Lên TikTok, YouTube - di sản và nghệ thuật truyền thống "viral"
Với biệt danh trực tuyến "Tuyết Mai Lây Dì", Nguyễn Thị Tuyết Mai (24 tuổi) là một trong những nhà sáng tạo nội dung nổi bật trong việc lan tỏa văn hóa truyền thống. Cô hiện có gần 800.000 lượt theo dõi và 24 triệu lượt thích chỉ riêng trên nền tảng TikTok. Những clip của cô giới thiệu các câu chuyện, nhân vật lịch sử dễ hiểu, sáng tạo, giúp khán giả trẻ thêm yêu và hiểu văn hóa Việt theo cách rất riêng. Đặc biệt những bộ Việt phục mà cô gái trẻ này tái hiện khiến gen Z và các tín đồ thời trang rất thích thú.
Video giới thiệu lịch sử của nhóm Long Khoa Học
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Nổi tiếng với các nội dung số giới thiệu sản phẩm công nghệ và lý giải các vấn đề khoa học, một gương mặt nổi bật khác là Long Khoa Học (29 tuổi) gần đây đã mở rộng sang lĩnh vực văn hóa, lịch sử và nghệ thuật truyền thống thông qua kênh Xin Chào Việt Nam, Hành trình di sản. Thông qua các kênh này, Long và ê kíp muốn kể chuyện về văn hóa, ẩm thực và con người VN bằng ngôn ngữ số hiện đại, khơi dậy tình yêu nước và bảo tồn giá trị truyền thống trong giới trẻ.
Hiện ê kíp Long Khoa Học đã "chuyển thể" nhiều chuyên đề, số liệu, nhân vật, câu chuyện lịch sử, truyền thuyết văn học, nghệ thuật sân khấu, dân gian và lễ hội thành các video ngắn, mang phong cách trẻ trung và hài hước, thu hút hàng triệu lượt thích và theo dõi trên các nền tảng số. Tương tự, nhiều bạn trẻ khác cũng đang sáng tạo nội dung văn hóa bằng hình thức "remix" độc đáo - từ livestream hóa thân nhân vật dân gian, đến dựng podcast phỏng vấn nhân vật lịch sử giả tưởng...
Đưa nghệ thuật truyền thống lên mạng xã hội, từ xu hướng đến chiến lược
Việc chinh phục khán giả trẻ không chỉ là xu hướng, mà là chiến lược xây dựng cộng đồng người xem trung thành cho tương lai. Các nhà hát, đơn vị văn hóa - nghệ thuật vì thế không thể đứng ngoài cuộc.
NSƯT Nguyễn Hải Linh, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc VN, chia sẻ: "Tuy mới ở giai đoạn đầu nhưng hiện chúng tôi đã bắt đầu số hóa các chương trình nghệ thuật để lưu trữ và quảng bá trên YouTube và website".
Các làn điệu dân ca, tích xưa hay lễ hội truyền thống đang xuất hiện sống động trên nền tảng TikTok, Instagram, YouTube Shorts...
ẢNH: LONG KHOA HỌC
Theo ông, trong thời gian tới, nhà hát sẽ đẩy mạnh số hóa và truyền thông trên các kênh như TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác - nơi giới trẻ hiện diện đông đảo. Ông nhận định việc quan trọng là nghiên cứu và bám sát thị hiếu khán giả trẻ, từ đó thay đổi nội dung, hình thức thể hiện và mô hình sản xuất các chương trình, sản phẩm cho phù hợp. Nhà hát hiện cũng đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ nhân sự trẻ để triển khai tốt việc này.
NSƯT Trường Bắc, Phó giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc VN, cũng cho biết để tiếp cận khán giả trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z, việc đóng gói và số hóa các sản phẩm âm nhạc truyền thống là điều tất yếu. "Chúng tôi đang triển khai chiến lược truyền thông đa nền tảng: phát hành trailer, video ngắn, đăng tải trên các kênh như Facebook, YouTube, Zalo, kết hợp với báo chí để lan tỏa rộng rãi. Những câu chuyện hậu trường, những tiết mục hay, những sản phẩm âm nhạc công phu được đưa lên không chỉ giúp chương trình chạm đến khán giả trong nước, mà còn đưa âm nhạc truyền thống VN vươn ra quốc tế", NSƯT Trường Bắc nói.
