Dốc toàn lực đưa cao tốc trục ngang về đích.mp3
Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ đang phối hợp chặt chẽ giải quyết vướng mắc về mặt bằng và vật liệu, quyết tâm đưa cao tốc trục ngang về đích trong năm 2026, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương còn vướng về mặt bằng nhanh chóng giải quyết trong tháng 3-2025.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có chiều dài hơn 188km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỉ đồng, được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 qua tỉnh An Giang dài 57km; dự án thành phần 2 qua thành phố Cần Thơ dài 37,4km; dự án thành phần 3 qua tỉnh Hậu Giang dài 36,7km và dự án thành phần 4 qua tỉnh Sóc Trăng dài khoảng 58,4km. Tiến độ cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án trong năm 2027.
Theo Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã hoàn thành 99%. Hiện còn một vị trí trạm dừng nghỉ trên địa phận thành phố Cần Thơ, 2 hộ dân tại tỉnh Sóc Trăng chưa bàn giao mặt bằng; còn 15 vị trí cột điện cao thế đang tổ chức di dời.
Về tiến độ thi công, tính đến ngày 15-3, sản lượng thực hiện của dự án thành phần 1 và 3 đạt lần lượt là 46% và 35% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng yêu cầu về sản lượng. Còn dự án thành phần 2 chỉ đạt 25% giá trị hợp đồng, chậm 15% và dự án thành phần 4 đạt 25% giá trị hợp đồng, chậm 8% so với kế hoạch.
Về nhu cầu cát đắp nền đường, hiện nay dự án thành phần 1 đã đưa về công trường khoảng 3,4/9,3 triệu m3 cát. Dự án thành phần 2 đã đưa về công trường 1,2/7 triệu m3. Dự án thành phần 3 đã đưa về công trường 1/6 triệu m3. Riêng dự án thành phần 4 hiện đã đủ điều kiện khai thác 6,6 triệu m3 từ các mỏ cát sông trong tỉnh Sóc Trăng nhưng do công suất khai thác không đảm bảo nên dự kiến đến tháng 6-2025 chỉ khai thác được khoảng 3,3 triệu m3, phần còn lại tỉnh Sóc Trăng dự kiến sử dụng cát biển. Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng kiến nghị, xem xét cho phép sử dụng rộng rãi cát biển đối với các vùng nhiễm mặn, khu vực không có sản xuất nông nghiệp, như: khu vực đô thị, khu dân cư không phải thí điểm mở rộng và sử dụng cát biển qua rửa mặn đối với các vùng khác để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu ở ĐBSCL.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét sớm giao khu vực biển Tiểu khu B1.4 để địa phương khai thác phục vụ dự án. Bộ Xây dựng tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn, phối hợp cùng địa phương thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, tiến độ cho toàn bộ dự án. Tỉnh Sóc Trăng cam kết sẽ thực hiện và giải ngân hết số vốn năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao. Về tiến độ triển khai dự án, địa phương đảm bảo theo các mốc thời gian nêu tại Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25-7-2022 của Chính phủ.
Còn ông Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến nay đạt 46,73%, vượt khoảng 0,29% tiến độ theo kế hoạch. Tiến độ giải ngân của dự án đến nay được 276,2/3.449 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 8%.
Cũng theo ông Hồ Văn Mừng, tỉnh An Giang đã bàn giao mặt bằng 100%, tập trung giải pháp cung ứng cát, đá cho dự án cao tốc. Tỉnh yêu cầu các nhà thầu triển khai thi công “3 ca, 4 kíp”, lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra đôn đốc các nhà thầu. Đồng thời chủ động tháo gỡ vướng mắc về nguồn cát, đảm bảo cung cấp trực tiếp cho công trình. Tỉnh phấn đấu trong năm 2025 thực hiện hoàn thành dự án thành phần 1 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Riêng, đối với khó khăn về trữ lượng cát, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ, nâng công suất khai thác 5% nguồn cung vật liệu, cùng các giải pháp thi công sẽ đẩy nhanh đảm bảo tiến độ.
Còn tại Hậu Giang, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phối hợp cùng các đơn vị thi công, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Tỉnh có 2 giải pháp đẩy nhanh quá trình thi công. Thứ nhất, lãnh đạo tỉnh làm việc với An Giang, Bến Tre để hỗ trợ nguồn cát. Đối với gói thầu số 1 của tỉnh Hậu Giang còn khoảng 400.000m3 cát, tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với tỉnh An Giang để được hỗ trợ. Thứ hai, về nguồn cát cho gói thầu số 2, tỉnh đã làm việc với tỉnh Bến Tre. Hiện, Bến Tre đã tiến hành khảo sát và sẽ tiếp tục hỗ trợ để Hậu Giang có nguồn vật liệu cát phục vụ thi công cao tốc.
Ông Trần Văn Huyến còn cho biết thêm, tỉnh đã làm việc với tỉnh An Giang, Đồng Nai để đảm bảo về nguồn vật liệu đá. Riêng tiến độ thực hiện dự án đi qua địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, động viên các lực lượng thi công trên công trường. Bên cạnh đó, phát động các đợt thi đua cao điểm ngắn ngày để động viên, khích lệ công nhân, kỹ sư thi công tuyến cao tốc.
“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục cùng với nhà thầu kiểm tra, đôn đốc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngày 13-3 vừa qua, Binh đoàn 12 đã tổ chức lễ phát động thi đua cao điểm đẩy nhanh tiến độ. Thực hiện theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, nhanh nhất khoảng tháng 10, để có thời gian gia tải. Tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ các nhà thầu tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, tuyên truyền để bà con nhân dân ủng hộ”, ông Trần Văn Huyến nhấn mạnh.
Các nhà thầu tập trung thi công “3 ca 4 kíp”, phấn đấu hoàn thành dự án cao tốc trục ngang ĐBSCL trước kế hoạch đề ra.
Đại diện các nhà thầu đang thi công dự án cho biết, một số khó khăn như nguồn cung vật liệu, đặc biệt là cát và đá vẫn chưa đáp ứng đủ tiến độ thi công. Ngoài ra, điều kiện thời tiết bất lợi, nền đất yếu nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị thi công, chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương vẫn quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp, huy động tối đa nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch.
Trong cuộc họp với các Bộ ngành, địa phương liên quan mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành cao tốc trục ngang ĐBSCL trong tháng 6-2026. Thủ tướng nhấn mạnh công trình đưa vào khai thác sớm sẽ mang lại hiệu quả cao, giảm chi phí. Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nói chung và của 4 địa phương có cao tốc đi qua nói riêng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, tích cực hơn, hiệu quả hơn và với tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa trong công việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc, động viên... Đồng thời, phải xem đây là một trong những công việc trọng điểm của địa phương và phối hợp với nhau nhiều hơn.
Đối với nguyên vật liệu thi công cao tốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu đến các địa phương có nguyên vật liệu để làm việc, giải quyết khó khăn về cát, đá… Đề nghị các địa phương còn vướng về mặt bằng nhanh chóng giải quyết trong tháng 3-2025. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng giải quyết vấn đề nguyên vật liệu thi công cao tốc. Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu tập trung thi công “3 ca 4 kíp”, “xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày tết”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, phấn đấu hoàn thành dự án cao tốc trục ngang ĐBSCL trước kế hoạch đề ra.
MỘNG TOÀN
Nguồn: https://baohaugiang.com.vn/xay-dung-do-thi/doc-toan-luc-dua-cao-toc-truc-ngang-ve-dich-140481.html
Bình luận (0)