Họ đã đạt được bước đột phá khi phát triển một loại máu nhân tạo tương thích với mọi nhóm máu. Đặc biệt máu vô trùng và có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 2 năm.
Các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành, và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đặt mục tiêu sử dụng loại máu nhân tạo này vào chăm sóc y tế thực tế vào năm 2030, theo tờ The Japan Times.
Máu nhân tạo là một phát minh, có thể thay thế cho máu thật
Ảnh: AI
Máu nhân tạo được tạo ra bằng cách chiết xuất hemoglobin - một loại protein chứa sắt giúp vận chuyển oxy trong các tế bào hồng cầu - từ máu được hiến tặng. Sau đó, máu được bao bọc trong một lớp vỏ bảo vệ để tạo ra các tế bào hồng cầu nhân tạo ổn định, không có virus.
Các tế bào máu nhân tạo có màu tím, không có màu đỏ như máu thông thường, vì chúng được tạo ra theo cách không bị oxy hóa cho đến khi sử dụng.
Đặc biệt, máu nhân tạo có thể tương thích với mọi nhóm máu và có thể bảo quản đến 2 năm ở nhiệt độ phòng và 5 năm trong điều kiện đông lạnh. Đây là một cải tiến đáng kể so với máu được hiến tặng, vốn chỉ có thể được bảo quản lạnh tối đa 42 ngày.
Thử nghiệm máu nhân tạo
Các nghiên cứu quy mô nhỏ đã bắt đầu vào năm 2022 gồm 3 nhóm tình nguyện viên nam khỏe mạnh, tuổi từ 20 - 50, được tiêm tĩnh mạch một lần các túi hemoglobin - chất mang oxy nhân tạo mô phỏng cấu trúc của hồng cầu - với liều lượng tăng dần, lên đến 100 ml.
Kết quả cho thấy không có thay đổi đáng kể nào về các dấu hiệu sinh tồn, bao gồm cả huyết áp, chỉ có tác dụng phụ nhẹ. Dựa trên thành công này, Giáo sư Sakai thông báo rằng nhóm của ông đang đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và đã bắt đầu tiêm từ 100-400 ml dung dịch tế bào máu nhân tạo cho các tình nguyện viên, theo The Japan Times.
Bước tiếp theo sẽ là kiểm tra hiệu quả và tính an toàn của phương pháp điều trị. Dự án đặt mục tiêu đưa tế bào hồng cầu nhân tạo vào ứng dụng thực tế vào khoảng năm 2030.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dot-pha-sap-co-mau-nhan-tao-truyen-duoc-cho-tat-ca-moi-nguoi-185250711180004663.htm
Bình luận (0)