Qua đó tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa vùng đất công nghiệp năng động bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, sẵn sàng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm
Đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn trong triển khai, xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, mở ra không gian, dư địa phát triển mới cho tỉnh, góp phần sớm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Thảm nhựa gói thầu số 14, đường Vành đai 4, đoạn qua địa phận thị xã Thuận Thành cũ. |
Dự án đường Vành đai 4 đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 35,3 km, là tuyến đường huyết mạch không chỉ tăng tính kết nối tỉnh Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận mà còn giải tỏa áp lực giao thông cho quốc lộ 18, quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Xác định rõ tầm quan trọng đó, trong triển khai xây dựng dự án, tỉnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, “cầm tay chỉ việc” để đưa dự án đường Vành đai 4, đoạn qua địa phận Bắc Ninh về đích trước 1 năm so với kế hoạch Chính phủ, Quốc hội giao (hoàn thành trước ngày 31/12/2025).
Ông Nguyễn Xuân Đương, Giám đốc Ban Quản lý dự án Giao thông và Nông nghiệp tỉnh số 2 - đơn vị chủ đầu tư, cho biết: Bắc Ninh tự hào là địa phương đi đầu về công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (đi qua 3 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, thành phố Hà Nội). Quán triệt chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu xây dựng đường găng tiến độ; huy động tổng nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị để đồng loạt tăng tốc 33 mũi thi công. Hiện nay, toàn công trường gồm 3 gói thầu số 14, 15, 16 huy động khoảng gần 400 cán bộ, kỹ sư, công nhân, lao động với khoảng 125 máy móc, thiết bị thi công 3 ca, 4 kíp, bảo đảm tiến độ cam kết. Tổng giá trị xây lắp đạt gần 40% khối lượng công trình. Đồng thời thường xuyên có văn bản đôn đốc, kiểm đếm tiến độ, xử lý nghiêm minh đối với các đơn vị nhà thầu không bảo đảm năng lực, nhằm đốc thúc thi công nhưng vẫn bảo đảm chất lượng kỹ, mỹ thuật, an toàn công trình.
Tại gói thầu số 14, dài 10,8 km, đi qua địa phận các xã, phường của thị xã Thuận Thành cũ bố trí 12 mũi thi công, trong đó 7 mũi thi công đường, 3 mũi thi công cầu, 2 mũi thi công cống thoát nước. Nhà thầu đang khẩn trương thi công lớp bê tông nhựa, đã thảm nhựa được gần 4 km/10,8 km. Đây là gói thầu thi công đầu tiên của dự án, đang tăng tốc để về đích trước tiến độ khoảng 2 tháng, tạo đà cho các gói thầu khác cùng chạy đua. Ông Trần Trọng Toàn, phụ trách đoạn tuyến gói thầu số 14, thuộc Công ty cổ phần thương mại Phượng Hoàng cho biết: Nhà thầu chuẩn bị đủ nhân lực, vật tư, máy móc để tiến hành thi công ngay đoạn tuyến còn lại khi được bàn giao mặt bằng liền mạch, nhằm tạo điểm nhấn về năng lực, chất lượng, tiến độ khi được tham gia triển khai xây dựng dự án trọng điểm quốc gia này. Trên công trường, các gói thầu số 15, 16 còn lại của dự án đều quyết tâm về đích đúng cam kết.
Đối với dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dù đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh chỉ có chiều dài gần 4 km, song cũng đang được tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan gấp rút triển khai. Đích thân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhiều lần đi kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp tại công trường nhằm kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ toàn dự án. Đây cũng là tinh thần, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với các dự án giao thông trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn tỉnh.
Ban Quản lý dự án Giao thông và Nông nghiệp tỉnh số 2 được giao làm chủ đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (đi qua địa phận nhiều tỉnh, thành phố như Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng), tổng chiều dài toàn tuyến dài khoảng 418,8 km; bố trí 18 ga và 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật; tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) sơ bộ hơn 203 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có tổng chiều dài gần 4 km, diện tích đất chiếm dụng khoảng 40,54 ha, điểm đầu tại phường Châu Khê, giáp ranh với địa phận thành phố Hà Nội; điểm cuối tại xã Song Liễu, giáp ranh với địa phận tỉnh Hưng Yên; có 1 ga Yên Thường thuộc xã Yên Thường, Gia Lâm (thành phố Hà Nội) và phường Châu Khê, tỉnh Bắc Ninh.
Hiện nay, chủ đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các địa phương liên quan tiến hành rà soát, xác minh số liệu, lập phương án giải phóng mặt bằng. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với tuyến đường bộ kết nối từ sân bay Gia Bình đến Hà Nội, đáp ứng tiêu chí "ngắn nhất, thẳng nhất, hiện đại nhất và đẹp nhất" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, các tuyến đường kết nối đối ngoại mới được đầu tư xây dựng như: Đường nối quốc lộ 37-quốc lộ 17 Võ Nhai-Thái Nguyên; cầu Đồng Việt nối tỉnh Bắc Ninh với thành phố Hải Phòng; cầu Hòa Sơn nối tỉnh Bắc Ninh với tỉnh Thái Nguyên…
“Cú hích” cho phát triển kinh tế vùng
Với vị trí, địa lý đắc địa - cửa ngõ vùng Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh là cầu nối giữa Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, có hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Chính vì vậy, các dự án giao thông huyết mạch của quốc gia đi qua địa bàn tỉnh đã tạo thêm “cú hích” cho phát triển kinh tế vùng. Hơn nữa, trong chiến lược phát triển chung của tỉnh luôn xác định giao thông là khâu đột phá then chốt để đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm kinh tế, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của cả nước, ở đó, giao thông chính là “xương sống” để tái cơ cấu không gian đô thị, hình thành các cực tăng trưởng mới.
Phối cảnh tổng thể đường Vành đai 4 qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh. |
Tỉnh Bắc Ninh đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để các dự án giao thông trọng điểm quốc gia sớm đi vào khai thác, sử dụng, trong đó điểm nhấn là tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình đi Thủ đô Hà Nội với quy mô hiện đại nhất, đẹp nhất, đang được tỉnh khẩn trương hoàn thiện các phần việc liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hạ tầng giao thông được nâng cấp, hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, kết nối trực tiếp với các tuyến cao tốc và cảng biển, sân bay sẽ là tiền đề để Bắc Ninh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics, thương mại dịch vụ, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh… tạo thành vùng công nghiệp – dịch vụ – đô thị lớn của miền Bắc. Đây là cơ hội để Bắc Ninh tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị liên kết vùng, tăng cường xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời là cơ hội để phát triển các đô thị vệ tinh, giảm áp lực cho các khu vực trung tâm.
Với nền tảng hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, cộng hưởng cùng các dự án trọng điểm quốc gia qua địa bàn tỉnh, Bắc Ninh không chỉ đẩy mạnh thu hút đầu tư, củng cố vững chắc vai trò trung tâm công nghiệp - điện tử của cả nước mà còn mở ra không gian phát triển mới cho thương mại, dịch vụ, đô thị, cất cánh cùng đất nước.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/du-an-giao-thong-trong-diem-mo-rong-khong-gian-phat-trien-postid421652.bbg
Bình luận (0)