Xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) có hơn 98% dân số là người H’Mông. Ở đây từng có thời, tang ma là gánh nặng với nhiều hủ tục; khiến không ít gia đình kiệt quệ.
Chuyển biến bắt đầu có từ sau những năm 2010, nhất là khi địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/ TW ngày 9/6/2014 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông Suối Giàng. Đời sống dần đổi thay, các phong tục lạc hậu dần được xóa bỏ.
Ông Vàng Sùng Hải, khi ấy là trưởng dòng họ Vàng, là người tiên phong vận động dòng họ mình tổ chức tang lễ gọn gàng, sử dụng áo quan: "Giữ bản sắc là cốt lõi, nhưng không thể để phong tục trở thành gánh nặng đè lên người sống”. Nhờ uy tín của người trưởng họ và sự vào cuộc của chính quyền, nếp mới đã dần lan rộng.
Đến cuối năm 2024, gần như toàn bộ các thôn, bản nơi đây đã xây dựng được hương ước, quy ước phù hợp với bản sắc dân tộc, lồng ghép tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 83%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Nhiều hộ gia đình như ông Sùng A Hềnh, ông Vàng A Giao, ông Vàng A Chông ở xã Suối Giàng tiên phong phát triển du lịch cộng đồng gắn với chế biến chè Shan tuyết. Năm 2024, xã Suối Giàng sản xuất 620 tấn chè búp tươi, trên diện tích 410 ha chè Shan tuyết cổ thụ. Chè bán được giá cao, du lịch khởi sắc, nhiều hộ thoát nghèo và giàu lên.
Tại Lào Cai, gần một nửa trong số 38 làng du lịch cộng đồng là của người Mông. Không gian văn hóa được nỗ lực bảo tồn từ kiến trúc nhà ở đến trang phục và các nếp sinh hoạt hằng ngày. Đời sống văn hóa lành mạnh cũng là lợi thế để du lịch cộng đồng phát triển theo hướng có trách nhiệm và bản sắc.
Phiên chợ Bắc Hà (Lào Cai) rộn ràng sắc màu dân tộc. Lẫn trong tiếng khèn Mông đặc trưng là những tiếng vỗ tay tán thưởng của du khách trước tiết mục biểu diễn võ khèn của nghệ nhân Lý Seo Hồ cùng học trò. Nghệ nhân Lý Seo Hồ (xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai) chia sẻ: "Võ khèn và võ sênh tiền là những bài võ thuật cổ truyền của đồng bào Mông khi xưa để chiến đấu với thú dữ và kẻ thù. Ngày nay, các lớp nghệ nhân đã biến tấu thành loại hình dân vũ độc đáo trong các dịp lễ Tết để thu hút khách du lịch đến với địa phương. Đây cũng là cách điều chỉnh hoạt động văn hóa cho phù hợp thời đại”.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: "Văn hóa Mông vừa thống nhất nhưng lại vừa đa dạng. Chính tính thống nhất, cố kết tộc người đã giữ cho văn hóa dân tộc Mông trường tồn. Đặc điểm này cũng chi phối nhiều đến hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ở những nơi đồng bào Mông sinh sống. Vì vậy, phải lấy văn hóa làm gốc để phát triển, đồng thời là cơ sở để phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho chính đồng bào”.
(Theo NDO)
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/16/350007/Dong-bao-Mong-giu-goc-de-vuon-xa.aspx
Bình luận (0)