Thực tế, công nghệ đang mang lại những chuyển biến rõ rệt trong việc bảo tồn và lan tỏa nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa trên không gian số, trước cộng đồng khán giả trẻ.
Khi truyền thống trở thành điều "muốn kể", không còn là "phải học"
Tín hiệu tích cực là ngày càng có nhiều người trẻ làm mới di sản bằng ngôn ngữ của chính họ: từ bộ sưu tập thời trang lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống trên Instagram, Vlog khám phá làng nghề, meme kể chuyện cổ tích, cho đến "video reaction" các lễ hội dân gian... Những gì từng bị coi là "phá cách" nay lại chính là cầu nối hiệu quả giữa truyền thống và công chúng trẻ.
Số hóa không chỉ là công cụ lưu trữ mà là cách kể chuyện mới - biến di sản thành trải nghiệm hiện đại, gần gũi và dễ tiếp cận hơn với giới trẻ
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Việc số hóa đã giúp người trẻ chuyển từ vai trò thụ động tiếp nhận sang chủ động tìm hiểu, khám phá và phản ánh lại. Di sản không còn là thứ để "trưng bày", mà trở thành chất liệu cho sáng tạo hiện đại và kết nối thế hệ. Công nghệ AI cũng được ứng dụng (ví dụ phục dựng giọng hát cổ, khôi phục phát âm, âm sắc thất truyền...), từ đó mang lại trải nghiệm văn hóa bằng cả thính giác, thị giác lẫn cảm xúc.
Chia sẻ với Thanh Niên, nhóm Long Khoa Học cho biết: "Thực tế thì dự án đi theo hướng bảo tồn và phát huy di sản trên nền tảng số, nên gặp không ít khó khăn: từ việc tìm nguồn thông tin chính xác đến cách kể chuyện sao cho thu hút mà vẫn đúng bản chất. Ban đầu, chúng tôi từng chú trọng vào lượt xem, lượt theo dõi, nhưng sau một thời gian, chúng tôi nhận ra giá trị thật sự nằm ở nội dung có chiều sâu, có khả năng lưu giữ và khơi gợi niềm tự hào dân tộc. Nhưng chính ở đây, chúng tôi thấy được nhu cầu của giới trẻ - họ muốn tìm hiểu, muốn "flex" bằng chính kiến thức văn hóa và lịch sử về quê hương mình. Chúng tôi tin rằng, nếu được kể bằng cách phù hợp, di sản sẽ không còn là những giá trị cũ kỹ, mà trở thành nguồn cảm hứng sống động cho thế hệ mới".
Việc số hóa nghệ thuật truyền thống và di sản tạo ra những câu chuyện hình ảnh hấp dẫn (từ trang phục, làng nghề đến dân ca đương đại), cho thấy xu hướng lan tỏa văn hóa sáng tạo trên nền tảng số
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Báo chí, nhận định: "Muốn lan tỏa văn hóa đến thế hệ mới, cần có sản phẩm chất lượng, "đóng gói" đúng thẩm mỹ và ngôn ngữ của họ".
Bà Thảo cũng nhấn mạnh vai trò đồng hành của báo chí và cộng đồng sáng tạo: "Không chỉ đưa tin, báo chí cần kể lại di sản bằng hình ảnh, âm thanh, cảm xúc - đó mới là cách chạm đến gen Z hiệu quả".
Tín hiệu đáng mừng là trên TikTok, một trong những nền tảng số được giới trẻ yêu thích và hoạt động sôi nổi nhất, đang xuất hiện ngày càng nhiều nội dung phong phú về nghệ thuật truyền thống và di sản
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Số hóa không đồng nghĩa thương mại hóa hay giản lược văn hóa. Đó là cách chọn lọc, chuyển thể và lan tỏa giá trị truyền thống bằng ngôn ngữ hiện đại. Khi truyền thống được kể lại bằng ngôn ngữ thời đại, nó không còn là thứ "phải học", mà là điều "muốn nghe - muốn kể".
Nguồn: https://thanhnien.vn/dong-goi-va-so-hoa-de-nghe-thuat-truyen-thong-hut-gioi-tre-185250520225346034.htm
Bình luận (0)