Du lịch giúp tăng cường mối quan hệ khu vực
Chính quyền các quốc gia ở Tiểu vùng sông Mê Kông đã có nhiều chiến lược tập trung vào việc tăng cường phát triển du lịch, củng cố mối quan hệ giữa người dân với người dân các nước, nhất là trong Tiểu vùng sông Mê Kông. Kênh Asia News Network dẫn bài báo của tờ Phnom Penh Post khẳng định, “du lịch xuyên biên giới ở Đông Nam Á vẫn là minh chứng cho sức mạnh của hợp tác khu vực và cam kết của các nước láng giềng trong việc thúc đẩy ngành du lịch”.
Phát biểu tại hội thảo khu vực Destination Eco-Talents (do Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tại Campuchia tổ chức ở tỉnh Siem Reap từ ngày 26 đến 28 tháng 3), nhằm khởi động sáng kiến chủ chốt nhằm thúc đẩy du lịch bền vững, bà Dee Suvimol Thanasarakij, Giám đốc điều hành Văn phòng điều phối du lịch Mê Kông (MTCO) lưu ý rằng sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực sông Mê Kông vẫn tiếp tục, "Các chính phủ không có bất kỳ vấn đề nào khi nói đến hợp tác du lịch" và nhấn mạnh rằng các chuyên gia du lịch chỉ tập trung vào việc tạo điều kiện cho du lịch xuyên biên giới. "Du lịch là để đưa mọi người lại gần nhau hơn và đó là những gì chúng tôi đang làm - kết nối khách du lịch từ Thái Lan đến Campuchia và ngược lại", bà nói thêm.
Thực tế, thời gian qua, các quan chức và chuyên gia về du lịch của các nước vẫn tập trung vào những lợi ích chung mà du lịch mang lại cho cộng đồng địa phương có điểm du lịch, tạo việc làm và tạo ra các nguồn thu nhập giúp cải thiện sinh kế của vô số gia đình, thúc đẩy các mối quan hệ xuyên biên giới bền chặt trong lĩnh vực du lịch ở Tiểu vùng sông Mê Kông.
Ở khu vực Đông Nam Á, với vị thế quan trọng kết nối nhiều nước và có ý nghĩa chiến lược đối với Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, sông Mê Kông hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Điều quan trọng là khai thác hiệu quả tiềm năng phong phú này, liên kết sản phẩm riêng có của từng quốc gia hình thành chuỗi du lịch gắn liền với sông Mê Kông, phát triển sản phẩm du lịch đường sông hấp dẫn toàn diện, trở thành một thương hiệu du lịch chung của khu vực.
Thúc đẩy du lịch bền vững
Bất chấp những thách thức toàn cầu và khu vực, ngành du lịch các nước khu vực sông Mê Kông vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tại Hội thảo về việc xây dựng mạng lưới du lịch khu vực bền vững nhằm khuyến khích hợp tác xuyên biên giới, đặc biệt tập trung vào Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, ông Thok Sokhom, Thứ trưởng Bộ Du lịch Campuchia khẳng định: "Sự tăng trưởng mà chúng ta thấy trong ngành du lịch là kết quả trực tiếp của những nỗ lực chung từ tất cả các khu vực - cả khu vực công và tư. Đây là minh chứng cho sức mạnh của sự hợp tác trong khu vực".
Theo kế hoạch, các tuyến du lịch mới đã được phát triển để thúc đẩy du lịch xuyên biên giới liền mạch, tập trung vào du lịch bền vững và dựa vào cộng đồng.
"Thông qua tuyến khám phá sông Mê Kông, du khách có thể khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và sự giàu có về văn hóa của khu vực, từ tỉnh Rattanakiri của Campuchia đến cảnh quan thanh bình của Lào và Thái Lan", Chuob Ratana, Giám đốc phát triển và lập kế hoạch du lịch Campuchia cho biết. "Chúng tôi đang nỗ lực kết nối khách du lịch với cộng đồng địa phương thông qua các trải nghiệm như chèo thuyền kayak, đi bộ đường dài và các hoạt động du lịch sinh thái, bảo đảm rằng phát triển du lịch vừa bền vững vừa có lợi cho cộng đồng nông thôn", ông nói thêm.
