Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đổi mới toàn diện công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN

Chiều 15/7/2025, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc với Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT). Tại đây, các định hướng chiến lược nhằm đổi mới toàn diện công tác HTQT trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và chuyển đổi số đã được đặt ra.

Bộ Khoa học và Công nghệBộ Khoa học và Công nghệ16/07/2025

Kết nối hệ sinh thái ĐMST Việt Nam với quốc tế

Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ HTQT Nguyễn Thiện Nghĩa đã báo cáo tóm tắt những kết quả nổi bật và định hướng phát triển của Vụ thời gian tới. Theo đó, sau hợp nhất, Vụ HTQT đảm nhiệm 6 nội dung cốt lõi: Xây dựng chính sách, quản lý đối ngoại, giám sát và đánh giá, huy động và quản lý nguồn lực, mạng lưới đại diện KH&CN, cơ sở dữ liệu và cải cách hành chính.

img

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc với Vụ HTQT.

Với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) của khu vực, Vụ HTQT xác định sứ mệnh là cầu nối tri thức và công nghệ. Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, HTQT không chỉ là hợp tác nghiên cứu đơn thuần, mà còn phải chủ động thiết lập các kênh kết nối với các quốc gia, tổ chức, tập đoàn công nghệ và viện nghiên cứu hàng đầu, nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, học hỏi kinh nghiệm phát triển KH&CN, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ trong nước tiếp cận thị trường toàn cầu.

Vụ cũng đã phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất trong các tổ chức quốc tế chuyên ngành, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam, thu hút nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia. Đẩy mạnh thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác số, tạo nền tảng hỗ trợ trong phát triển KHCN,ĐMST&CĐS, thúc đẩy kinh tế số, đồng thời hình thành các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Tận dụng hiệu quả mạng lưới FTA đã ký kết, thúc đẩy ký kết, triển khai các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như chuyển đổi số, kinh tế số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) với các đối tác quan trọng. Vụ đã tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số đưa sản phẩm "Make in Viet Nam" ra thế giới. Xây dựng thương hiệu và thu hút đối tác quốc tế thông qua các sự kiện lớn như Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam. Phát triển mạng lưới đối tác số toàn cầu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc tế, đồng thời phát triển hệ tri thức - Trợ lý ảo về HTQT.

img

Vụ trưởng Vụ HTQT Nguyễn Thiện Nghĩa báo cáo tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, đến thời điểm hiện nay, hoạt động HTQT cơ bản tập trung ở hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi, thảo luận về khung pháp lý quản trị công nghệ, quản trị số, kết nối đối tác cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước, lập danh sách các chuyên gia. Theo đó, ông Nghĩa nhận định rằng, không gian mới sắp tới của HTQT sẽ là: Chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ nước ngoài vào triển khai trong nước; kết nối hệ sinh thái ĐMST Việt Nam với quốc tế; kết nối vườn ươm với vườn ươm, cụm ĐMST (Innovation cluster) với cụm ĐMST, kết nối các chuyên gia nước ngoài với hệ sinh thái ĐMST trong nước; chuyển từ hài hoà tiêu chuẩn quốc tế sang chủ động tham gia định hình tiêu chuẩn quốc tế; chuyển từ cam kết bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm nước ngoài tại thị trường Việt Nam sang thúc đẩy bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm Việt Nam tại thị trường nước ngoài…

Định hình luật chơi công nghệ toàn cầu

Đánh giá bối cảnh CĐS và ĐMST đang chi phối trật tự toàn cầu, Vụ HTQT đã xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 là tham gia xây dựng các cơ chế, quy chuẩn, luật lệ công nghệ toàn cầu. Các tổ chức chủ chốt như Liên hợp quốc, ITU, WIPO, WTO, OECD, WEF, ISO, IEC… sẽ là những diễn đàn quan trọng mà Việt Nam cần hiện diện thực chất, có tiếng nói.

Vụ đề xuất thành lập nhóm công tác liên ngành gồm các chuyên gia, doanh nghiệp, viện nghiên cứu nhằm nghiên cứu, đề xuất chiến lược quốc gia trong các diễn đàn quốc tế. Song song, cần khuyến khích doanh nghiệp công nghệ lớn và startup tham gia định hình "luật chơi" bởi họ chính là đối tượng chịu tác động trực tiếp.

Một đề xuất đáng chú ý là việc thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp Việt đàm phán, mua lại công nghệ lõi, tài sản SHTT từ nước ngoài. Giải pháp bao gồm: tận dụng mạng lưới ngoại giao, xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp mục tiêu, tổ chức sự kiện kết nối, tư vấn pháp lý chuyên sâu và thiết lập quỹ hỗ trợ M&A công nghệ.

Về dài hạn, Vụ HTQT sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác với các nước công nghệ tiên tiến như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore..., đưa công nghệ thành nội dung đối thoại cấp cao gắn với ưu đãi địa chính trị.

