Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đừng để bản sắc bị lãng quên

Giữ gìn bản sắc không có nghĩa là khước từ hội nhập. Điều cốt lõi là làm sao để văn hóa Việt bước ra thế giới với tư thế chủ động, tự tin.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng07/07/2025

Hội thảo khoa học “Nhìn lại sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất”
Hội thảo khoa học “Nhìn lại sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất”

Tại hội thảo Nhìn lại sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia chỉ ra các tác động khiến bản sắc văn hóa dân tộc đối mặt với nguy cơ bị phai mờ. Ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc hay phương Tây đối với giới trẻ là ví dụ.

Trong âm nhạc, không ít nghệ sĩ trẻ chạy theo sao chép phong cách K-pop: từ vũ đạo, trang phục đến MV... nhưng lại thiếu đi cá tính riêng và chiều sâu bản sắc văn hóa. Phim ảnh Việt cũng chịu tác động tương tự. Thị trường tràn ngập các phim remake (làm lại từ các bản gốc nước ngoài), nhưng phần lớn gây thất vọng vì kịch bản rập khuôn, thiếu bản sắc và không truyền tải được hồn cốt Việt. Không ít nhà làm phim ngại đầu tư vào kịch bản thuần Việt vì sợ rủi ro thị trường, từ đó khiến khán giả dần xa rời những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc.

Nguy cơ lớn hơn là sự mai một của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Những bộ môn như tuồng, chèo, cải lương, hát xẩm... ngày càng ít xuất hiện trong đời sống đại chúng. Giới trẻ thuộc tên các nhóm nhạc Hàn Quốc nhưng lại không biết hát xẩm là gì, chưa từng một lần xem tuồng trên sân khấu. Lực lượng nghệ sĩ kế cận cho các loại hình này ngày càng mỏng, phần vì thu nhập không đủ sống, phần vì thiếu môi trường để sáng tạo, rèn nghề và được ghi nhận xứng đáng.

Trước thực trạng ấy, giữ gìn bản sắc văn hóa không chỉ là trách nhiệm của giới nghệ sĩ, mà cần là một chiến lược quốc gia. Như việc đưa giáo dục văn hóa truyền thống vào trường học để thế hệ trẻ hình thành gu thưởng thức và lòng trân trọng. Song song đó, cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để nuôi dưỡng nghệ sĩ trẻ theo đuổi nghệ thuật dân tộc như xây dựng các quỹ đầu tư, học bổng văn hóa, sân khấu trình diễn có chọn lọc...

Đặc biệt, công nghệ số nên được xem là công cụ hỗ trợ chứ không phải là mối đe dọa. Nhiều sản phẩm như MV Để Mị nói cho mà nghe (Hoàng Thùy Linh) hay Bắc Bling (Hòa Minzy) là ví dụ điển hình cho thấy nếu biết cách làm mới, bản sắc vẫn có thể chạm đến số đông khán giả trẻ qua nền tảng như YouTube, TikTok.

Giữ gìn bản sắc không có nghĩa là khước từ hội nhập. Điều cốt lõi là làm sao để văn hóa Việt bước ra thế giới với tư thế chủ động, tự tin. Không bị hòa tan mà vẫn đủ sức tạo dấu ấn riêng, đó là bản lĩnh văn hóa của một dân tộc trong thời đại toàn cầu.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dung-de-ban-sac-bi-lang-quen-post802749.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm