Nhờ xuất khẩu lao động, đời sống người dân xã Quang Chiểu (Mường Lát) ngày càng được nâng cao.
Điển hình như trường hợp gia đình anh Lương Văn Quê, ở bản Chai - một trong những hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Anh Quê cho biết, năm 2021, anh vay 100 triệu đồng vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm. Sau khi có vốn, anh đầu tư mô hình trồng bí thơm và xây dựng thành công sản phẩm đạt OCOP 3 sao cho thu nhập ổn định.
Một trong những điểm nhấn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH là cho vay xuất khẩu lao động. Hiệu quả của nguồn vốn vay này được người dân nơi đây ví như “con đường ngắn” để thoát nghèo. Đánh giá hiệu quả nguồn vốn vay, ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết: Nhờ nguồn vốn vay, đến nay xã Quang Chiểu có 320 người đi lao động ở nước ngoài, cao nhất toàn huyện. Một số bản có số lượng người đi xuất khẩu lao động nhiều, như: Xim, Pùng, Mờng, Qua, Hạm... Nguồn tiền từ “xuất ngoại” giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo, cải thiện điều kiện sống. Điều này, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Chị Hà Thị Pẹn, ở bản Mờng, xã Quang Chiểu, cho biết: “Tôi từng đi làm thuê xa nhà, thu nhập không ổn định. Năm 2022, tôi vay 80 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Mỗi tháng, sau khi trừ hết phí sinh hoạt, tôi gửi về gia đình hơn 20 triệu đồng. Số tiền dành dụm được, giúp cha mẹ xây nhà, lo cho các con ăn học”.
Hiện, Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát đang triển khai giải ngân cho vay 15 chương trình tín dụng ưu đãi. Các chương trình tín dụng đã góp phần giúp nhiều địa phương hoàn thành các tiêu chí quan trọng như giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cung cấp nước sạch và bảo vệ môi trường, tạo việc làm... Nguồn vốn tín dụng CSXH không chỉ giúp các hộ dân thoát nghèo mà còn hỗ trợ cho các xã hoàn thành nhanh tiêu chí trong XDNTM.
Ông Nguyễn Đức Thượng, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát, cho biết: Tính đến ngày 31/3/2025, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đã đạt 319,8 tỷ đồng, với 4.978 hộ vay. Trong đó, nhiều chương trình đã phát huy tác dụng tích cực như: chương trình cho vay hộ nghèo (133,7 tỷ đồng), hộ cận nghèo (38,9 tỷ đồng), hộ mới thoát nghèo (26,3 tỷ đồng), nước sạch và vệ sinh môi trường (11,3 tỷ đồng), giải quyết việc làm (24,6 tỷ đồng), sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn (70,9 tỷ đồng)...
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Mường Lát, đánh giá cao vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách. Ông Xiết nhấn mạnh: “Nhờ các chương trình tín dụng chính sách, tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt chuẩn quốc gia tăng, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm đều đạt kết quả tích cực. Số hộ nghèo giảm đáng kể, từ 3.266 hộ (36,98%) năm 2023 xuống còn 2.292 hộ (25,85%) năm 2024. Nguồn vốn tín dụng CSXH đã và đang phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, tăng cường chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy CNH, HĐH nông thôn và XDNTM trên địa bàn huyện”.
Để nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng, thời gian tới, chính quyền các địa phương và Ngân hàng CSXH cần tiếp tục mở rộng đối tượng vay vốn, đặc biệt là các hộ vừa thoát nghèo nhằm đảm bảo sự ổn định, bền vững. Tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, việc triển khai thêm các chương trình tín dụng cho vay mới hướng đến việc hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cũng sẽ là giải pháp giúp người dân có sinh kế, từng bước vươn lên làm giàu.
Bài và ảnh: Đình Giang
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/don-bay-tu-von-tin-dung-o-huyen-vung-bien-244664.htm
Bình luận (0)