
Lúa chất lượng cao chiếm 76,7%
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Bài (xã Thanh Oai) Nguyễn Đình Lâm cho biết, trong vụ xuân vừa qua, hợp tác xã canh tác khoảng 35ha lúa chất lượng cao Japonica, năng suất dự kiến đạt 6,5 tấn/ha, cao gần gấp đôi so với giống lúa trước đây. Không chỉ cho năng suất cao, giống lúa chất lượng cao sản xuất theo mô hình VietGAP còn bán được giá cao hơn 8-10% so với các giống lúa khác và còn giảm chi phí sản xuất. Ông Lưu Bá Tiếp ở xã Yên Lãng cũng chia sẻ, vụ xuân 2025, gia đình ông gieo trồng khoảng 3 sào lúa, trong đó giống lúa chất lượng cao chiếm 70%. Nhìn chung, các giống lúa chất lượng cao cho hiệu quả kinh tế cao: Giống J02 năng suất đạt 6,7 tấn/ha/vụ; giống lúa Bắc thơm, TBR225 đạt 6,5 tấn/ha/vụ. Qua theo dõi, lúa ít bị sâu bệnh, giảm chi phí, gia tăng giá trị sản xuất khoảng 20-30 triệu đồng/ha/năm so với lúa thường...
Đánh giá về hiệu quả của việc đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hiện nay, cơ cấu giống lúa chất lượng cao, lúa nếp và các giống lúa thuần có năng suất cao trên địa bàn thành phố tiếp tục được mở rộng diện tích sản xuất với 200 vùng trồng. Vụ xuân 2025, toàn thành phố gieo trồng gần 80.000ha lúa. Nhóm giống lúa chất lượng, lúa nếp đạt 61.081ha, chiếm 76,7% diện tích gieo cấy (tăng 3.868,7ha so với vụ xuân 2024). Các giống chủ yếu là TBR225, J02, Bắc thơm 7, HD11… Đặc biệt, các xã của huyện Ứng Hòa (cũ) có tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt 91,1%, trong đó, J02 chiếm 88% diện tích, tăng 667,1ha so với cùng kỳ năm 2024; các xã của huyện Phúc Thọ (cũ) có tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao đạt trên 90%, chủ yếu là giống lúa Hương thơm số 1.
Hà Nội đang triển khai vụ mùa, tiếp tục đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất. Thực tế cho thấy, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng an toàn, VietGAP... góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa. Cùng với đó, nâng cao được nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về hiệu quả sử dụng đất đai, giảm sử dụng phân bón hóa học, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời thay đổi thói quen canh tác cũ của người dân nhằm bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, góp phần giữ gìn, bảo vệ tài nguyên đất, nước, môi trường... Ngoài ra, nhờ đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, Hà Nội đã xây dựng, duy trì phát triển được 4 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo, 3 nhãn hiệu tập thể gạo. Qua đó khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm trên thị trường, giúp việc phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được bền vững...
Mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi
Để mở rộng diện tích sản xuất, đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Vân Đình) Cao Thị Thủy đề nghị, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về hiệu quả của việc sử dụng giống mới có tiềm năng năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh...; đồng thời xây dựng nhiều mô hình sử dụng giống mới, giống chất lượng tốt; hướng dẫn nông dân sản xuất lúa theo quy trình tiên tiến như: SRI, ứng dụng các loại phân bón tổng hợp, hữu cơ cân đối, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ít độc hại theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều) để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo tại các địa phương; liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân vào vụ thu hoạch…
Năm 2025, Hà Nội tập trung phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo đó, cơ cấu giống lúa chất lượng của toàn thành phố đạt hơn 80% diện tích gieo cấy; hình thành và phát triển 3-5 vùng sản xuất lúa thảo dược làm thực phẩm chức năng; thúc đẩy phát triển công nghệ sau thu hoạch (sấy, chế biến, bảo quản gạo) nhằm nâng cao giá trị sản phẩm lúa, gạo; xây dựng thêm 3-5 chuỗi liên kết nội địa và xuất khẩu nhằm mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao, tạo tiền đề cho sản xuất bền vững.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh lúa; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để bảo đảm an ninh lương thực, Hà Nội duy trì ổn định diện tích trồng lúa, đẩy mạnh chuyển đổi những vùng trồng hay bị khô hạn, không chủ động nguồn nước tưới và đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, qua đó nâng cao chuỗi giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Nguồn: https://baolaocai.vn/nang-cao-gia-tri-tu-cay-lua-dua-cac-giong-moi-chat-luong-cao-vao-san-xuat-post648878.html
Bình luận (0)