
Hạ tầng giao thông - “mạch máu” kết nối phát triển
Bắc Kạn là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, tỉnh đã tập trung các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình 135 và vốn ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường liên xã, liên thôn, đường nội đồng, cầu dân sinh, mở rộng các trục giao thông chính.

Nếu như năm 2015, toàn tỉnh Bắc Kạn chỉ có khoảng 47% đường giao thông nông thôn được cứng hóa, thì đến cuối năm 2024, con số này đã đạt trên 75%, với hàng trăm ki-lô-mét đường liên thôn, liên xã được nâng cấp, mở rộng. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa như Xuân Lạc, Tân Lập (Chợ Đồn); Cao Thượng, Hoàng Trĩ, Quảng Khê (Ba Bể); Thượng Quan, Cốc Đán, Thuần Mang (Ngân Sơn); Bằng Thành, Công Bằng, Cổ Linh (Pác Nặm)… trước kia gần như bị cô lập vào mùa mưa, nay đã có đường ô tô đi lại thuận lợi quanh năm.
Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải (nay là Sở Xây dựng) trong giai đoạn 2021–2024, toàn tỉnh đã đầu tư trên 1.200 tỷ đồng cho giao thông nông thôn từ các nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách địa phương và huy động nguồn lực từ Nhân dân cùng tham gia. Đến nay, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa đã có đường ô tô đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa...
Để bảo đảm hiệu quả đầu tư, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên làm đường cho các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có tiềm năng phát triển kinh tế. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vận động người dân hiến đất, góp ngày công, phối hợp giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai. Tỉnh còn chú trọng sử dụng vật liệu phù hợp với điều kiện địa phương, khuyến khích ứng dụng công nghệ mới trong thi công để tiết kiệm chi phí, tăng tuổi thọ công trình.
Hướng tới mở lối cho nông sản, du lịch và sinh kế
Việc hoàn thiện mạng lưới giao thông không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách địa lý, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân. Nhiều vùng sản xuất nông – lâm sản tập trung như vùng cam quýt ở Bạch Thông; vùng trồng hồng không hạt, miến dong, bí xanh thơm ở Ba Bể; gạo nếp Khẩu Nua Lếch, nấm hương, hạt dẻ, lê ở Ngân Sơn và gỗ rừng trồng, sản phẩm OCOP… nhanh chóng tiếp cận các thị trường lớn nhờ hạ tầng giao thông thuận lợi.

Bên cạnh đó, giao thông được đầu tư đồng bộ còn góp phần phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, đặc biệt tại các khu vực như hồ Ba Bể, Vườn Quốc gia Ba Bể, rừng đặc dụng Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc… giúp người dân có thêm sinh kế từ dịch vụ du lịch, homestay, nông sản sạch. Với định hướng xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tỉnh Bắc Kạn hiện đang tiếp tục triển khai các dự án giao thông quan trọng như mở rộng các tuyến liên huyện, đường trục kết nối vùng sản xuất với quốc lộ, đường tránh thiên tai... Qua đó tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, đẩy mạnh xuất khẩu và kết nối liên vùng.
Đồng chí Đinh Quang Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản các tuyến đường liên xã, đường ở thôn bản được cứng hóa, kết nối hoàn chỉnh với các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ, từng bước hình thành mạng lưới giao thông nông thôn liên hoàn, hiện đại, phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa, du lịch sinh thái và công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tích cực phối hợp với các tỉnh trong khu vực xây dựng kế hoạch phát triển giao thông liên tỉnh, liên vùng. Đặc biệt là các tuyến kết nối vùng nguyên liệu với các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Cao Bằng… Khi các tuyến đường giao thông hoàn thiện sẽ mở lối cho Bắc Kạn bước vào giai đoạn phát triển mới./.
Nguồn: https://baobackan.vn/duong-giao-thong-dong-luc-phat-trien-kinh-te-nong-thon-post70976.html
Bình luận (0)