Một trọng tâm chính của Kế hoạch du lịch GMS 2030 là thúc đẩy du lịch bền vững, nhằm bảo đảm ngành du lịch phát triển có trách nhiệm trong khi vẫn hỗ trợ cộng đồng địa phương và bảo vệ môi trường. Tuyến đường khám phá sông Mê Kông là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận này, cung cấp các trải nghiệm du lịch sinh thái không chỉ làm nổi bật các kỳ quan thiên nhiên của khu vực mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn môi trường. Sáng kiến này cho phép khách du lịch tiếp xúc với các loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá heo sông Mê Kông và tận hưởng các hoạt động du lịch sinh thái được thiết kế để thúc đẩy sự tôn trọng đối với hệ sinh thái mong manh của khu vực.
![]() |
Du khách thích thú chèo thuyền quanh khu Ramsar Stung Treng. |
Bằng cách cung cấp các trải nghiệm thúc đẩy nhận thức về môi trường, tuyến đường khám phá sông Mê Kông trở thành ví dụ cho các khu vực khác đang tìm cách cân bằng giữa tăng trưởng du lịch với tính bền vững.
Bằng cách hợp tác để tạo ra các tuyến du lịch sáng tạo, bảo đảm các hoạt động du lịch có trách nhiệm và thúc đẩy giao lưu văn hóa, các quốc gia trong khu vực sông Mê Kông đang đặt nền tảng vững chắc cho thành công lâu dài. Khi khu vực này tiếp tục phát huy di sản văn hóa đa dạng và vẻ đẹp thiên nhiên của mình, du lịch xuyên biên giới sẽ vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hợp tác khu vực và phát triển bền vững.
Trọng tâm vẫn là làm cho việc đi lại dễ dàng hơn, dễ tiếp cận hơn và có ý nghĩa hơn đối với khách du lịch, đồng thời bảo đảm rằng cộng đồng địa phương và môi trường được hưởng lợi từ ngành du lịch đang phát triển. “Du lịch không chỉ là đi đến những nơi khác nhau; mà là để gắn kết mọi người lại với nhau. Và đó là điều chúng tôi sẽ tiếp tục làm, bất kể chúng tôi phải đối mặt với những thách thức nào”, bà Thanasarakij cho biết.
Theo tờ Nation Thailand, vào tháng 1, Transport Company - một công ty xe buýt liên tỉnh của Thái Lan có kế hoạch mở rộng hoạt động du lịch xuyên biên giới bằng cách sử dụng 11 tuyến xe buýt đến Lào và Campuchia. Sáng kiến này nhằm mục đích thúc đẩy du lịch giữa Thái Lan và các nước láng giềng. Hiện tại, công ty khai thác 9 tuyến xe buýt đến Lào, bao gồm các tuyến từ Nong Khai đến Viêng Chăn, Udon Thani đến Viêng Chăn, UbonRatchathani đến Pakse và các tuyến khác. Ngoài ra, có hai tuyến phục vụ Campuchia: một tuyến từ Bangkok đến Siem Reap và một tuyến từ Bangkok đến Phnom Penh.
Các dự án du lịch Tiểu vùng: Dự án “Chương trình chứng nhận điểm du lịch - chứng nhận điểm đến xanh” tại GMS do DASTA (Thái Lan) là chủ dự án. Dự án được thực hiện từ Quỹ hợp tác Lan Thương - Mê Công do Trung Quốc tài trợ, trong giai đoạn 2023 - 2025; Dự án “Thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo phục vụ phát triển du lịch di sản tại khu vực Mê Công - Creative4Mekong” do MTCO phối hợp với Học viện Mê Công (MI) triển khai, đã được Quỹ Mê Công - Hàn Quốc phê duyệt. Thời gian triển khai dự án 3 năm (3/2024 - 2/2026). Địa điểm thực hiện dự án tại 6 nước CLMTV (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam) và Hàn Quốc (tại Việt Nam, dự án chọn Huế). Ngoài ra, MTCO phối hợp với Trung tâm ASEAN - Nhật Bản triển khai Dự án tăng cường kỹ năng số cho phụ nữ trong cộng đồng làm du lịch tại các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam).
Nguồn: https://baophapluat.vn/du-lich-xuyen-bien-gioi-o-tieu-vung-song-me-kong-cai-bat-tay-sang-tao-vi-su-phat-trien-ben-vung-post545856.html
Bình luận (0)