Trong tiết học Ngữ văn lớp 6 được áp dụng theo mô hình “Lớp học đảo ngược”, với nội dung là đọc hiểu văn bản, giáo viên đã giao cho học sinh tự tìm hiểu trước những thông tin liên quan đến tác phẩm. Trong giờ học, các em tự tóm tắt văn bản, liệt kê các sự việc và đưa ra những cảm nhận về nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Giáo viên không phải giảng lại những kiến thức trong bài mà chỉ giải thích rõ hơn các nội dung mà học sinh đưa ra.
Em Đinh Bảo Ngọc, học sinh lớp 6D, Trường THCS Bắc Cường cho biết: "Trước khi đến lớp, em đã chuẩn bị thông tin về tác giả của bài và về đoạn trích. Sau tiết học, em hiểu ra là mình tìm hiểu trước bài học học ở nhà sẽ rất tốt và em biết được nhiều điều về bài học hơn".
Cô Vũ Thị Như, giáo viên Ngữ văn của nhà trường cho biết thêm: "Với phương pháp “Lớp học đảo ngược”, sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, giáo viên với phụ huynh rất là lớn. Ví dụ như từ những video, bài giảng, vùng kiến thức mà giáo viên yêu cầu học sinh về nhà tìm hiểu, thì phụ huynh có thể biết con mình học ở đâu, con mình học đến đâu và đồng hành với con trong quá trình tiếp cận kiến thức".
Tiết học Ngữ văn theo phương pháp mới giúp học sinh nhanh hiểu bài hơn.
Sử dụng phần mềm đồ họa trong môn Mỹ thuật cũng là một phương pháp dạy học mới tại Trường THCS Bắc Cường. Nếu như trước đây, mỗi giờ học Mỹ thuật, học sinh cần phải chuẩn bị nhiều đồ dùng học tập. Nhưng giờ đây, chỉ với chiếc máy tính, các em đã có những trải nghiệm nghệ thuật một cách sống động và tương tác hơn.
Em Nguyễn Tuệ Minh, học sinh lớp 6E, Trường THCS Bắc Cường chia sẻ: "Chỉ với chiếc máy tính em có thể vẽ được rất nhiều bức tranh. Vẽ trên máy tính em thấy rất là thú vị, mình có nhiều ý tưởng hơn, có thể tìm hiểu nhiều hơn về môn Mỹ thuật".
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học giúp nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Bắc Cường cho biết thêm: "Các phương pháp giáo dục mới trang bị cho các em kĩ năng chủ động tiếp cận kiến thức, chủ động tìm hiểu kiến thức, vì vậy các em không bị nhàm chán; khắc phục được một số tồn tại, hạn chế của phương pháp giáo dục cũ, đó là học sinh có thể bị áp lực trong quá trình học tập. Khi sử dụng các phương pháp dạy học mới, các em được tương tác, được trao đổi, như vậy học sinh có động lực học tập hơn".
Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các bậc học, khép kín chu trình đổi mới, đòi hỏi các nhà trường tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới, giáo dục toàn diện.
Nguyễn Huyền - Lâm Thi
Nguồn
Bình luận (0)