kề sát chân núi trung tâm Nghĩa Lĩnh đã chung tay xây dựng Đền Hùng với quy mô ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ. Lễ hội làng He (tên tục xưa của 2 thôn Vi và thôn Trẹo) có hoạt động rước Vua Hùng về ăn Tết rất độc đáo.
Truyền thuyết kể rằng, vào một ngày cuối năm, Vua Hùng thứ 18 lên núi Nghĩa Lĩnh hạ chiếu: “Vận họ Hùng đến đây đã mạt, ta không có con trai nối nghiệp, chỉ có hai người con gái đều lấy chồng xa cả. Ta buồn lắm, lại thêm quốc nạn xảy ra. Chúa Thục đêm ngày ngạo mạn, mưu toan cướp cơ nghiệp của ta. Hiện y đã tiến đánh vùng Cổ Loa. Gần đây y lại tiến đánh thêm vùng Bồ Sao, Hương Chàm, cách kinh thành không xa lắm. Ta lấy làm lo lắng, phải giao cho con rể là Tản Viên Sơn (tức Nguyễn Tuấn) ở lại giữ kinh thành.
Ta lên Nghĩa Lĩnh, vốn là nơi thuở xưa ông cha ta đã truyền dấu tích biết rằng là nơi hiểm địa nhưng yên ổn và có thể đặt cơ sở được".
Chiếu sắc được ban ra vào dịp gần cuối năm.
Nghe tin, cùng một lúc dân chúng của hai làng kéo đến ra mắt, muốn mời Vua về làng mình ăn Tết. Đức vua hỏi là dân ở đâu, một cánh thưa:
- Chúng con ở Sông Thao.
Cánh kia thưa, chúng con ở sông Lô. Đức vua phán:
- Ta cảm ơn tất cả, nhưng chỉ có một mình, không thể về cả hai bên được. Về với bên nọ mất lòng bên kia. Nay ta truyền rằng, vào lúc giữa đêm nay, bên nào ta nghe có tiếng gà gáy, chó cắn gần hơn, thì ta về phía bên đó ăn Tết.
Dân hai làng bái chào ra về. Ngay đêm hôm ấy, cánh dân ở làng He, sông Thao bàn nhau cấp tốc mang tre, lá vào chân núi hạ trại, đem theo một số trai tráng có vũ khí thô sơ tự vệ cùng mấy con gà trống khỏe, mấy con chó. Đúng nửa đêm, trêu chó cắn, cù vào cổ gà để chúng đua nhau gáy.
Sáng ra, đức vua sai người xuống hỏi đây là đâu? Người dân thưa:
- Chúng con là dân làng He Sông Thao.
Các lạc tướng về tâu đức vua. Đức vua phán:
- Thế thì ta về với làng He, sông Thao ăn Tết với dân, để thực hiện lời hứa.
Cuộc hành trình bắt đầu, các quan võ cưỡi ngựa hồng đi trước. Các quan văn cưỡi ngựa bạch đi sau. Vua thì cưỡi voi đen đi giữa. Đoàn quân đi đến tràng đính (đình rước vua) thấy dân chúng tụ tập, cờ quạt rợp trời. Chợt gió nổi lớn, xoay hẳn hướng bay của cờ quạt. Thấy vậy, dân làng xúm lại chắp tay mời đức Vua xuống voi, lên kiệu để dân rước về làng. Từ đó nơi này có tên là đồi Rước Vua. Khi rước vua vào nhà, người dân treo một chiếc giường lên cao để vua ngự (gọi là giường bầu), còn các quan thì ngự hai bên. Hôm ấy là ngày 25 tháng chạp.
Thấy ngày đã trưa, mặt trời sắp đóng ngọ mà vẫn chưa nấu nướng được gì vì bộ phận đồ tể nô nức rủ nhau đi xem dân làng đón vua, vui quá quên mất việc làm thực phẩm. Các cụ già và chức sắc bàn nhau:
- Giờ trưa quá rồi, mổ bò, mổ lợn thì lâu quá, làng ta hãy mau thịt mấy con gà làm cơm dâng vua ăn tạm. Gạo nếp đã ngâm sẵn đem đồ xôi.
Thế là bữa cơm hôm ấy, vua cùng đại diện dân làng uống rượu, ăn xôi với thịt gà. Khi ăn, dân trình bày lý do với vua. Vua bảo: "Ta về đây ăn Tết với dân còn lâu. Ăn thế này là được rồi, không nên làm cỗ to quá. Trong dịp Tết này, người dân cố gắng tập cho thuần thục các bài hát xoan, hát đúm, những trò chơi khôi hài, bách nghệ để giải trí; còn ta sẽ báo tin cho con gái về đây ăn Tết với ta cho đỡ buồn”.
Đến hôm 26 Tết, công việc đã ổn định, dân bàn nhau mổ lợn làm cỗ, nấu chè kho, chuối tiêu, cam sành, mía ram; ăn xong, uống trà ngũ vị. Mãi đến ngày 30 Tết vẫn ăn như thế. Đêm 30 Tết, có tin báo công chúa đã đến, nhưng đêm qua không hiểu tại sao công chúa Ngọc Hoa bị lạc trong rừng, quân gia phải đi tìm mãi mới thấy. Công chúa hoảng hốt, lo sợ giữa rừng khuya, tự nhiên cấm khẩu.
