Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Động lực để giáo dục vùng dân tộc thiểu số chuyển mình

Triển khai thực hiện Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, giai đoạn 2021 - 2025, những năm gần đây, công tác phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang có những bước chuyển biến tích cực.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk18/04/2025

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 15 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS cấp huyện, 2 trường phổ thông dân tộc nội trú THPT cấp tỉnh, 6 trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS. Đây là hệ thống giáo dục đặc thù phục vụ riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các gia đình sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bằng nguồn lực gần 173 tỷ đồng phân bổ từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) 1719, nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; được hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn với ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhờ đó, đã góp phần nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh lên 62%.

Một tiết học tại Trường THCS Ea Yông (huyện Krông Pắc).

Một trong những điểm sáng là Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột). Năm học 2024 - 2025, trường có 18 lớp với 554 học sinh thuộc 21 dân tộc khác nhau. Không chỉ được hỗ trợ nơi ăn, chốn ở và việc đi lại, học sinh tại đây còn tiếp cận với phương pháp giảng dạy hiện đại, được thiết kế phù hợp với đặc điểm văn hóa truyền thống. Thầy Bùi Xuân Lễ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của trường là nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Nhà trường không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, phát huy hiệu quả giáo dục chuyên biệt cho học sinh DTTS, đồng thời đẩy mạnh giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc. Nhờ sự đổi mới và quyết tâm ấy, năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp đạt 100%; nhiều em đạt điểm cao (trong top 10 của tỉnh ở các môn thi tốt nghiệp) và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Điểm đặc biệt ở Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng là việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được song hành cùng giáo dục tri thức. Nhà trường đã chủ động mời các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa về truyền dạy kiến thức, kỹ năng đánh cồng chiêng, múa xoang và các loại hình văn hóa đặc trưng khác cho giáo viên, học sinh. Đến nay, trường đã thành lập được 2 đội chiêng và được hỗ trợ 2 bộ chiêng đồng, 2 bộ chiêng tre, gần 100 bộ trang phục truyền thống để các thành viên đội chiêng duy trì việc luyện tập. Trường còn thành lập câu lạc bộ cồng chiêng, tạo “sân chơi” và góp phần nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ.

Tại huyện Cư M’gar, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar cũng đang là hình mẫu cho sự kết hợp giữa giáo dục hiện đại và bảo tồn văn hóa dân tộc. Với hơn 150 học sinh, trong đó khoảng 70% là người Êđê, nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc giữ gìn tiếng nói và bản sắc văn hóa dân tộc cho các em. Cô Vương Thị Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ngoài việc truyền đạt kiến thức, chúng tôi luôn dạy các em trân trọng ngôn ngữ mẹ đẻ, hiểu và gìn giữ bản sắc dân tộc mình. Đó cũng là một phần trong giáo dục toàn diện”.

Trường đã thành lập câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc và truyền dạy chơi các loại nhạc cụ dân tộc cho học sinh; tổ chức sinh hoạt dưới cờ hằng tuần với chủ đề văn hóa dân tộc để các em thêm tự hào về cội nguồn của mình. Bên cạnh đó, học sinh nơi đây còn được khuyến khích tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong năm học 2023 - 2024, trường đã có hai sản phẩm đạt giải tại cấp huyện. Dự án “Bảo tồn quảng bá bản sắc dân tộc Êđê thông qua bộ truyện tranh song ngữ tiếng Việt - tiếng Êđê” của học sinh nhà trường đoạt giải Nhì cấp tỉnh (tổ chức tháng 1/2024), trở thành minh chứng sống động cho sự kết hợp giữa tri thức hiện đại và giá trị truyền thống.

Học sinh Trường THPT DTNT N'Trang Lơng tham gia hội thi văn nghệ của trường. Ảnh do Trường THPT DTNT N'Trang Lơng cung cấp.

Không chỉ tập trung vào hệ thống trường học, Dự án 5 của Chương trình MTQG 1719 còn chú trọng mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho cộng đồng. Tính đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 7 lớp xóa mù chữ cho người dân ở 6 xã vùng sâu, vùng xa; 16 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho trên 1.700 lượt cán bộ, công chức, viên chức; 4 lớp bồi dưỡng tiếng DTTS với hơn 200 học viên.

Bên cạnh đó, chương trình cũng mở rộng hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm với hàng nghìn lượt người tham gia. Trên 30 lớp đào tạo nghề được tổ chức, hơn 2.400 học sinh, sinh viên và giáo viên giáo dục nghề nghiệp được tư vấn khởi nghiệp, góp phần hình thành thế hệ lao động DTTS có tay nghề, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202504/chuong-trinh-1719-dong-luc-de-giao-duc-vung-dan-toc-thieu-so-chuyen-minh-6a41731/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm