Chúng tôi vượt dốc cao về xã La Pán Tẩn, nơi có đồi “Mâm xôi vàng” nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Gặp Lý A Nhà, Bí thư Chi bộ bản La Pán Tẩn, anh cho hay, cả bản có 16 hộ làm du lịch homestay, nhiều người làm dịch vụ như hướng dẫn viên, xe ôm... đều được tập huấn nghiệp vụ du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo sinh kế tại địa phương.
Những người con của núi rừng đã biết gìn giữ, phát triển những di sản của ông cha để lại, góp phần nâng cao đời sống của bản làng mình. Ngoài du khách trong nước, khách nước ngoài rất thích trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại bản như cày ruộng, đánh bắt cá, gia công sản phẩm địa phương.
Ông Trịnh Thế Bình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mù Cang Chải phấn khởi cho biết: Với nhiều cảnh đẹp như: đồi mâm xôi, rừng trúc, sống khủng long, nhất là khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, đèo Khau Phạ..., cùng những nét văn hóa riêng, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc H’Mông, Thái... Mù Cang Chải đang là điểm thu hút đông đảo du khách.
Thời gian tới, huyện xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, bản sắc như: lễ hội Khèn H’Mông, lễ hội hoa tớ dày, lễ mừng cơm mới, lễ hội sơn tra... thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá, trải nghiệm, hướng tới mục tiêu xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến “Bản sắc, an toàn, thân thiện” của tỉnh Yên Bái cũng như vùng Tây Bắc.
Bí thư Huyện ủy Giàng A Câu cùng chúng tôi thăm mô hình trồng nấm dược liệu của Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải tại bản Hua Khắt.
Từ năm 2022, công ty mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống hạ tầng nhà xưởng sản xuất nấm, trên tổng diện tích 4 ha. Bình quân mỗi năm thu hoạch bán ra thị trường hơn 250 tấn nấm hương, thu về hơn 20 tỷ đồng.
Công ty tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động địa phương, với mức lương từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài diện tích làm nấm, đơn vị còn trồng cải mầm, ớt ngọt, rau trái vụ... tạo thêm việc làm và đa dạng hóa sản phẩm phục vụ thực đơn cho khách du lịch.
Chúng tôi đi tham quan mô hình trồng cà chua ở bản Lả Khắt và Cáng Dông, xã Nậm Khắt có diện tích hơn 9 ha. Ðây là giống cà chua Beef có nguồn gốc từ Israel được trồng đại trà, cho sản lượng khá cao, hơn 50 tấn/ha, thu nhập khoảng 1,8 tỷ đồng/ha, tạo việc làm cho 50 lao động.
Bí thư Huyện ủy Giàng A Câu khẳng định, nếu xã nào cũng như Nậm Khắt, vừa huy động được nguồn lực lao động tại chỗ, sản xuất được các sản phẩm đặc trưng (cà chua, hoa, nấm, rau ôn đới), kết hợp giữa sản xuất và tiêu dùng đồng bộ thành chuỗi, thì người dân vùng cao sẽ không còn nghèo nữa.
Ngoài phát triển nấm, cà chua, rau xanh ôn đới, đến nay xã Nậm Khắt có 75 ha trồng hoa hồng với 21 hộ gia đình tham gia thực hiện. Sản lượng trung bình khoảng 190.000 bông/ha, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha, tạo việc làm cho từ 350-400 lao động địa phương.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thào A Phênh, nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng, người dân có đất cho doanh nghiệp thuê đất, nhiều hộ có việc làm, đã giúp đời sống người dân cải thiện rõ nét. Với nguồn vốn đầu tư từ các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đường về các bản: Nả Khắt, Pú Cang, Xua Lông, Páo Khắt... được trải bê-tông, 100% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia.
Trường tiểu học và trường trung học cơ sở được Ngân hàng thương mại cổ phần Ðầu tư và Phát triển Việt Nam tài trợ 30 tỷ đồng xây mới, giúp con em đồng bào H’Mông trong xã có nơi học tập khang trang.
Ði giữa núi rừng đại ngàn, giữa màu xanh thăm thẳm của rừng thông mã vĩ như trải dài bất tận, mới cảm nhận được ý thức giữ rừng bền vững của người dân nơi đây. Hằng năm, nhờ cách quản lý rừng đến từng hộ, tổ, nhóm cộng đồng, người dân Mù Cang Chải được chi trả hơn 50 tỷ đồng từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ có nước đầu nguồn dồi dào, giúp các thủy điện trên dòng Nậm Kim, Nậm Mu, các thủy điện trên Sông Ðà phát đủ công suất. Thiên nhiên và con người cùng hài hòa chung sống, Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay trên đường phát triển.
Nguồn: https://nhandan.vn/doi-thay-o-vung-cao-mu-cang-chai-post858659.html
Bình luận (0)