BHG - Nhắc đến Cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều người sẽ nghĩ về con đường Hạnh Phúc huyền thoại. Một công trình đã trở thành bài ca bất hủ về ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Giang, tinh thần lao động kiên cường của những lớp thanh niên xung phong hàng chục năm trước. Đường Hạnh Phúc được khởi công ngày 10.9.1959, hoàn thành ngày 20.3.1965, là một kỳ tích mở đường trên đá, để ngày nay đi trên con đường này, mỗi người chúng ta đều cảm thấy bồi hồi, trân trọng công sức đã làm nên con đường tuyệt đẹp này.
Đi trên con đường đá huyền thoại không biết bao lần, một con đường dù giờ đây vẫn còn nhiều ngoằn nghoèo và nhọc nhằn, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy giảm sự hào hứng. Bởi mỗi lần đặt chân lên hành trình con đường Hạnh Phúc, là một lần được cảm nhận về bao ký ức hoa lửa của tuổi trẻ một thời gian khó. Con đường Hạnh Phúc - Quốc lộ 4C xuất phát từ phường Quang Trung, thành phố Hà Giang vượt lên Đồng Văn, vắt qua Đại hùng quan Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc với chiều dài hơn 180km. Trên con đường này, nếu tinh ý, ta có thể bắt gặp nhiều đoạn còn vết tích của choòng, đục mở đường năm xưa vẫn còn in trên những vách đá. Nghĩa trang Liệt sỹ Thanh niên xung phong mở đường ở huyện Yên Minh, Tượng đài Thanh niên xung phong ở huyện Mèo Vạc và tấm bia đá khắc ghi toàn bộ dữ liệu về công trường mở đường ở trung tâm thị trấn Mèo Vạc là những ký ức đặc biệt về công trường đá, được người dân, du khách chú ý mỗi khi lên Cao nguyên đá.
Cung đường Hạnh phúc trên Cao nguyên đá. Ảnh: PV |
Trong nhiều lần rong ruổi trên con đường Hạnh Phúc, không chỉ gặp gỡ, trao đổi với người dân, các bạn trẻ và du khách, tôi còn tìm đến những cuốn sổ lưu bút tại những điểm đến du lịch để được đọc những dòng cảm xúc về con đường huyền thoại này. Rất nhiều những câu từ cảm ơn, biết ơn, đời đời ghi ơn, cảm phục sự hy sinh của các thanh niên xung phong để xây dựng con đường…, và nhiều dòng tình cảm đặc biệt đã được viết trong các cuốn sổ lưu bút tại điểm dừng chân Mã Pì Lèng, Mèo Vạc.
Mở cuốn lưu bút tại điểm dừng chân Mã Pì Lèng, chúng tôi đọc thấy dòng lưu bút của đoàn các cựu chiến binh Tăng thiết giáp 5-1971, Thái Thụy, Thái Bình viết “Luôn biết ơn những người mở đường Hạnh Phúc để vùng cao Hà Giang phát triển như ngày hôm nay, xứng đáng là địa đầu Tổ quốc”. Được nghe kể về lịch sử làm đường và trải nghiệm thực tế trên con đường Hạnh Phúc với cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, nhiều gia đình, trong đó có gia đình chị Đoàn Thị Ngọc Lan, ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh xúc động viết “Gia đình chúng tôi đã đến và đi trên con đường Hạnh Phúc. Cảm ơn những người đã làm nên con đường này, chúng tôi yêu Hà Giang”. Du khách Phạm Thị Hà, ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa xúc động bày tỏ, “Hà Giang mến yêu và cung đường Hạnh Phúc, sự hy sinh của thanh niên xung phong thật là xúc động. Tất cả để lại niềm tự hào đất nước, con người Việt Nam ta”...
Những ký ức về đường Hạnh Phúc với con số hàng triệu ngày công để làm đường, số người hy sinh trên tuyến đường này và những câu chuyện trên công trường mở đường năm xưa khiến cho mỗi chúng ta hôm nay vô cùng xúc động. Tất cả cho thấy, thế hệ hôm nay luôn ghi khắc công lao to lớn của những người đi trước mở đường, một con đường đá được làm nên bằng máu xương và ý chí chiến thắng.
Sau 60 năm kể từ khi con đường được hoàn thành ở điểm cuối cùng là thị trấn Mèo Vạc, con đường Hạnh Phúc ngày càng được tu sửa, nâng cấp to hơn, đẹp hơn. Đặc biệt, ở hầu như tất cả những nơi con đường đá huyền thoại này đi qua, cảnh quan hai bên đường đều tuyệt đẹp, không hề trùng lặp với bất cứ cảnh quan ở đâu trên đất nước Việt Nam. Hai bên đường, những mùa hoa ở Cao nguyên đá luôn mang lại bao cảm giác vô cùng cuốn hút, tạo nên một con đường mang sức sống của tuổi trẻ với đầy khát vọng, mộng mơ. Có thêm một chút hiểu về lịch sử con đường, lịch sử vượt khó vươn lên của vùng Cao nguyên đá, ta sẽ càng thấy được vẻ đẹp, giá trị của công trình to lớn này đến hôm nay và mai sau.
Một đôi bạn trẻ sau khi đi hết con đường Hạnh Phúc từ thành phố Hà Giang đến huyện Mèo Vạc đã cùng chụp lại một bức ảnh checkin trên đèo Mã Pì Lèng và viết dòng đầy yêu thương trên trang facebook cá nhân rằng, “Mong rằng sau khi được đi trên con đường Hạnh Phúc huyền thoại ở Hà Giang, anh và em sẽ tiếp tục được cùng nhau đi trên con đường hạnh phúc của chúng ta”.
Trong mùa tháng 3 năm nay, đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày hoàn thành con đường Hạnh Phúc (20.3.1965 – 2025). Và thật trùng hợp ngày 20.3 cũng là ngày Quốc tế hạnh phúc. Nhìn lại thời gian 60 năm đã qua, có thể thấy được con đường từ mùa Xuân năm ấy đã, đang và sẽ góp phần to lớn đưa miền đá vươn lên. Khát vọng và ý chí, máu và hoa năm xưa của tuổi trẻ Cao, Bắc, Lạng, Thái, Tuyên, Hà, một số tỉnh miền xuôi và Nhân dân các dân tộc đã dựng xây nên một “địa chỉ đỏ” cho hôm nay và mai sau, để tuổi trẻ và người dân cả nước mãi khắc ghi, học tập.
Bài, ảnh: Huy Toán
Nguồn: https://baohagiang.vn/xa-hoi/202503/duong-hanh-phuc-dia-chi-do-tren-mien-da-6c063ac/
Bình luận (0)