Khi đức vua nghe được tin, lập tức truyền dạy: “Tất cả mọi người mau kiếm cho mình một thứ dụng cụ đã hỏng như cày gãy, cuốc cùn, dao, liềm sứt mẻ đem ra nơi công chúa nghỉ, hò hát nhảy múa lung tung, gây trò vui nhộn xem sao”. Dân làng vâng lời làm theo. Kết quả, công chúa tỉnh dần. Trông thấy đám dân làng say mê ca hát, nhảy múa lung tung, công chúa bật cười và vui vẻ trò chuyện như thường. Dân làng hò reo đón công chúa về làng ăn Tết cùng Vua cha.
Diễn trò cho Vua vui
Đêm 30 Tết, khoảng giữa đêm, dân làng làm cỗ có thịt gà, xôi, chè, chuối dâng vua (gọi là giao thừa đón xuân). Đến mùng 2 Tết lại mổ lợn. Đức Vua bảo lấy một ít thịt trộn với đỗ xanh làm nhân bánh, dân làm theo cho nên gọi là lợn hèm. Mùng 4 Tết, sáng sớm người dân tổ chức chọn một số thiếu niên tập trung sang đồng Dâu, cởi trần ra để chạy thi cướp cờ. Khi cởi áo ra, mọi người xuýt xoa vì rét. Vua bảo: "Các ngươi hãy quây lại vật nhau cho đỡ rét”. Vua vừa dứt lời, dân làng lập ra các đội trai tráng, xếp thành hàng ngang, khi có hiệu lệnh thì cùng chạy lại nơi cắm lá cờ thi, ai nhanh chân tới đích trước, đội nào có người cướp được cờ là thắng cuộc (vô địch) nên gọi là “chạy địch”.
Tiếp đó, cả làng kéo nhau đến nhà ông đăng cai (người được dân làng chọn để phục vụ tế lễ) mang 2 con lợn đen tuyền thả ra nơi rộng thoáng bên ruộng cạnh làng. Dân chúng vây quanh, lấy chiêng trống đánh lên làm vui và quần cho lợn mệt không chạy được (gọi là tục quây lợn), rồi đem lợn về trình với đức Vua xin phép để mổ (gọi là tỉnh sinh)...
Đêm mùng 5 Tết, dân làng đem lúa, mía và xôi đến khoe với vua là năm qua được mùa; rồi đem gói xôi vào lá buộc chặt vào (gọi là cùa). Buộc lúa vào thành từng nắm để trình với Vua vào tối mùng 6 Tết làm vui (cũng gọi là trình trò). Tối mùng 6 Tết, dân chọn ra mấy con gà trống to béo đến trình vua, khoe là chăn nuôi tốt như thế, rồi xin phép mang giết (gọi là sủ gà). Lại đồ xôi nấu chè, đặt chuối vào mâm mang dâng Vua. Khi ăn uống xong, trai gái trong làng đem những gánh lúa, ngọn mía ra để gánh lên vai xếp thành hàng ngang, chạy đi chạy lại, reo hò, hòa với chiêng trống để làm vui, sau đó mang ra cho voi, ngựa của vua ăn.
Sang ngày mùng 7 Tết, dân làng tổ chức ăn Tết lại, đến trưa mang cờ xí, hương án vào đình, ứng trực đèn hương. Ông chủ tế mật khẩn, chờ khi nào gió đông xoay hướng cờ bay về phía làng thì chuẩn bị rước Vua về Nghĩa Lĩnh. Dân làng một mặt cử người làm cỗ tế, mặt khác chờ tối đến cho trai gái trong làng lại đem những đồ nghề nhà nông ra chạy nhảy reo hò như hôm trước. Có khác là hôm ấy trong khi làm trò, trai gái làm những động tác ưỡn ẹo, va chạm nhau, cười đùa thỏa chí. Sau đó, mọi người xô vào cướp lấy mang về lấy khước (cho nên gọi là trò tùng rí).
Đến hôm sau, mùng 8 Tết, đức Vua trở về kinh đô, dân làng hoan tiễn, giết gà đồ xôi để dâng Vua, đồng thời hóa voi, ngựa bằng đồ vàng mã (gọi là tống tiệc).
Theo các thư tịch cổ và các bậc cao niên trong làng kể lại, những tình tiết rước vua về ăn Tết vẫn được dân làng diễn xướng trong các lễ hội hằng năm. Do biến cố của lịch sử, trong suốt thời gian dài, lễ hội rước Vua về ăn Tết đã bị thất truyền.
Năm 2011, chính quyền địa phương cùng người dân tổ chức phục dựng lễ hội, để lại trong tâm thức người dân quanh vùng những ấn tượng tốt đẹp về một lễ thức và hội hè truyền thống độc đáo của con cháu các Vua Hùng. Đến nay, lễ hội rước Vua Hùng về làng ăn Tết vẫn là sinh hoạt văn hóa độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam.
VĂN THANH
Nguồn: https://baohaiduong.vn/doc-dao-le-hoi-ruoc-vua-hung-ve-an-tet-408525.html
Bình luận (0)