Ở phía Hải Châu - quận trung tâm nhất của thành phố, có một tòa nhà cao nằm sát bờ sông Hàn, cứ vài giây là ánh đèn trang trí hiển thị sống động hình ảnh cờ Tổ quốc và rồi nền cờ đỏ sao vàng bỗng chốc loang loáng kín cả mặt sông, lan dần về phía biển… Từ phía cầu Rồng - một trong những chiếc cầu đẹp nối liền đôi bờ sông Hàn, nhóm hàng chục du khách check-in với khung hình đẹp nhất một góc “Thành phố đáng sống”…
Người dân tự hào vì thành phố năng động, phát triển
Những ngày cuối tháng 3/2025, ghi nhận không khí tại khu vực nơi chúng tôi lưu trú, người dân ở các Tổ dân phố 8, 9, 11, 12 (thuộc phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng) ai cũng vui đến lạ. Các con đường gần đó như Thăng Long, Trương Chí Chương, Lê Anh Xuân; các khu dân cư cạnh đó như Hóa Sơn 1, Hóa Sơn 4... đâu đâu cũng được bà con chăm chút, dọn dẹp vệ sinh sạch sẻ, nâng niu treo cờ đỏ sao vàng trước nhà mình.

Bước ra các con đường huyết mạch như 2/9, Phan Đăng Lưu,… càng cảm thấy vui khi nhìn đâu cũng thấy lộng lẫy cờ hoa. Người dân lũ lượt đến xem “Triển lãm “Đà Nẵng - Phát triển và Hội nhập” và càng cảm nhận đầy đủ hành trình nửa thế kỷ - Đà Nẵng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vươn mình phát triển mạnh mẽ. Từ một đô thị nhỏ, giờ Đà Nẵng đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội và du lịch hàng đầu của cả nước...
Ông Nguyễn Văn Cử (63 tuổi, cán bộ hưu trí, Tổ trưởng tổ dân phố 11, khu vực Hóa Sơn 4) xúc động chia sẻ, chưa bao giờ người Đà Nẵng lại vui mừng và náo nức như ngày hôm nay. “Những ngày qua, người dân thành phố như sống trong không khí của một ngày hội lớn. Bà con tổ 11 xúc động lắm, cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền thành phố, từ nguồn ngân sách đã hỗ trợ 7 triệu đồng mỗi tổ dân phố; 10 triệu đồng mỗi thôn; doanh nghiệp hỗ trợ thức uống… để bà con cùng nhau tổ chức Ngày hội toàn dân chào mừng 50 năm Ngày quê hương giải phóng. Đây chính là dịp để gắn kết người dân tại khu dân cư, tạo khí thế vui tươi như trẩy hội, phấn khởi, đoàn kết cho nhân dân”. Chúng tôi được nghe kể thêm, từ sự quan tâm này, trên toàn địa bàn thành phố, 100% tổ dân phố, thôn đều tổ chức và rất đông gia đình, tất cả thành viên trong nhà đều tham gia tiệc mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thành phố giải phóng.
Hôm gặp chúng tôi sau buổi gặp mặt thân mật cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung do đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì vào chiều 28/3, Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ (SN 1942) bộc bạch, thế hệ của bà với bao đồng chí, đồng đội đã từng đối mặt với những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đối mặt với mưa bom bão đạn, ai cũng đã xông lên để cùng góp phần giành lấy độc lập, tự do; chính vì vậy mỗi người đều có thể cảm nhận sự thiêng liêng trong những ngày tháng này.
“Chiến tranh để lại hậu quả nặng nề, nhưng với ý chí tự lực, tự cường, Đà Nẵng tập trung kiến thiết, xây dựng và phát triển. Những năm tháng nay sau ngày giải phóng, dù còn nhiều gian khó, nhưng cũng chính là thời điểm thử thách bản lĩnh, tinh thần kiên định của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển sau này”, bà Ngô Thị Huệ chia sẻ.
Phấn khởi trước thành tựu to lớn của hành trình phát triển không ngừng của TP Đà Nẵng, KTS Vũ Quang Hùng, Ủy viên Ban thường vụ Hội kiến trúc sư Việt Nam (Trưởng BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng) cho rằng, bước ngoặt quan trọng nhất trong hành trình phát triển của Đà Nẵng chính là năm 1997, khi thành phố chính thức trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Từ đây, Đà Nẵng bước vào một thời kỳ phát triển bứt phá, xác lập vị thế trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước. Những công trình biểu tượng như cầu Sông Hàn, cầu Rồng, hầm Hải Vân, sân bay quốc tế Đà Nẵng… không chỉ minh chứng kết cấu hạ tầng hiện đại, mở mang đô thị, mà còn thể hiện khát vọng vươn cao, vươn xa của thành phố.
“Nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực không thể thiếu vai trò của các thế hệ lãnh đạo Đà Nẵng, những con người mang trong mình bản lĩnh đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đà Nẵng không ngại thử nghiệm những cái mới, những mô hình chưa từng có tiền lệ. Chính sự quyết đoán, tầm nhìn chiến lược và phong cách lãnh đạo sâu sát, quyết liệt, có tầm nhìn xa, dự báo chính xác xu hướng phát triển đã đưa thành phố phát triển năng động và bền vững”, KTS Vũ Quang Hùng bộc bạch.
“Được lòng dân”
Người dân bên bờ sông Hàn rất ấn tượng và phấn khởi khi phát biểu tại Lễ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ Đà Nẵng (28/3/1930 - 28/3/2025) và 50 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Có thể nói cái được lớn nhất của Đảng bộ Đà Nẵng là được lòng dân và đó chính là niềm tự hào đáng trân trọng của Nhân dân Đà Nẵng anh hùng. Đây là tiền đề tạo ra sức mạnh tổng hợp để Đà Nẵng phát triển nhanh và toàn diện trong những năm tiếp theo".
Thực tế trải qua 95 năm từ khi Đảng bộ thành phố được thành lập và nửa thế kỷ từ ngày giải phóng thành phố, Đà Nẵng đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành đô thị hiện đại, năng động và đáng sống. Hành trình đi lên hôm nay tiếp tục khẳng định khẳng định tính đúng đắn của sự đổi mới không ngừng, tinh thần tiên phong, sáng tạo trong phát triển, đặc biệt là bài học sâu sắc “lấy dân làm gốc”, là nền tảng cho mọi chủ trương, chính sách.
Một trong những bài học quan trọng nhất của Đà Nẵng thời gian qua chính là các cấp ủy đảng, chính quyền luôn tranh thủ được sự đồng thuận, đó chính là sự “được lòng dân” mà đồng chí Tổng Bí thư đề cập. Lãnh đạo thành phố cho biết, sự đồng thuận của nhân dân chính là yếu tố cốt lõi giúp thành phố có thể thực hiện những cải cách mạnh mẽ. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền thành phố đều có chung một đặc điểm: Người dân không chỉ tham gia thực hiện mà còn là chủ thể thụ hưởng. Thành phố luôn gắn mục tiêu phát triển với nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trong từng giai đoạn. Chính vì vậy, thành phố đã có nhiều chính sách an sinh xã hội đặc thù, trở thành mô hình mẫu để nhiều địa phương khác tham khảo...
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam vào chiều 29/3 vừa qua, bên cạnh những ý kiến chỉ đạo nhằm phát huy tối đa thế mạnh để vùng đất Quảng - Đà vươn ra biển lớn, Tổng Bí thư Tô Lâm đã lưu ý đến giá trị cốt lõi của tinh thần hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Chẳng hạn khi đề cập đến việc quan trọng mà sắp tới Trung ương và Quốc hội sẽ thảo luận về vấn đềsáp nhập tỉnh - một cuộc cách mạng, bước đột phá về thể chế chuẩn bị cho “tầm nhìn trăm năm” phát triển đất nước, trong đó dự kiến có khả năng Quảng Nam sẽ nhập với Đà Nẵng, Tổng Bí thư đề nghị địa phương đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, gắn với đổi mới mô hình tổ chức, siết chặt kỷ luật, nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ. Cán bộ phải thực sự là trung tâm đổi mới, là người gắn bó với dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, và là người lan tỏa niềm tin trong nhân dân...
Và trong những nhiệm vụ trọng tâm khi đơn vị hành chính mới được xác lập, đồng chí Tổng Bí thư không quên lưu ý lãnh đạo thành phố tiếp tục nâng cao và chăm lo đời sống người dân, tập trung xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều công ăn việc làm nguồn nhân lực tại địa phương…
Một lãnh đạo thành phố chia sẻ với chúng tôi rằng, trong hành trình phát triển vươn lên không ngừng nghỉ của Đà Nẵng, có một hành trang tựa như tài sản vô giá, đó chính là “lòng dân”. Các thế hệ lãnh đạo của Đà Nẵng đều nhận ra giá trị của bài học lớn về sức mạnh đoàn kết, sự đồng thuận, nhất quán ý Đảng và lòng dân; từ đó tranh thủ tối đa yếu tố “nhân hòa” trong mối quan hệ với “Thiên thời, địa lợi…”, được xem như là mối quan hệ mặc định của mọi sự thành công…
Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song/duoc-long-dan-hanh-trang-quy-bau-de-da-nang-vuon-minh-i763891/
Bình luận (0)