Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đổi mới sáng tạo là cốt lõi để tạo đột phá cho ngành nông nghiệp

(Chinhphu.vn) –Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, thông minh và bền vững, trong đó, xác định đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là cốt lõi để tạo ra đột phá cho ngành nông nghiệp.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ17/04/2025

Đổi mới sáng tạo là cốt lõi để tạo đột phá cho ngành nông nghiệp- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy chủ trì phiên thảo luận cấp Bộ trưởng "Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững" trong khuôn khổ Hội nghị P4G

Ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Đỗ Đức Duy chủ trì phiên thảo luận cấp Bộ trưởng "Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững" trong khuôn khổ Hội nghị P4G.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, chủ đề "Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững" nhấn mạnh vai trò sống còn của đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh và hợp tác đa bên, hợp tác công - tư trong kiến tạo tương lai bền vững, công bằng cho nhân loại.

Tại Việt Nam, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số; đóng góp 12% GDP quốc gia (số liệu năm 2024).

Từ một quốc gia xuất phát điểm thấp, từng phải đối mặt với đói nghèo và khủng hoảng lương thực, Việt Nam ngày nay đã vươn lên trong nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đưa các sản phẩm nông sản có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên hạn hẹp, ước tính chỉ có khoảng 10,3 triệu ha đất có thể sử dụng trong nông nghiệp, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Không thể có một nền nông nghiệp thịnh vượng nếu nguồn tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị đe dọa, nếu đất tiếp tục suy thoái, nếu khí hậu tiếp tục nóng lên. Để giải quyết những thách thức đó, Bộ NN&MT đang từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, thông minh và bền vững, trong đó, chúng tôi xác định đổi mới sáng tạo, tập trung thực chất vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là cốt lõi để tạo ra đột phá cho ngành nông nghiệp".

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Bộ trưởng đề cập đến "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" như điểm sáng về chuyển đổi xanh.

Tất cả đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, có trách nhiệm với thiên nhiên và con người cũng như phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Chung tay vượt qua những thách thức to lớn của an ninh lương thực

Tuy nhiên, Bộ NN&MT cũng nhận thức sâu sắc rằng: không một quốc gia nào có thể đơn độc đi đến thành công trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực. Đây là một nỗ lực đòi hỏi sự chung tay hành động giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh trật tự thương mại toàn cầu đang có nguy cơ phân mảnh, khi những hàng rào thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên.

Việt Nam tin rằng, chỉ có hợp tác đa phương thực chất, trên nền tảng công bằng và tôn trọng lẫn nhau, mới giúp chúng ta cùng vượt qua những thách thức to lớn của an ninh lương thực, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, phát triển công bằng và bền vững cho mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu.

Diễn đàn P4G - với vai trò là trung tâm kết nối là không gian lý tưởng để xây dựng các sáng kiến hợp tác chung, huy động nguồn lực và chia sẻ tri thức.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, chuyển đổi hệ thống lương thực không còn là câu chuyện của từng quốc gia.

Phát biểu kết luận sự kiện, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng các ý kiến đã gợi mở ra 5 giải pháp cụ thể có thể hành động ngay.

Một là, tăng cường đầu tư cho chuyển đổi số và công nghệ xanh trong nông nghiệp, gắn với mục tiêu giảm phát thải, nâng cao năng suất và minh bạch chuỗi cung ứng.

Hai là, phát triển hệ thống tài chính xanh và thị trường carbon công bằng, hiệu quả và dễ tiếp cận cho nông dân và doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Ba là, tăng cường năng lực địa phương - từ chia sẻ dữ liệu mở, đào tạo kỹ năng số, đến chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của từng vùng và đối tượng yếu thế.

Bốn là, phát triển các mô hình hợp tác công - tư - cộng đồng (PPCP: Public-Private - Community Partnership), tận dụng thế mạnh của từng bên để chia sẻ rủi ro, đồng hành trong hành động.

Và cuối cùng là hợp tác đa phương và thực chất là con đường duy nhất để cùng nhau vượt qua các khủng hoảng lương thực, các thách thức về khí hậu, sinh kế và môi trường.

"Từ diễn đàn hôm nay, Việt Nam xin khẳng định lại: Chúng tôi cam kết tiếp tục là một đối tác hành động tích cực và trách nhiệm cùng các quốc gia, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực toàn cầu theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững", ông Đỗ Đức Duy chia sẻ với các đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam kêu gọi, chúng ta hãy cùng biến những cam kết hôm nay thành hành động cụ thể ngày mai, vì một tương lai nơi mọi người dân - từ vùng cao Ethiopia đến đồng bằng Nam Phi, từ đồng ruộng Cần Thơ - Việt Nam đến trang trại hữu cơ Ireland - đều được hưởng lợi từ hệ thống thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, công bằng, thông minh và xanh.

Hội nghị P4G (Hà Nội, 15-17/4/2025), với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm", là sự kiện cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh có quy mô lớn nhất do Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021-2026. Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ cập nhật xuyên suốt những cam kết mạnh mẽ, vai trò chủ động và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị P4G.

Thu Cúc


Nguồn: https://baochinhphu.vn/doi-moi-sang-tao-la-cot-loi-de-tao-dot-pha-cho-nganh-nong-nghiep-102250417154604106.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm