Đổi tên trường, không chỉ là thay đổi biển hiệu mà cần cân nhắc giữa thương hiệu của một cơ sở giáo dục và nhận diện địa giới hành chính.
Nối tiếp mạch nguồn truyền thống
Sau 1/7, Trường THPT thị xã Quảng Trị (Quảng Bình) có quyết định đổi tên thành Trường THPT Quảng Trị. Sau rà soát, một số đơn vị trường học trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Bình đã điều chỉnh tên trường để phù hợp với tình hình thực tế hoặc tránh trùng lắp.
Như Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Quảng Bình trước đây đổi tên thành Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Quảng Trị; Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Quảng Trị đổi tên thành Phổ thông dân tộc nội trú THPT Nam Quảng Trị. Ngoài ra, sau sáp nhập, tỉnh Quảng Trị có 2 Trường THPT Lê Lợi nên sở GD&ĐT quyết định đổi tên thành Trường THPT số 1 Lê Lợi và THPT số 3 Lê Lợi.
Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, nhiều trường học có tên gọi gắn liền với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện hoặc xã trước đây. Sau khi thực hiện mô hình chính quyến hai cấp và sáp nhập tỉnh, thành, xã, phường thì tên gọi cũ của một số trường không còn phù hợp, địa chỉ của trường cũng thay đổi.
Việc đặt lại tên trường được Sở GD&ĐT Quảng Trị và các trường cân nhắc trên nguyên tắc tiếp nối truyền thống, thương hiệu đã có, tránh thay đổi quá lớn gây những xáo trộn trongtâm tư, tình cảm của các thế hệ giáo viên, học sinh cũ của trường.
Trong khi đó, đối với các trường THPT có sự trùng lắp tên gọi sau sáp nhập trực thuộc Sở GD&ĐT Đà Nẵng quản lý, bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc, cho biết, sở đề xuất vẫn giữ nguyên tên gọi như cũ. Trong địa chỉ của các trường học đều có phường, xã nơi trường đóng chân đi kèm nên đây cũng là sự phân biệt trong tên gọi.
Tại Cà Mau, Trường Mầm non Hướng Dương (Hồng Dân, Cà Mau) nằm trên địa bàn xã Lộc Ninh (Hồng Dân, Bạc Liêu cũ). Sau khi sáp nhập, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có một số điểm trường trùng tên Mầm non Hướng Dương. Tuy nhiên, theo Phó Hiệu trưởng Danh Ngọc Châu, việc đổi tên trường không cần thiết.
“Hiện có nhiều trường ở Cà Mau trùng tên Mầm non Hướng Dương, tuy nhiên chỉ có một xã Hồng Dân, nên phụ huynh, học sinh vẫn có thể phân biệt được Trường Mầm non Hướng Dương thuộc xã Hồng Dân và các Trường Mầm non Hướng Dương thuộc các xã, phường khác trên địa bàn. Hơn nữa, phạm vi tuyển sinh của trường cũng chủ yếu là trẻ thuộc địa bàn nên không cần thiết đổi tên trường”, bà Châu lý giải.
Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, tỉnh có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà giáo, nhà báo, liệt sĩ Phan Ngọc Hiển - người có những đóng góp to lớn cho vùng đất Cà Mau và Bạc Liêu. Vì thế, tên ông được chọn đặt cho nhiều điểm trường trên địa bàn 2 tỉnh.
Nay hợp nhất Cà Mau và Bạc Liêu, thành tỉnh Cà Mau, một số trường dự kiến sẽ đổi tên. Trong thông báo 217 ngày 30/6/2025 về công tác và dự kiến thu đầu năm học 2025 - 2026, Trường THPT Phan Ngọc Hiển (trước đây nằm trên địa bàn phường 5, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu, nay là phường Vĩnh Trạch, Cà Mau) thông tin sẽ đổi tên trường thành Trường THPT Lê Hồng Phong.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Cà Mau có hơn 770 trường học. Sở đang rà soát lại tất cả điểm trường trùng tên gọi để xem xét đổi tên cho phù hợp với địa giới hành chính mới. Song song đó, rà soát lại cơ sở vật chất, điều kiện dạy học 2 buổi trên ngày của các điểm trường để có giải pháp đầu tư, đảm bảo chất lượng dạy và học trước khi bước vào năm học mới.

Tôn trọng nguyện vọng của cơ sở
Ông Nguyễn Thanh Tú - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tân (Đà Nẵng) cho biết, trong 6 trường học nằm trên địa bàn xã thì 2 trường mầm non có tên gọi gắn với tên xã trước khi sáp nhập gồm Trường Mẫu giáo Trà Giác và Trường Mẫu giáo Trà Tân.
Trong đó, Trường Mẫu giáo Trà Giác có nguyện vọng đổi tên trường cho phù hợp với tên đơn vị hành chính mới vì xã Trà Giác đã sáp nhập vào xã Trà Tân và không còn tên gọi Trà Giác. Xã đã hướng dẫn nhà trường đề xuất 3 tên gọi mới, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để thông qua trong kỳ họp HĐND gần nhất.
Tương tự, tỉnh Cà Mau có một số trường có chữ “xã” gắn với địa danh, tuy nhiên khi sáp nhập địa giới hành chính những xã này không còn. Đơn cử như Trường Tiểu học 2 xã Viên An, nay xã Viên An sáp nhập vào xã Đất Mũi, lấy tên xã Đất Mũi (Cà Mau).
Bà Phạm Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 xã Viên An chia sẻ: “Theo tôi, khi xã cũ không còn thì tên trường sẽ phải thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, việc thay đổi này cũng cần thời gian để hoàn thiện thủ tục pháp lý, con dấu và lựa chọn tên gọi thích hợp”.
Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới có 2 trường chuyên cùng tên gọi là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Đến thời điểm này, chưa có thông báo về việc thay đổi tên gọi của 2 trường. Trên các diễn đàn học sinh của trường, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn tên trường không thay đổi vì chỉ cần tên trường đi kèm tên phường là có thể phân biệt được.
Tỉnh Phú Thọ mới cũng ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức sở GD&ĐT. Theo đó, trong 158 đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh Phú Thọ mới có 3 trường chuyên, tên gọi vẫn được giữ nguyên là Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc cũ), THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ cũ) và THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình cũ).
Trung tâm GDTX tỉnh Vĩnh Phúc cũ đổi thành Trung tâm GDTX Vĩnh Phúc; Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT tỉnh Vĩnh Phúc đổi thành Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Vĩnh Phúc; Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình (cũ) đổi tên thành Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Hòa Bình.
Làm mới bộ nhận diện
Tại tỉnh Phú Thọ, quá trình thay đổi tên trường học, địa chỉ hành chính, hồ sơ sổ sách được các trường triển khai gọn gàng, không gây ảnh hưởng tới học sinh và hoạt động chuyên môn. Ông Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Phú Thọ) cho biết: Sự thay đổi đối với các nhà trường không quá lớn.
Sau sáp nhập đơn vị hành chính, nhà trường vẫn giữ nguyên tên nhưng đơn vị chủ quản có sự thay đổi nên nhà trường cần tiến hành một số thủ tục như đổi con dấu, hoàn thiện hồ sơ học bạ cho học sinh trước ngày 1/7. Bên cạnh đó, hồ sơ thi đua, quyết định của giáo viên hay những hồ sơ thanh tra sư phạm… đều được nhà trường rà soát.
Ở một số trường, thay đổi tên gọi cũng được xem như một cơ hội để làm mới bộ nhận diện, tăng tinh thần tập thể. Một số trường tranh thủ dịp này làm mới khẩu hiệu, bảng hiệu, tạo không khí khởi đầu tích cực cho năm học mới. Dù có những tiếc nuối với tên gọi cũ, nơi gắn bó nhiều năm, nhưng các thầy cô đều chung tinh thần: Tên có thể đổi, nhưng lớp học, tình thầy trò, trách nhiệm nghề nghiệp thì không thay đổi.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng cho rằng, đối với trường học, thay đổi tên khi không cần thiết sẽ ảnh hưởng tới việc giáo dục truyền thống.
“Tại sao học sinh trường này lại không được mang tên danh nhân như học sinh trường khác khi cả hai cùng chung một đơn vị hành chính cấp tỉnh? Có lẽ khó có câu trả lời thật sự thuyết phục”, ông Tiếng đặt vấn đề và nhấn mạnh: “Từ nay về sau, khi đặt tên đường, trường mới, từng tỉnh/thành phố cần rà soát kỹ trên toàn địa bàn để tránh trùng lắp; còn đối với những trường trùng tên trong quá khứ, tôi nghĩ không cần thay đổi, vì mỗi lần như vậy đều ảnh hưởng đến người dân, khi buộc phải điều chỉnh giấy tờ, thủ tục hành chính”…
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/doi-ten-truong-hoc-khong-chi-la-thay-bien-hieu-post740170.html
Bình luận (0)