Giai đoạn 2026 - 2030, Vụ sẽ tập trung vào 3 trụ cột: xây dựng cầu nối tri thức và công nghệ, huy động và tối ưu hóa nguồn lực quốc tế, giảm thiểu rào cản hội nhập.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ đã trao đổi về thực trạng hoạt động HTQT tại đơn vị mình, đồng thời đề xuất các hướng phối hợp với Vụ HTQT nhằm nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình, hoạt động đối ngoại. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận nhiều nội dung liên quan đến HTQT trong lĩnh vực KHCN,ĐMST&CĐS.

img

Đại diện một số đơn vị thảo luận tại buổi làm việc.

Chủ động đổi mới

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, Vụ HTQT giữ vai trò quan trọng trong xây dựng chiến lược tổng thể về HTQT của Bộ KH&CN. Trong bối cảnh Bộ mới hợp nhất, với phạm vi quản lý rộng, đòi hỏi Vụ cần thay đổi toàn diện, bài bản và chủ động hơn.

Thứ trưởng yêu cầu, Vụ khẩn trương xây dựng kế hoạch HTQT tổng thể cấp Bộ, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đánh giá toàn diện hiệu quả HTQT thời gian qua, từ đó nâng cao vai trò kết nối quốc tế trong KH&CN… Thứ trưởng nhấn mạnh, kết nối phải gắn liền với công nghệ: cần chủ động nghiên cứu, học hỏi mô hình hiện đại, mạnh dạn ứng dụng công nghệ và tận dụng AI trong triển khai công việc.

"Vai trò "gác cổng" của Vụ HTQT cần được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tuân thủ chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế. Vụ HTQT không chỉ giữ vai trò "mồi", mở ra cơ hội HTQT mới, mà còn phải làm tốt vai trò điều phối, kết nối, giám sát, thúc đẩy các đơn vị triển khai hiệu quả. Thứ trưởng cũng lưu ý, các đơn vị chuyên môn cần chủ động thực hiện HTQT trong lĩnh vực mình phụ trách, Vụ HTQT đóng vai trò đầu mối điều phối và hỗ trợ triển khai".

img

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề nghị Vụ HTQT chủ động đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, mạnh dạn luân chuyển, biệt phái ngắn hạn xuống các đơn vị để tăng cường thực tiễn, gắn kết công việc. Cán bộ HTQT phải hội nhập cả tư duy, năng lực và hành động.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, một quốc gia không thể "hóa rồng" nếu không tận dụng tinh hoa nhân loại và phát huy nội lực. Do đó, HTQT phải chuyển từ hỗ trợ sang điều phối chiến lược, thống lĩnh toàn bộ lực lượng HTQT trong Bộ. Các đơn vị là lực lượng chính, chủ động đề xuất, Vụ HTQT là đầu mối điều phối, không làm thay, mà giữ vai trò tổng hợp, kết nối, quốc tế hóa hệ sinh thái ĐMST.

Bộ trưởng chỉ rõ, trước đây, HTQT tổ chức theo địa bàn là chủ đạo, nhưng trong bối cảnh mới, cần tái cấu trúc theo công nghệ, hướng đến những lĩnh vực có tiềm năng tạo ra sản phẩm và đột phá, như AI, năng lượng, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn… Đồng thời, cần thiết lập trục kết nối ngang giữa các lĩnh vực dọc của Bộ (sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ĐMST, viễn thông...).

img

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

"Vụ HTQT cần đóng vai trò "kiến trúc sư chiến lược", xây dựng các chương trình hợp tác lớn, thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao, gắn với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đồng thời là đầu mối pháp lý về hiệp định, hợp tác đa phương, song phương, cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền rõ ràng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng giao Thứ trưởng Bùi Thế Duy trực tiếp tổ chức lại hoạt động của Vụ HTQT, sớm hoàn thiện tổ chức bộ máy. Hiện lực lượng nhân sự HTQT trong Vụ mới chiếm 20-25%, cần kết nối thêm 75% còn lại từ các đơn vị chuyên môn để tạo nên mạng lưới điều phối hiệu quả.

HTQT phải chuyển từ tác nghiệp hành chính sang chiến lược quốc gia. Từ tổ chức theo địa bàn sang tổ chức theo công nghệ, từ đơn lẻ sang kết nối liên ngành, gắn với doanh nghiệp, viện nghiên cứu, startup và tổ chức quốc tế.

Song song là cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, trao vai trò rõ ràng cho các đơn vị chuyên môn để triển khai HTQT theo lĩnh vực. HTQT phải là động lực đổi mới và là trục phát triển quốc gia.

Thay mặt Vụ HTQT, Vụ trưởng Nguyễn Thiện Nghĩa bày tỏ cảm ơn tới Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cùng lãnh đạo các đơn vị của Bộ đã quan tâm, chỉ đạo và định hướng phát triển cho Vụ trong thời gian tới. Tiếp thu đầy đủ các nhiệm vụ được Bộ trưởng giao, Vụ cam kết sẽ chủ động và nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, Vụ sẽ tổ chức lại hoạt động theo hướng mới, đóng góp hiệu quả hơn cho phát triển ngành cũng như phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

img

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ chụp ảnh cùng Vụ HTQT.

Trung tâm Truyền thông KH&CN

Nguồn: https://mst.gov.vn/doi-moi-toan-dien-cong-tac-hop-tac-quoc-te-trong-linh-vuc-khcn-197250716093504364.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm