Hướng đến trung tâm sản xuất ô tô của cả nước
Sau hơn 2 năm xây dựng, cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Thành Công chính thức khánh thành và đưa vào vận hành Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long). Đây có thể coi là sự kiện đặc biệt quan trọng của Quảng Ninh, đánh dấu bước chuyển mới của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại tỉnh, khởi đầu cho việc hình thành các tổ hợp, chuỗi sản xuất liên thông của nhiều ngành công nghiệp khác, như cơ khí, điện tử, tự động hóa…
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng được xây dựng trên diện tích 36,5ha với tổng công suất thiết kế đạt 120.000 xe/năm, là dự án trung tâm trong tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Việt Hưng có tổng quy mô 400ha. Nhà máy được đầu tư, trang bị hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại với mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới trong ngành công nghiệp ô tô.
Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống quản lý dữ liệu thông minh, giúp tối ưu năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Skoda và từng bước liên kết, hoàn thiện hạ tầng phụ trợ để hình thành tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô bằng các dự án phụ trợ như: Nhà máy sản xuất pin và động cơ; khu vực kho; khu vực R&D; khu vực cảng; khu vực dịch vụ cùng chuỗi sản xuất cung ứng liên quan.
Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ô tô là động lực quan trọng thúc đẩy CNH, HĐH đất nước. Trên quan điểm đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô phát triển. Việc Quảng Ninh hoàn thành và đưa nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đầu tiên vào hoạt động cho thấy rõ sự chủ động, sáng tạo, đồng hành của địa phương cùng doanh nghiệp. Tỉnh đã ưu tiên nguồn lực, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Điều này không chỉ góp phần vào tăng trưởng của tỉnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo, mà còn từng bước xây dựng được nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng kinh tế quốc tế.
Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, “kinh tế tuần hoàn”, khai thác hiệu quả vai trò trung tâm của Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng cùng chuỗi tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô, ngay từ thời điểm quy hoạch, khởi động đầu tư, Quảng Ninh đã dành nguồn lực, ưu tiên đồng bộ hóa hệ thống logistics thông qua việc triển khai hệ thống giao thông kết nối. Tuyến cao tốc dọc tỉnh kéo dài từ Hải Phòng đến Móng Cái dài 176km, đi qua các KKT, KCN, hệ thống cảng biển quan trọng, sân bay Vân Đồn cũng đã nối liền với nhà máy.
Tỉnh còn thực hiện đầu tư hệ thống đường nối các KCN, các công trình như cầu Tình Yêu, Bình Minh, nâng cao năng lực khai thác tại Cảng Cái Lân, thành lập CCN hỗ trợ ngành ô tô… để mở rộng không gian phát triển, nâng cao năng lực vận tải, cung ứng hàng hóa nhằm thu hút đầu tư tham gia chuỗi tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô đầu tiên của tỉnh. Từ đó, từng bước hình thành một trung tâm công nghiệp hiện đại, thông minh, xanh, thân thiện môi trường, thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và nước ngoài, nhằm nâng cao năng lực sản xuất ô tô nội địa, từng bước tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và thế giới.
Điều này đã cho thấy chiến lược lớn, lâu dài, bền vững với mục tiêu từng bước đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô lớn của đất nước, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu. Không chỉ vậy, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế ở năm 2025 mà còn của cả giai đoạn tiếp theo.
Thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển
Nhìn lại lịch sử phát triển, Quảng Ninh vốn là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội, ngành dịch vụ - du lịch và khai khoáng luôn là mũi nhọn của nền kinh tế trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, các ngành mũi nhọn này bị ảnh hưởng nặng nề, tác động rất lớn đến nền kinh tế và việc đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Với sự nhạy bén, tư duy chiến lược, bám sát quy luật vận hành của kinh tế thị trường, Quảng Ninh đã sớm chuyển dịch mô hình tăng trưởng. Trong đó xác định, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là động lực quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở đó, nghị quyết đầu tiên của tỉnh trong nhiệm kỳ mới (Nghị quyết 01-NQ/TU, ngày 16/11/2020) đã xác định phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ hiện đại, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng có khả năng cạnh tranh cao là mục tiêu trọng tâm trong nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Khởi động cho mục tiêu này, Quảng Ninh đã thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh...
Để công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực dẫn dắt các ngành kinh tế khác cùng phát triển, Quảng Ninh đã tập trung vào đột phá trong thu hút vốn đầu tư, tăng tỷ trọng đóng góp và thu hút lao động chất lượng cao vào lĩnh vực này… Từ đó, tỉnh đẩy mạnh triển khai sớm quy hoạch mặt bằng sản xuất; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn có và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đón đầu sự chuyển dịch mạnh mẽ đang diễn ra trên toàn cầu. Đến nay sau gần 5 năm, các chỉ tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Quảng Ninh đã có trên 1.000 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành trụ cột của nền kinh tế với tốc độ giá trị tăng thêm mỗi năm đều đạt khoảng 30%, giá trị đóng góp GRDP đạt hàng chục tỷ đồng…
Có thể thấy, dù còn non trẻ, tuy nhiên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở Quảng Ninh đã thực sự có những đột phá rõ nét. Các nhà máy, phân xưởng đang tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, hoạt động hết sức sôi động, thậm chí hết công suất, từ đó tăng thêm giá trị, trở thành ngành đóng góp nhiều nhất trong tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng. Ngay trong quý I/2025 chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ghi nhận được sự tăng trưởng lớn nhất so với các ngành kinh tế khác với mức tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, các sản phẩm tăng mạnh đó là vải dệt kim tăng 70,4%; tivi tăng 34,8%; tấm quang năng tăng 36,5%... Điều đáng chú ý, một số nhà máy mới đã bắt đầu hoàn thành và đưa vào sản xuất, từ đó tạo giá trị tăng thêm, đóng góp vào tăng trưởng của ngành.
Trong thời gian tới, Quảng Ninh vẫn sẽ ưu tiên, thu hút mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này. Tỉnh thể hiện rõ quan điểm, cách làm trong nâng cao hiệu quả mô hình xúc tiến đầu tư theo “chu trình khép kín” từ việc hỗ trợ triển khai thủ tục đầu tư đến hỗ trợ sau đầu tư. Phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng các KCN và các địa phương thực hiện rà soát quỹ đất, đẩy nhanh tiến độ GPMB, chuẩn bị thị trường lao động, xây dựng mối quan hệ hợp tác với các cơ quan ngoại giao, tổ chức xúc tiến đầu tư quốc tế, các cơ quan Trung ương, chủ đầu tư hạ tầng các KCN, các công ty tư vấn đầu tư... để đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư.
Song song với đó, ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội (nhà ở, thiết chế, công trình tiện ích công cộng cho người lao động), hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, viễn thông, xử lý nước thải, rác thải…), hạ tầng giao thông kết nối, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư cho các KCN, KKT của tỉnh thông qua các đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm, ưu đãi đặc thù, tạo dựng chuỗi sản xuất, cung ứng kết nối với mạng lưới toàn cầu. Đặc biệt, ưu tiên những dự án thế hệ mới, sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường và có tính liên kết cao nhằm bắt kịp xu thế sản xuất thông minh trên thế giới. Từ đó, tạo động lực quan trọng để đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế năm 2025 và cả giai đoạn, từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị trong giai đoạn mới.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/a-3351203.html
Bình luận (0)