Tiềm năng
Kiến trúc sư Đinh Việt Phương (Công ty CP Tư vấn thiết kế và giải pháp công nghệ 3DART) đã nghĩ ngay đến những bức tượng mình từng số hóa khi UNESCO ghi danh Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP.Hải Phòng) là di sản văn hóa thế giới. "Khu vực này có rất nhiều điểm di tích với tượng Phật vô cùng đẹp, trong số đó có nhiều bảo vật quốc gia. Nhiều người làm nghề tạc tượng vẫn lấy mẫu tượng ở các chùa ở Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc để làm mẫu cho các tác phẩm mới của mình", ông Phương nói.
Bảo vật quốc gia tượng Tam thế ở Côn Sơn
ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA
Kiến trúc sư Đinh Việt Phương đặc biệt nhớ những bộ tượng ở chùa Vĩnh Nghiêm mà mình đã số hóa. "Chùa Vĩnh Nghiêm có bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm là bảo vật quốc gia rất đẹp, có tòa Quan âm cũng đẹp, tòa Cửu Long thì theo tôi là đẹp nhất thiên hạ rồi. Côn Sơn, Kiếp Bạc cũng vậy, mấy bộ Di đà tam thế đều đẹp. Bộ Tam thế ở Côn Sơn cũng là bảo vật quốc gia", ông Phương cho biết.
Tuy nhiên, là người nhiều năm lui tới các di tích trong quần thể di sản UNESCO này, kiến trúc sư Phương thấy tiếc nuối: "Pho tam thế ở Vĩnh Nghiêm có tượng ở giữa lại có tướng râu bát tự, tức là pho đấy có ria mép, và ở đó người ta cũng không thuyết minh được tại sao tượng đó lại có ria mép. Làm sao để người ta có thể biết về việc đó, vì bản thân Vĩnh Nghiêm đã là một môn phái rồi. Đi sâu vào từ nghệ thuật tượng pháp thì sẽ rất thích, từ đó hoàn toàn có thể tạo ra con đường hành hương từ Vĩnh Nghiêm lên đến Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông".
"Mọi người đến theo hướng tín ngưỡng thôi. Tượng ở đó thường vẫn được coi như tượng thờ, các làng nghề vẫn về đấy xin mẫu. Nhưng các thuyết minh về vẻ đẹp của tượng lại sơ sài. Người dân đến và không hiểu thêm gì nhiều về những tác phẩm quý giá đó. Làm sao phải đẩy được nhận thức về giá trị thẩm mỹ đó lên. Trong khi tượng của mình có những tỷ lệ rất duyên. Phải có một chiến lược để ai chưa biết thì biết", kiến trúc sư Đinh Việt Phương đánh giá.
Hình chụp X-quang chiếc hộp được cho là đựng xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông
ẢNH: TS VĂN ANH
Kết nối các điểm đến
Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc thể hiện đầy đủ truyền thống Phật giáo Trúc Lâm. Câu chuyện từ những vùng đất này là câu chuyện từ khi hình thành tư tưởng đến hệ thống hóa các triết lý Phật giáo Trúc Lâm thể hiện qua các văn bia, di vật liên quan và thực hành nghi lễ. Di sản UNESCO này gồm hệ thống di tích quốc gia đặc biệt như quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương… Bên cạnh đó còn có các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống trong khu vực…
Kiến trúc sư Đinh Việt Phương cho rằng cần phải liên kết lại để tạo ra một vùng sinh thái đậm tinh thần Phật giáo. "Những người làm du lịch phải ngồi với nhau và lập ra các ý tưởng chủ đạo cho du lịch ở đây dựa trên tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm. Phải tránh được tình trạng ông này truyền thông kiểu này, ông kia truyền thông kiểu kia. Quan trọng nhất là tạo ra được một vùng sinh thái đậm tinh thần của Phật giáo nhà Trần, tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm", ông Phương nói.
Một trong nhiều câu chuyện có thể kể để có hình dung về Phật giáo Trúc Lâm, theo TS Nguyễn Văn Anh (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), là câu chuyện về chiếc hộp đựng xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hộp xá lợi này hiện được lưu giữ tại Yên Tử. Xá lợi này được đánh giá là một phần câu chuyện của Phật giáo Trúc Lâm - "tổ chức giáo hội đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước nhà" (đánh giá của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN - PV). TS Văn Anh cho rằng nếu người dân chưa biết về xá lợi Trần Nhân Tông thì hãy kể cho họ biết.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thu Thủy (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng việc quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc thành di sản văn hóa thế giới UNESCO có thể mở ra những cơ hội cho du lịch nội địa. "Điều này sẽ ảnh hưởng tới du lịch nội địa hơn là việc khách nước ngoài tới. Du lịch tâm linh là câu chuyện chủ yếu của thị trường nội địa", TS Thủy nói.
Cũng theo TS Thủy, nhu cầu du lịch tâm linh hiện nay của thị trường trong nước khá đơn giản. Người dân thích hành hương đến nơi, sau đó chiêm bái và cầu xin, vì thế cần có thêm sản phẩm du lịch để kéo dài thời gian lưu lại di tích. Đó có thể là một trưng bày nhỏ trong di tích, những đoạn phim tái hiện câu chuyện lịch sử về Phật giáo Trúc Lâm. Điều này rất cần sự chung tay của các địa phương liên quan cũng như Giáo hội Phật giáo VN. Sau đó, các địa phương có thể cùng nhau tính tiếp đến việc kết nối các điểm đến qua việc xây dựng hệ thống địa điểm lưu trú nhiều dấu ấn văn hóa.
Nguồn: https://thanhnien.vn/du-lich-kham-pha-di-san-theo-dau-phat-hoang-185250714222438758.htm
Bình luận (0)