
Tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Nội vụ đặt vấn đề Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các quốc gia về nghỉ hưu trước tuổi và kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn.
Cơ quan soạn thảo dẫn chứng một số nước quy định nghỉ hưu ở tuổi 60 - 65 song có chế độ nghỉ hưu sớm khi công chức đã đảm bảo số năm công tác, muốn tập trung kinh doanh, chăm sóc bố mẹ già, con cái. Ngược lại, họ kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 75 với một số lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn cao, cố vấn, chuyên gia.
Tại Trung Quốc, công chức nghỉ hưu khi đến tuổi hoặc bị mất hoàn toàn khả năng lao động. Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi là người đã làm việc 30 năm; cách tuổi nghỉ hưu do nhà nước quy định dưới 5 năm, làm việc đủ 20 năm và một số trường hợp khác quy định cụ thể.
Công chức hành chính Nhật Bản nghỉ hưu ở tuổi quy định là 60 và không quá 65 tuổi với người làm công việc đặc thù, khó bổ sung nhân sự. Công chức bảo vệ tòa nhà chính phủ và nhân viên kỹ thuật là 63 tuổi, nhân viên y tế là 65 tuổi. Quy định này không áp dụng đối với công chức tạm thời, người được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ và người làm việc bán thời gian.
Bộ trưởng ở Nhật Bản có quyền kéo dài thêm một năm công tác với công chức đã đến tuổi nghỉ hưu, gia hạn một lần sau khi thống nhất với Hội đồng Nhân sự quốc gia. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng có quyền tái tuyển với người đã nghỉ hưu một năm dựa trên kết quả công việc của người đó trước hưu trí.
Ở Thái Lan, công chức nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi và có thể phục vụ chính phủ tới 70 tuổi với vị trí kỹ thuật hoặc các nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng cá nhân có thể tiếp tục phục vụ Chính phủ tới 70 tuổi.
Tuổi nghỉ hưu của công chức Pháp là 67 và có thể kéo dài tới 70 - 75 tuổi. Nếu gia đình có người khuyết tật hoặc có con hy sinh cho đất nước thì được giảm một năm với mỗi con. Công chức nghỉ hưu được nhận danh hiệu danh dự theo cấp bậc hoặc công việc của mình với điều kiện công tác ít nhất 20 năm.
Còn tại Việt Nam, tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức Việt Nam thực hiện theo Bộ luật Lao động hiện hành. Cụ thể tuổi tăng theo lộ trình mỗi năm 3 tháng với lao động nam, 4 tháng với lao động nữ trong điều kiện làm việc bình thường cho tới khi nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, lao động bị trừ 2% tỷ lệ hưởng.
Lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn song không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu. Người bị suy giảm khả năng lao động, làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt có khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp nhưng không quá 5 tuổi so với quy định hiện hành.
Dự án Luật Cán bộ, công chức sửa đổi sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.
Cả nước có khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng. Khảo sát người cao tuổi Việt Nam năm 2022 cho kết quả nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.
T.H (theo VnExpress)Nguồn: https://baohaiduong.vn/tham-khao-keo-dai-tuoi-nghi-huu-cong-chuc-mot-so-linh-vuc-toi-70-409563.html
Bình luận (0)