Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng bào các dân tộc hướng đến Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng

BDK.VN - Hằng năm, dịp kỷ niệm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc. Ngày hội năm 2025, ngoài dịp để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, thăm hỏi, ghi nhận những công lao đóng góp của đồng bào các dân tộc vào sự nghiệp phát triển tỉnh nhà mà còn là hoạt động ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025); 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bến Tre (1-5-1975 - 1-5-2025).

Báo Bến TreBáo Bến Tre24/04/2025

Các cá nhân đồng bào dân tộc nhận biểu dương khi thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Niềm tin kỳ vọng mới

Chị Lang Thị Sơn, dân tộc Thái, ấp Giồng Xếp, xã Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc) hồ hỡi cho biết, tham gia Ngày hội nhiều năm nay, nhưng đây là năm có nhiều ý nghĩa nhất với chị. “Thật tự hào khi cùng với lãnh đạo tỉnh, đại biểu đến từ các dân tộc khác trên địa bàn cất cao lời bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Giọng hát hùng hồn như đưa chúng ta trở về niềm vui của những ngày tháng 4 lịch sử của 50 về trước. Niềm vui của chiến thắng, niềm vui của non sông liền một giải, để rồi hôm nay, các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng được gặp gỡ trao đổi thăm hỏi lẫn nhau với niềm tin, kỳ vọng mới, kỳ vọng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - chị Lang Thị Sơn tâm đắc.

Được biết, chị Lang Thị Sơn quê Thanh Hoá, năm 2012 lấy chồng về sinh sống trên quê hương Nhuận Phú Tân. Hiện cuộc sống gia đình chị có kinh tế ổn định bên chồng và 2 con. Chị cho biết, bản thân, gia đình luôn tham gia tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận và chính quyền địa phương phát động, nhất là cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Ngày chủ nhật nông thôn mới. Chị cảm ơn các cấp ủy, chính quyền, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách về dân tộc, nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực để phát triển, duy trì các giá trị văn hoá dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam hàng năm 19-4 đã tạo điều kiện cho chị được gặp gỡ, được hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau, không có sự phân biệt đối xử.

Còn chị Bùi Thị Lựu, người dân tộc Mường, năm 2010 chị theo chồng về quê hương xã Phú Ngãi (Ba Tri) để sinh sống. Bước đầu khi mới về quê chồng, chị cũng đối mặt với không ít khó khăn. Nhưng nhờ vào sự nhiệt tình giúp đỡ của gia đình chồng, sự hòa đồng thân thiện của bà con lối xóm, sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Mặt trận, đoàn thể, chính quyền địa phương, cuộc sống của chị và gia đình dần được ổn định. Chị cho biết, mình đã xây được nhà, con cái yên tâm học hành, kinh tế phát triển ổn định.

“Ngày hội năm nay diễn ra trong lúc cả nước nói chung, Bến Tre nói riêng tổ chức nhiều hoạt động hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4-1975 - 30-4-2025, mình cảm thấy tự hào. Tự hào về sự phát triển của đất nước của quê hương Bến Tre hiện nay. Dù chỉ sống trên mảnh đất Phú Ngãi hơn 14 năm nhưng mình cảm nhận được sự đổi thay, hạ tầng giao thông phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân tộc được giải quyết đầy đủ, kịp thời và bình đẳng” chị Bùi Thị Lựu chia sẻ.

Hướng đến Bến Tre giàu mạnh

Đại biểu các dân tộc tham gia giao lưu trò chơi dân gian.

Phát biểu chào mừng tại Ngày hội, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng nhấn mạnh: Nhân kỷ niệm ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) và kỷ niệm 139 năm Ngày quốc tế lao động (1-5-1886 - 1-5-2025), 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19-5-1890 - 19-5-2025), chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Ngày hội đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ· trao đổi thăm hỏi lẫn nhau giữa các dân tộc anh em, đồng thời bày tỏ tâm tư tình cảm, những cảm nhận của đồng bào các dân tộc khi đang định cư trên quê hương xứ dừa Bến Tre. Đây còn là dịp để lãnh đạo tỉnh trực tiếp thăm, hỏi, động viên đồng bào các dân tộc tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tại tỉnh Bến Tre ngoài dân tộc Kinh còn có 22 dân tộc anh em với 8.875 người cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh, đông nhất là dân tộc Hoa 7.490 người, còn lại các dân tộc có số lượng từ vài trăm, vài chục người và có dân tộc cũng chỉ có 2, 3 người như: Chơ Ro, X’Tiêng, Thượng, BaNa, XơĐăng,…; các dân tộc trên địa bàn tỉnh định cư lâu đời nhất có dân tộc Hoa và dân tộc Khmer, các dân tộc còn lại ở Bến Tre chủ yếu là thông qua hôn nhân theo vợ, theo chồng về Bến Tre sinh sống.

Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh hiện nay đều đã hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, không có sự phân biệt đối xử. Tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân trong đó có đồng bào các dân tộc đều được giải quyết thụ hưởng đầy đủ và bình đẳng; ngoài ra, một bộ phận còn được thụ hưởng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ đó, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng có cuộc sống ổn định hơn về vật chất và tinh thần, luôn đoàn kết gắn bó với cộng đồng dân cư, tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể phát động; nhiều cá nhân tiêu biểu, ưu tú trong đồng bào các dân tộc được kết nạp vào Đảng; tham gia công tác trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; nhiều con em đồng bào các dân tộc được học hành và thành đạt. Điển hình như: Hiện có 36 vị là ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; có 9 vị là đại biểu HĐND các cấp.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, phát huy vai trò hạt nhân nòng cốt trong tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,...; thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, đồng bào các dân tộc và Nhân dân; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, công tác chăm lo hỗ trợ cho người nghèo các dân tộc luôn được chú trọng.

Năm 2025 là năm kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh. Với quyết tâm nỗ lực phấn đấu, tập trung quyết liệt hơn trong lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2025 tiếp tục thực hiện phương châm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển”. Phát huy “Dân chủ” trong hoạt động của hệ thống chính trị và xã hội; giữ nghiêm kỷ luật “kỷ cương”; tiếp tục phát huy sự “đồng thuận”, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và Nhân dân; đẩy mạnh sự “sáng tạo” trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; thực hiện các giải pháp đột phá nhằm “phát triển” kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đề nghị hệ thống Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hãy an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhất là chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, lắng nghe, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đồng bào các dân tộc để kiến nghị đến cơ quan chức năng xem xét giải quyết; quan tâm và tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết.

Phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận, người có uy tín, tiêu biểu và các tổ hòa giải ở cơ sở để tuyên truyền, vận động Nhân dân, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở, đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết thấu đáo phù hợp với nguyện vọng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc đang sinh sống ở các khu dân cư, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động hoặc tạo ra những “điểm nóng” liên quan đến yếu tố dân tộc và tôn giáo.

“Tin tưởng rằng, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ vững đoàn kết, tích cực tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp phát động. Cùng chung sức, chung lòng cùng Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh nhà phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện đạt và vượt mục tiêu được đề ra trong năm 2025”.

(Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Đảm)

Bài, ảnh: P. Tuyết

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/dong-bao-cac-dan-toc-huong-den-ngay-mien-nam-hoan-toan-giai-phong-24042025-a145681.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm